LCĐT - Kể từ ngày khởi đầu người Hải Phòng lên Lào Cai lập nghiệp đã có 3 - 4 thế hệ người đất Cảng được sinh ra và lớn lên tại vùng biên viễn “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”. Ở vùng đất mới, đồng bào Hải Phòng can đảm, bất chấp gian nguy, mở núi, san đồi, một nắng hai sương khai tạo ruộng vườn, lập lên làng xóm, góp phần giữ vững mảnh đất nơi “phên dậu quốc gia”.
Trường Mầm non Hoa Phượng Đỏ, xã Phú Nhuận (Bảo Thắng) - công trình do Đảng bộ, nhân dân thành phố Hải Phòng trao tặng. |
Sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp và miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, Nghị quyết Trung ương V (tháng 7/1961) về phát triển nông nghiệp nhằm thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) đã chủ trương đưa đồng bào miền xuôi lên khai hoang miền núi. Cũng trong năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào miền xuôi đi xây dựng và phát triển kinh tế - văn hoá miền núi dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đây là cuộc di dân có tổ chức lớn nhất, có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng hậu phương lớn miền Bắc XHCN.
Để cuộc vận động có hiệu quả, tỉnh Lào Cai đã tổ chức các đoàn cán bộ về trao đổi công tác với các tỉnh đồng bằng như Kiến An, Hải Dương, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình và tiến hành kết nghĩa toàn diện. Từ đây, nhiều biện pháp được tiến hành đồng bộ, như đưa cán bộ cơ sở các tỉnh miền xuôi lên khảo sát thực tế, cử các đoàn cán bộ địa phương, cơ sở ở Lào Cai về xuôi tham quan học tập kinh nghiệm, thành lập các Ban liên hợp để chỉ đạo....
Ngày 28/4/1961, Tỉnh uỷ Kiến An (nay là thành phố Hải Phòng) đã ra Quyết nghị số 04 lập bộ phận “Nghiên cứu và xây dựng kế hoạch, tổ chức vận động nhân dân đi khai hoang ở tỉnh Lào Cai” gồm 4 thành viên do lãnh đạo ngành nông nghiệp làm tổ trưởng. Bộ phận này đã xúc tiến nhiều việc trong đó có việc khắc phục khó khăn về giao thông, khảo sát thực tế tại Lào Cai. Ngày 12/11/1961, hội nghị lãnh đạo Đảng bộ 2 tỉnh Kiến An (đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Huy làm Trưởng đoàn) và Lào Cai (Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBHC tỉnh Hoàng Trường Minh làm Trưởng đoàn) đã thông qua Nghị quyết về việc kết nghĩa toàn diện giữa 2 tỉnh, trong đó có việc vận động nhân dân Kiến An lên Lào Cai khai hoang nhằm “phối hợp điều hòa nhân lực và phát triển kinh tế giữa hai tỉnh” với mục tiêu 5 năm (từ 1961-1965) sẽ vận động 8 đến 9 vạn nhân dân Kiến An lên Lào Cai lập nghiệp. Nghị quyết này được báo cáo lên Trung ương Đảng.
Đặc biệt, sau khi được Trung ương Đảng nhất trí, Quốc hội khóa II, tại Kì họp thứ 5 ngày 27/10/1962 ra Nghị quyết hợp nhất hai tỉnh Hải Phòng - Kiến An lấy tên là TP.Hải Phòng. Đại hội Đảng bộ lần thứ Nhất (10/7-14/7/1963) thành phố Hải Phòng đề ra nhiều quyết sách, trong đó có việc tiếp tục đưa nhân dân lên khai hoang tại Lào Cai.
Thôn Phú Hải 2, thôn nông thôn mới (xã Phú Nhuận, huyện Bảo THắng) – nơi người Hải Phòng định cư. |
Cũng thời gian này, ngày 15/6/1963, Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh Lào Cai khóa IV họp đã rút kinh nghiệm và khẳng định: “việc tiếp nhận đồng bào miền xuôi cần khẩn trương, không kể thời vụ, tiến hành cả 4 mùa. Đảm bảo chế độ chính sách trợ cấp về lương thực, thực phẩm và vải cho đồng bào khai hoang”. Trong điều kiện đó, ngày 5/9/1963, Phó Chủ tịch UBHC tỉnh Lào Cai dẫn đầu đoàn đại biểu tỉnh Lào Cai gồm 17 người về thăm Hải Phòng để bàn giải pháp thực hiện kế hoạch.
