Và “Ả Đào: Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật” chính là kết quả từ rất nhiều năm lăn lộn cùng ca trù như vậy của nhà nghiên cứu. Sách do Omega Plus ấn hành, với 6 phần nội dung và 1 phần phụ lục gồm 14 trang ảnh tư liệu đào kép thế kỷ 20.
“Ả Đào - Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật” không chỉ ngược dòng lịch sử để xem cha ông ta đã biết cách thương mại hóa một nghệ thuật âm nhạc đỉnh cao như thế nào, mà còn cung cấp những thông tin cụ thể về hệ âm luật của nghệ thuật ca trù.
Sách gồm 7 phần nội dung:
Phần 1: Không gian văn hóa - chức năng xã hội và những hình thức biểu hiện của nghệ thuật Ả đào: Đem đến cái nhìn toàn diện hơn về thể loại nhạc hơn nghìn năm tuổi này.
Phần 2: Khổ phách - khổ đàn: Làm sáng tỏ những khuôn thước trong bài bản bấy lâu nay vẫn được xem như bí truyền của giới nghề. Mọi vấn đề đưa ra đều được minh họa bằng những ví dụ đoạn nhạc ký âm chi tiết.
Phần 3: Cung điệu nhạc Ả đào: Với phương pháp tiếp cận mới, hệ thống cung điệu nhạc Ả đào đã được định nghĩa theo cách nhìn khoa học âm nhạc. Từ đó xác định có bao nhiêu loại cung điệu trong thể loại, cấu tạo các cung điệu ứng với hệ thống bài bản Ả đào như thế nào. Đây là một trong những phát hiện mới mẻ, quan trọng của công trình.
Phần 4: Hình thức - cấu trúc bài bản: Thông qua phần này, đào kép thế hệ mới hoàn toàn có thể tiếp cận, nhận diện bài bản một cách dễ dàng và khoa học cũng như hiểu thêm về vai trò, chức năng của chúng trong nhạc Ả đào.
Phần 5: Nghệ thuật trống chầu: Căn cứ vào lời giảng của nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ, kết hợp với tài liệu dạy trống chầu ấn hành từ đầu thế kỷ 20 cùng các căn cứ trong tư liệu, đã tổng kết toàn diện và từng phần chi tiết nguyên tắc chơi trống chầu của quan viên Ả đào.
Phần 6: Nhà hát Cô đầu - Góc nhìn lịch sử văn hóa: Đưa ra một cách nhìn khác về nhà hát Cô đầu, một cách nhìn nhân văn hơn với thế hệ những nghệ sĩ Ả đào - họ đã trở thành một phần của lịch sử văn hóa dân tộc.
Phần7: Phụ lục ảnh
Ngày 1/10/2009, UNESCO đã chính thức ghi danh nghệ thuật Ca trù của Việt Nam vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Trước giờ phút đó, trong đời sống âm nhạc, hẳn ít ai biết được rằng trong kho tàng âm nhạc cổ truyền dân tộc có sự tồn tại của một loại hình nghệ thuật mang tên ca trù. Cũng không mấy ai biết rằng nó vốn có tên Ả đào, Cô đầu, Hát Ca công, Hát nhà tơ... Còn trong cung vua phủ chúa danh giá thời xưa, nó được gọi là Hát cửa quyền.
Ngược dòng lịch sử trở về nửa đầu thế kỷ 20, Ả đào là một thể loại cổ nhạc chuyên nghiệp ở tầng bậc kỹ thuật cao với hệ âm luật phức tạp nhất, bao phủ khắp các vùng từ miền bắc trở vào cho đến Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Sang đến nửa sau của thế kỷ 20, khi lịch sử sang trang, cuộc chơi nghệ thuật nghìn năm tuổi này đã chấm dứt. Khắp các vùng miền, giáo phường Ả đào giải tán, nhà hát Cô đầu chốn thị thành buộc phải đóng cửa, đào kép mai danh ẩn tích, khuất dần theo bóng xế chiều. Và, Ả đào biến mất hoàn toàn khỏi đời sống xã hội.
