LCĐT - Những giai điệu du dương trầm bổng từ cây đàn cổ truyền 4 dây của nghệ nhân Vàng Sín Phìn luôn ngân lên, đã đánh thức bao tâm hồn. Có lẽ vì thế, nhiều người gọi ông là nốt nhạc giữa rừng...
Đã qua tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh” không người nào là không biết nghĩ cho tương lai. Nghệ nhân dân gian người Thu Lao Vàng Sín Phìn ở xã Nàn Sán (Si Ma Cai) là một trong những người cũng đã nếm đủ phong ba của cuộc đời, trải nghiệm đủ mọi cung bậc cảm xúc với “hỉ, nộ, ái, ố”… LC ĐT - Những giai điệu du dương trầm bổng từ cây đàn cổ truyền 4 dây của nghệ nhân Vàng Sín Phìn luôn ngân lên, đã đánh thức bao tâm hồn. Có lẽ vì thế, nhiều người gọi ông là nốt nhạc giữa rừng...
![]() |
Nghệ nhân dân gian Vàng Sín Phìn. |
Chúng tôi có cuộc hành trình lên mảnh đất mang tên “Xênh mùa ca” đúng vào dịp đào phai bắt đầu bung nở, những vạt dã quỳ đã vàng rực cả cao nguyên đầy nắng gió. Để xe từ đầu dốc, chúng tôi đi bộ đến nhà nghệ nhân Vàng Sín Phìn đúng lúc ông đang cùng bà con say sưa luyện tập hát dân ca Thu Lao. Biết có khách, nhưng mọi người vẫn đàn, hát nốt bài đang dang dở, tiếng hát, tiếng đàn vọng ra từ nếp nhà tường trình khiến chúng tôi cũng bị cuốn hút theo…
Niềm nở đón chúng tôi, nghệ nhân Vàng Sín Phìn bộc bạch: Chả là hôm nay bà con gặt xong, tranh thủ lúc nông nhàn, luyện tập để sau Tết Nguyên đán biểu diễn trong dịp tổ chức Lễ hội xuống đồng. Bà con phấn khởi lắm, đang háo hức chờ đến ngày hội để được biểu diễn hát cầu mùa, cầu mưa… mong một năm mới an lành, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu. Nói đến đây, như để khoe với khách, nghệ nhân Vàng Sín Phìn lại bắt nhịp, đệm đàn cho cả nhóm cùng hát. Tiếng hát chị Ly Sào Pháng, dân tộc Thu Lao lúc trầm, lúc bổng, lúc du dương, lúc lại dìu dặt… Biết chúng tôi không hiểu được ý nghĩa của bài hát, nghệ nhân Vàng Sín Phìn “phiên dịch”: Ý nghĩa của bài hát này “dịch” cả ngày không hết. Đây là bài hát về tình yêu đôi lứa, nôm na là hôm nay là lễ hội đầu xuân, mình gặp nhau đây, có duyên, có số hợp nhau, mình yêu nhau thôi... Đó là những câu hát cổ do bố nghệ nhân Vàng Sín Phìn và những người già trong bản truyền lại. Trước đây, những câu hát giao duyên là nhịp cầu để trai, gái Thu Lao ngỏ lời yêu thương nhau. Trong lúc đi rừng, người con trai Thu Lao cầm tiêu đứng từ vách núi bên này, thổi vọng sang vách núi bên kia, nơi có người con gái mình thầm yêu, trộm nhớ đang làm nương với lời nhắn: “Em có nghe thấy anh đang muốn nói điều gì với em không? Anh đã thương em rồi đấy…”. Những câu hát trong bài dân ca “Hát đi em” ngân lên từ người con gái bên vách núi như lời đáp lại tiếng tiêu của chàng trai. Cứ thế, những thanh âm của núi rừng hòa cùng lời bài hát về tình yêu của người Thu Lao một cách say đắm, mê hoặc…
Như muốn để cho chúng tôi hiểu thêm về vốn ca từ dân ca Thu Lao, nghệ nhân Vàng Sín Phìn tiếp tục ngân vang điệu nhạc để chị Lèng Thị Dương ca bài “Mẹ ru con”... Khi lời ca cùng tiếng đàn vừa dứt, nghệ nhân Phìn giải thích về ý nghĩa của bài hát mượt mà, sâu lắng này. Bài hát nói về tình cảm của người con gái đối với ơn sinh thành của mẹ. Lời bài hát nói rằng, khi mình lọt lòng, mẹ là người đầu tiên đưa bàn tay che chở cho mình, rồi ngày ngày ru mình lớn lên... cho mình có một cuộc đời tươi đẹp. Bài hát còn có ý nghĩa răn dạy người con gái Thu Lao khi trưởng thành, lớn lên theo chồng, không quên mẹ, nhưng cũng nên có hiếu với bố mẹ chồng.