Đây là cuộc vận động lớn, công tác chính trị tư tưởng được coi trọng và làm tốt công tác tuyên truyền, nhằm tạo sự hiểu biết, tin tưởng vào chủ trương cuộc vận động, phá bỏ nhiều mặc cảm về miền núi, dân tộc. Vì vậy, tại Hải Phòng, các thôn, xã miền xuôi tổ chức các cuộc vận động, động viên nhân dân lên Lào Cai lập nghiệp. Trong khi đó ở Lào Cai, chính quyền các cấp đã làm tốt công tác tuyên truyền đón đồng bào miền xuôi lên, nhường đất canh tác, giúp các hộ mới lên làm nhà, nhanh chóng ổn định đời sống. Bên cạnh đó, thành phố Hải Phòng đã phối hợp chặt chẽ với tỉnh Lào Cai đề ra nhiều chính sách mới nhằm hỗ trợ đồng bào miền xuôi lên sớm định cư, ổn định đời sống, như cung cấp lương thực theo khẩu 6 tháng đầu mới lên, chính sách hỗ trợ khai hoang phục hoá, chính sách về khám chữa bệnh…
Tháng 3/1961, hơn 500 cán bộ, đảng viên, lao động trẻ khoẻ là những người con ưu tú của các làng, xã ở các huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Kiến Thuỵ, An Lão, An Dương, Đồ Sơn có mặt trong đoàn khai hoang lên xây dựng Hợp tác xã Sơn Hải thuộc xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.
Cũng trong năm đó, tỉnh Lào Cai tiếp nhận thêm trên 600 người dân, cán bộ, đảng viên của Hải Phòng lên xây dựng 2 hợp tác xã tập trung là An Trà (xã Sơn Hà), Tân Thành (xã Phố Lu) tại huyện Bảo Thắng. Tiếp theo đồng bào từ Hải Phòng lên được tỉnh Lào Cai sắp xếp ở các huyện Mường Khương, Bát Xát…
Chỉ sau hơn 2 năm, đến 1963, nhân dân Hải Phòng lên Lào Cai đã thành lập 25 hợp tác xã độc lập và 22 hợp tác xã xen kẽ với nhân dân các dân tộc sở tại. Trong số các hợp tác xã (HTX) của nhân dân Hải Phòng có nhiều HTX điển hình trong sản xuất xây dựng nông thôn mới, như An Trà, Giao Bình, Hoà Lạc, An Lạc (Bảo Thắng), An San, Quang Kim, Đông Thái (Bát Xát) Bản Xen (Mường Khương), Bản Mẹt, Bảo Tân (Bắc Hà), Đông Du, Đông Xá, Tân Khai (Sa Pa) được coi là hình mẫu để các địa phương học tập rút kinh nghiệm.
Liên tục những năm sau đó, nhiều đoàn lao động ưu tú, trẻ khỏe của Hải Phòng tiếp tục được gửi đến Lào Cai mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự. Ngoài ra, Hải Phòng còn cử hàng trăm cán bộ khoa học kỹ thuật, bác sĩ, kỹ sư, giáo viên lên Lào Cai công tác.
Được biết, trong những năm 1960 đến 1974, người Hải Phòng lên Lào Cai tập trung chủ yếu ở Tằng Loỏng, Phú Nhuận, Phố Lu, Sơn Hà, Phong Niên, Xuân Quang, Trì Quang thuộc huyện Bảo Thắng; Cốc San, Quang Kim thuộc huyện Bát Xát và Bảo Nhai của Bắc Hà. Nhiều địa danh mới với tên ghép ấm tình đoàn kết như An Trà (Kiến An - Bản Trà), An Phong (An Lão - Phong Niên), Vĩnh Phong (Vĩnh Bảo-Phong Niên), Tân Phong (Tân Liên - Phong Niên).... ở Bảo Thắng và An Quang (Kiến An - Quang Kim) ở Bát Xát.
Không chỉ lên xây dựng vùng kinh tế mới, đồng bào Hải Phòng còn sát cánh cùng cấp ủy đảng, chính quyền các cấp của Lào Cai củng cố chính quyền cơ sở và xây dựng cơ sở đảng. Trong quá trình ấy, nhiều cán bộ, đảng viên của Hải Phòng được bổ sung vào đội ngũ cán bộ cơ sở của Lào Cai, vì thế nhiều chi bộ đảng của Lào Cai có cả đảng viên của Hải Phòng và đảng viên là người dân tộc sinh hoạt ghép, sự “hợp nguồn” ấy giúp cán bộ địa phương và cán bộ miền xuôi lên hỗ trợ nhau về kinh nghiệm chỉ đạo, lãnh đạo nhân dân phát triển sản xuất. Vì vậy, từ 1961 đến năm 1963, nhân dân Hải Phòng đã khai hoang 1.000 ha ruộng nước, 300 ha ruộng bậc thang; đồng thời đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất lúa nước vùng châu thổ vào sản xuất ở Lào Cai. Đặc biệt, những người dân khai hoang Hải Phòng đã dấy lên phong trào hợp tác hoá đi liền với thủy lợi hoá, hàng trăm km mương phai, hồ chứa nước lớn và công trình thuỷ lợi ở các huyện Bảo Thắng, Bắc Hà, Bát Xát, Mường Khương… đã được xây dựng.
