Đội trưởng Đội Hỗ trợ sơ cứu FAS Angel: Cùng cống hiến vì một xã hội tốt đẹp hơn
Năm 2016, trong một lần không may bị tai nạn giao thông và bị bỏ rơi tại hiện trường hơn 15 phút, anh Phạm Quốc Việt - Đội trưởng Đội Hỗ trợ sơ cứu FAS Angel tại Hà Nội đã quyết định học hỏi những kiến thức về sơ cứu ngoại viện và thành lập Đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel để giúp đỡ những người không may bị nạn trên đường với nguyên tắc KHÔNG BỎ RƠI bất cứ ai.
Thành lập từ năm 2019, chỉ với 5 thành viên ban đầu, Đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel do anh Phạm Quốc Việt làm "thủ lĩnh" hiện đã lên tới 150 thành viên. Hàng đêm, khi mọi người đều vội vã trở về thì anh Việt và các tình nguyện viên lại chia nhau trực tại các cung đường của thành phố Hà Nội.
Việc cứu người bị tai nạn giao thông thường bị nhiều người e ngại, né tránh bởi nỗi sợ “làm ơn mắc oán”. Anh Việt cũng đã nhiều lần vì cứu người mà gặp rắc rối, bị người nhà nạn nhân hành hung, thậm chí nghi ngờ anh lấy cắp tài sản của người bị nạn. Sau mỗi lần như thế, anh cảm thấy rất buồn và nhiều lần muốn bỏ cuộc.
Nhưng mỗi tối khi chuông điện thoại vang lên, như một phản xạ tự nhiên, câu trả lời của anh bao giờ cũng là: “Tôi sẽ đến”. Không biết bao nhiêu lần, anh đã lỡ cuộc hẹn với người yêu, với bạn bè để đi hỗ trợ sơ cấp cứu các nạn nhân gặp tai nạn trên đường.
Trong 4 năm hoạt động, Đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel đã cứu được hơn 17.000 người. Riêng Phạm Quốc Việt đã ứng cứu hơn 7.000 người. Đặc biệt anh đã hỗ trợ lực lượng chức năng cứu sống 12 người trong vụ cháy chung cư mini tại Khương Hạ và đầu năm nay, anh đã được Chủ tịch nước tặng huân chương Dũng cảm.
Trước đó, tại Lễ trao trao giải thưởng Tình nguyện quốc gia 2023, anh Phạm Quốc Việt cũng là một trong 10 cá nhân xuất sắc được vinh danh, đại diện cho những gương mặt tình nguyện, khao khát lan tỏa yêu thương và cống hiến cho sự phát triển của đất nước, cộng đồng.
Cô gái người Dao và hành trình ngược chiều với mong muốn giúp bản làng có kinh tế tốt hơn
Không chấp nhận một cuộc sống an bài, bứt phá, dám trải nghiệm và theo đuổi những đam mê cũng là lựa chọn của cô gái người Dao thế hệ 9X Chảo Thị Yến.
Năm 2004 khi học hết cấp 2 thì Yến phải nghỉ học, nguyên nhân lớn nhất là do nếp nghĩ của bản làng con gái không cần phải học nhiều, chỉ cần học xong lớp 9 là đủ, sau đó phải ở nhà làm lụng, giúp đỡ gia đình và lấy chồng.
Thế nhưng, cô bé Chảo Yến đã dám vượt qua những định kiến ấy, ngày ngày đi bộ khoảng 2km đường đất, dốc, ngày mưa thì lầy lội... để đến trường học chữ. Học hết phổ thông, lên đại học và rồi em tiếp tục trở thành cô bé người Dao đầu tiên ở xã Nậm Chạc đặt chân tới nước Đức xa xôi. Với Yến, học là để thay đổi tư duy, để làm giàu và để giúp được nhiều người hơn.
Ra đi là để trở về, sau quãng thời gian du học và làm việc cho một số tổ chức phi Chính phủ tại Hà Nội với mức lương rất cao, Chảo Thị Yến một lần nữa lại quyết định bỏ phố về núi, với ước mơ làm giàu cho bà con, quê hương mình. Hành trình ngược chiều lần này gặp vô vàn khó khăn, trắc trở và cả những thất bại.
Nhưng một lần thất bại là một lần vốn sống và kinh nghiệm của bản thân được dày thêm, để đến bây giờ, Yến bảo: không gì có thể cản nổi em tiếp tục dấn thân để hoàn thành mục tiêu “mong muốn mọi người có kinh tế tốt hơn”.
Vừa tiêu thụ nông sản cho bà con ở huyện Bát Xát, Yến vừa tranh thủ quay clip quảng bá về ẩm thực, văn hóa, phong tục tập quán… của người dân bản địa cũng như những câu chuyện truyền cảm hứng cho giới trẻ rồi chia sẻ lên mạng xã hội.
Dưới sự hướng dẫn của Chảo Yến, mới đây, lần đầu tiên, những người dân ở bản làng Chảo Thị Yến đã tự thực hiện một phiên livestream trên Tiktok để quảng bá các sản phẩm bản địa của người Dao. Đây là sự khởi đầu khả quan, đánh dấu việc bà con thích nghi và ứng dụng công nghệ hiện đại để phát triển kinh tế.
“Chỉ một lần được sống, đừng cam chịu đói nghèo, đừng đầu hàng số phận” - Chảo Thị Yến đã viết như thế trong cuốn sách “Hành trình ngược chiều từ bản Dao đến học bổng Erasmus”.
Dám đi ngược chiều, dám sống với những đam mê, cống hiến hết mình – đó là con đường mà Chảo Thị Yến và thủ lĩnh đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angle Phạm Quốc Việt đã chọn để sống… không chỉ cho riêng mình.