Đi qua nửa cuộc đời, nghệ nhân Vàng Sín Phìn vẫn canh cánh một nỗi niềm, bởi sự đổi thay của quê hương khiến cho vốn văn hóa cổ xưa đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Ngày nay, còn ít thanh niên “mặn mà” với dân ca, nhạc cụ dân tộc... những người biết sử dụng đàn trong bản chỉ còn tính trên đầu ngón tay. Những người lớp trước luôn đau đáu, gìn giữ bản sắc của dân tộc mình cho thế hệ mai sau, vậy nên, đến giờ nghệ nhân Vàng Sín Phìn đã sưu tầm được trên 200 bài hát, câu chuyện kể của người Thu Lao.
Đưa cho tôi xem cây đàn cũ bao năm nâng niu, cất giữ, ông Phìn dõi ánh mắt xa xăm: Giờ cũng không còn ai làm đàn nữa, bởi làm đàn cầu kỳ lắm, không phải ai cũng có thể chế tác được. Đó là cây đàn gỗ truyền thống, hình tròn, có 4 dây… cùng với cây đàn tính, nhị, tiêu tạo nên bộ nhạc cụ hòa tấu của người Thu Lao để biểu diễn dân ca. Hiện tại, dù không có khoản thù lao nào, nhưng vì say mê tiếng đàn, hằng ngày, nghệ nhân Vàng Sín Phìn vẫn dành thời gian dạy thanh niên trong bản chơi nhạc cụ của dân tộc mình, hát trường ca trong đám cưới, biểu diễn dân ca trong lễ hội...
May mắn cho tôi hôm ấy, được chứng kiến trọn buổi ghi hình, ghi âm những bài dân ca, tiếng đàn của nghệ nhân dân gian Vàng Sín Phìn để làm hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận danh hiệu “Nghệ nhân dân gian ưu tú”. Không gian biểu diễn ngay tràn ruộng bậc thang vừa gặt xong, dưới chân thác nước đẹp Nàn Sán. Hòa cùng tiếng thác, tiếng chim rừng, dưới ánh nắng chiều cuối đông, “nghệ sỹ của bản” cứ say sưa trên “phím cầm”, thả những giai điệu ngân lên từ dòng nhiệt huyết, từ trái tim của người yêu quê hương, hòa vào lời hát của các chị trong đội văn nghệ của bản. Bản tình ca trong chiều đông ấy cũng là tiếng lòng của nghệ nhân, chất chứa bao suy tư, trăn trở… trong đó có khát vọng giản dị là làm sao để thế hệ mai sau gìn giữ, vun đắp cho những giai điệu này, lời ca này luôn còn mãi.
Nắng chiều nhạt dần, mặt trời khuất sau dãy núi phía xa, nhưng dưới chân dòng thác Nàn Sán, tiếng đàn của nghệ nhân Vàng Sín Phìn cứ mải miết không muốn dừng và vang lên giữa rừng chiều… Với ông Vàng Sín Phìn, được chơi đàn không chỉ là niềm vui mà còn là cuộc sống, là nhịp thở của người đam mê văn hóa dân tộc mình. Nghệ nhân cầm tinh “con rắn” luôn nghĩ rằng, đó âu cũng là cái nghiệp gắn với đời mình. Chỉ mong sao, trong những bản tình ca của người Thu Lao, có một “nốt nhạc” ngân lên, thể hiện tình cảm và niềm yêu văn hóa dân tộc của chính mình!