Mô hình sản xuất chè hàng hóa ở xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng của người dân khai hoang từ Hải Phòng lên. |
Ông Lương Xuân Mầu, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai, một người con đất cảng Hải Phòng, chia sẻ: “Đồng bào Hải Phòng lên khai hoang trên quê mới ở miền núi đã mang theo tinh thần cách mạng xã hội chủ nghĩa lên triển khai, làm thay đổi dần cách nghĩ, cách làm trong phát triển sản xuất, xây dựng chính quyền và tổ chức cơ sở đảng trên quê hương mới Lào Cai. Họ nhanh chóng vượt qua những bỡ ngỡ về phong tục, tập quán, về ngôn ngữ; những khó khăn về đời sống, giao thông đi lại khó khăn, đoàn kết cùng nhân dân các dân tộc Lào Cai xây dựng vùng biên cương Tổ quốc hòa bình, hữu nghị và giàu đẹp”.
Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Lào Cai Giàng Seo Phử khẳng định: “Đồng bào Hải Phòng nay là cư dân chính thức của Lào Cai, họ đang mang hết trí tuệ, chất xám, sức lực của mình cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng, cùng sát cánh với nhân dân các dân tộc Lào Cai xây dựng một Lào Cai ngày càng giàu đẹp.
Thời bình lo mở mang, khai khẩn đất hoang, thời chiến bà con Hải Phòng ở Lào Cai lại động viên con em lên đường nhập ngũ, chiến đấu. Trong đội hình các Tiểu đoàn Hoàng Liên Sơn I, II của Lào Cai hành quân vào chiến đấu tại chiến trường B những năm 1968 - 1969; trong biên chế bộ đội địa phương, dân quân tự vệ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, xây dựng hậu phương lớn miền Bắc và trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới tháng 2/1979 có rất nhiều con em người Hải Phòng tại Lào Cai.
55 năm (1961 - 2016) kể từ khi đoàn cán bộ và những cư dân Hải Phòng đầu tiên lên Lào Cai lập nghiệp, các thế hệ người Hải Phòng đã góp phần làm chuyển biến căn bản mọi mặt của Lào Cai. Ngày nay, trong dư địa chí Lào Cai, ngoài những tên làng, tên bản, tên xã theo tiếng dân tộc địa phương, còn có những địa danh mới gắn kết quê cũ và quê mới của đồng bào khai hoang Hải Phòng, có ý nghĩa giáo dục truyền thống. Trải qua những bước thăng trầm lịch sử, nhiều gia đình gốc Hải Phòng đã có 2 – 3 đời sinh cơ lập nghiệp tại Lào Cai; nhiều người hay con em của họ trưởng thành được giao trọng trách trong các cấp chính quyền, trong các cơ quan, đơn vị, trong LLVT; nhiều doanh nhân, văn nghệ sĩ người Hải Phòng đã có đóng góp lớn cho sự phát triển của Lào Cai, góp phần tô thắm thêm tình đoàn kết giữa người dân Hải Phòng và Lào Cai. Hôm nay tuyến hành lang kinh tế Hải Phòng – Hà Nội –Lào Cai đã rộng mở, đường cao tốc Hải Phòng – Hà Nội, Nội Bài – Lào Cai đang rút ngắn khoảng cách giữa Hải Phòng và vùng kinh tế trọng điểm, vùng duyên hải Bắc Bộ với Lào Cai – cửa khẩu quốc tế trọng điểm vùng Tây Bắc. Cơ hội hợp tác phát triển giữa hai vùng có truyền thống gắn bó suốt 55 năm qua thêm cơ hội phát triển mới. Người Hải Phòng tại Lào Cai sẽ phát huy tinh thần cần cù, sáng tạo làm rạng ngời truyền thống quê hương đất Cảng và góp phần trong xây dựng quê hương Lào Cai ngày thêm tươi đep.