Nhiều năm sau, khi ca trù được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, khi nhìn lại, người ta mới nhận thấy di sản quý giá đó đã mai một không ít. Các nghệ nhân người thì lui về mai danh ẩn tích, người bỏ nghề, người đã về với ông bà, còn lại hầu hết thì đều đã tuổi già sức yếu, gần đất xa trời. Di sản ca trù cứ thế dần theo các cụ về với tiên tổ.
Trong giới những nghệ nhân cao tuổi cuối cùng của loại hình này, vẫn thấy lan truyền câu chuyện than phiền, rằng đào kép trẻ theo ca trù hiện nay phần lớn đều “đàn hát không có phách, không đúng khuôn khổ”. Thậm chí có những đào nương tên tuổi, nhưng vẫn gõ phách sai. Điều này dẫn đến một thực tế là nếu các nghệ nhân nhà nghề nói đúng thì hiện trạng của ca trù thế hệ tiếp nối quả là đáng báo động. Có nghĩa, giới trẻ kế thừa đã và đang đàn hát sai hoàn toàn so với chuẩn mực của ca trù trong cổ truyền. Vậy thế nào là chuẩn mực cổ điển của ca trù? Liệu có cách nào giải quyết vấn đề này?
Điều đó đã thôi thúc nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền tìm kiếm, sưu tầm và bỏ công viết lại, ghi lại tất cả những kiến thức về âm luật, khổ đàn, khổ phách… trong kho tàng ca trù Việt Nam cả thế kỷ qua. Trong suốt nhiều năm, anh đã đi tìm, sưu tầm, xin hoặc mượn những băng đĩa về ca trù của thế kỷ 20, từ những kiến thức phách của nghệ nhân Quách Thị Hồ, Chu Thị Năm, rồi Đào Mộng Hoàn ở Khâm Thiên từ những năm 20-30…, cho đến các nghệ nhân như các cụ Nguyễn Thị Chúc, Nguyễn Phú Đẹ… Những năm đó, anh tỉ mẩn nghe, lưu lại và số hóa từng chút một những tư liệu, băng cát xét từ những năm 1959, 1976, 1979 của gia đình cụ Đinh Khắc Ban, của nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan. Khi đó, cứ được nửa trang A4, anh lại mang tất cả những câu hỏi, thắc mắc chạy về Hải Dương gặp cụ nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ để hỏi. Cứ như thế, anh đã gom trong tay cả một kho tàng quý giá của cha ông về ca trù.
Năm 2014, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền phối hợp Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam ghi lại tất cả những gì giải mã được và chuyển sang hệ thống âm luật bài bản, có thể được coi là hệ thống “sách giáo khoa” của ca trù. Nhóm ả đào Phú Thị, với thành viên gồm các ca nương Thùy Linh, Kim Ngọc, kép đàn Đình Hoằng, trống chầu Minh Vẽ, vốn là những nhà nghiên cứu, giảng viên âm nhạc trẻ, thậm chí là dân tay ngang (họa sĩ) yêu mến bộ môn nghệ thuật truyền thống này được lựa chọn để Bùi Trọng Hiền thực hiện cách truyền dạy bài bản qua hệ thống âm luật hoàn chỉnh.
Năm 2017, lần đầu tiên nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền “trình làng” hát cửa đình, một loại hình ca trù tưởng chừng đã thất truyền, cùng với hệ thống âm luật chuẩn.
“Ả Đào: Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật” chính là kết quả của quá trình đó, với các nghiên cứu đi sâu vào các khía cạnh lịch sử, không gian văn hóa và hệ âm luật của chính loại hình nghệ thuật cổ truyền này.
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền nguyên là giảng viên dạy các môn Nhạc lý cơ bản và âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Từ năm 1996 đến nay, ông chuyển công tác về Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền là người có nhiều cống hiến cho việc phục dựng và nghiên cứu chuyên sâu âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Trong hành trình nghiên cứu và tìm tòi khám phá những ngóc ngách bí ẩn của lịch sử âm nhạc dân tộc, ông đã có những đóng góp đáng kể, đặc biệt là đối với Ả đào và Cồng chiêng Tây Nguyên - cả hai đều được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Ngoài “Ả Đào: Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật”, tác giả Bùi Trọng Hiền còn từng xuất bản cuốn sách chuyên khảo “Âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên”.