Theo đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, đợt nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay nước ta sẽ đón nhận trận nắng nóng mạnh xảy ra ở cả 3 miền. Nguyên nhân là do thời tiết đang chịu tác động của hiện tượng El Nino, làm cho nền nhiệt cả nước cao hơn so với trung bình nhiều năm. Thêm vào đó, giai đoạn này đang chịu tác động của vùng áp thấp nóng phía Tây nên gây ra đợt nắng nóng diện rộng trong giai đoạn nghỉ lễ.
Nhiệt độ cao có thể gây mất nước, kiệt sức, thậm chí đột quỵ do sốc nhiệt. Ngoài ra, tia cực tím (UV) quá cao trong những ngày nắng nóng có thể gây tổn thương DNA của tế bào da. Theo bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM): Chỉ số cực tím càng cao thì nguy cơ gây tổn thương cho cơ thể càng lớn. Khi tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng, da sẽ bị bỏng, khô sạm, mất đàn hồi, tạo nếp nhăn, làm nhanh lão hóa và có thể gây ung thư da. Ngoài ảnh hưởng trên da, tia cực tím còn có thể gây các vấn đề cho mắt như cườm…
Để bảo vệ bản thân trong đợt nắng nóng, WHO khuyến cáo 8 việc phải làm ngay
1. Di chuyển đến căn phòng mát nhất trong nhà, đặc biệt là vào ban đêm.
2. Nếu không thể giữ cho ngôi nhà của bạn mát mẻ, hãy dành 2-3 giờ mỗi ngày đến những nơi mát mẻ (chẳng hạn như những tòa nhà công cộng có máy lạnh).
3. Tránh ra ngoài vào thời điểm nóng nhất trong ngày. Tránh hoạt động thể chất vất vả nếu có thể.
Hãy di chuyển đến căn phòng mát nhất trong nhà.
4. Nếu bạn phải hoạt động gắng sức, hãy thực hiện ở thời điểm mát mẻ nhất trong ngày, thường là vào buổi sáng từ 4-7 giờ
5. Cố gắng ở trong bóng râm.
6. Không để trẻ em hoặc động vật trong xe đang đỗ.
7. Để giữ cơ thể mát mẻ và đủ nước, bạn có thể tắm nước mát trong đợt nắng nóng. Bạn cũng có thể sử dụng túi chườm lạnh, khăn tắm, miếng bọt biển và bồn ngâm chân để giữ mát. Mặc quần áo nhẹ, rộng rãi làm từ chất liệu tự nhiên.
Mặc quần áo nhẹ, rộng rãi làm từ chất liệu tự nhiên là cách tự làm mát cơ thể.
8. Nếu bạn đi ra ngoài trời, hãy đội mũ và đeo kính râm. Sử dụng khăn trải giường và ga trải giường mềm mại, mát mẻ, không dùng đệm để tránh tích tụ nhiệt. Uống nước thường xuyên, nhưng tránh uống rượu và quá nhiều caffeine, đường. Ăn nhiều bữa nhỏ, tránh thực phẩm có chất đạm.
Dấu hiệu cần đến cơ sở y tế ngay trong đợt nắng nóng
Theo khuyến cáo của WHO, trong ngày nắng nếu bạn cảm thấy chóng mặt, yếu ớt, hoặc khát nước dữ dội, đau đầu... tốt nhất nên di chuyển đến nơi mát mẻ càng sớm càng tốt và đo nhiệt độ cơ thể. Uống một ít nước hoặc nước ép trái cây để bù nước.
Hãy nghỉ ngơi ngay lập tức ở nơi mát mẻ nếu bạn bị đau co thắt cơ (đặc biệt là ở chân, cánh tay hoặc bụng). Đồng thời uống dung dịch bù nước có chứa chất điện giải. Cần được chăm sóc y tế nếu chuột rút do nhiệt kéo dài hơn 1 giờ. Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn cảm thấy các triệu chứng bất thường hoặc nếu các triệu chứng này vẫn tồn tại.
Nếu một trong các thành viên trong gia đình bạn hoặc những người bạn giúp đỡ có biểu hiện da khô nóng, mê sảng, co giật và/hoặc bất tỉnh, hãy gọi xe cứu thương ngay lập tức.
Trong khi chờ đợi sự giúp đỡ, hãy di chuyển người đó đến nơi mát mẻ, đặt họ ở tư thế nằm ngang, nâng cao chân và hông, cởi bỏ quần áo, sau đó bắt đầu làm mát bên ngoài, ví dụ như bằng cách đặt túi lạnh lên cổ, nách, háng, quạt liên tục hoặc phun nước lên da ở nhiệt độ 25-30 độ C. Đo nhiệt độ cơ thể. Không cho dùng axit acetylsalicylic hoặc paracetamol. Nếu nạn nhân bất tỉnh thì để họ nằm ở tư thế nghiêng.