Vai trò "một cửa số" của Cổng Dịch vụ công quốc gia
Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG) được xây dựng và đưa vào vận hành từ tháng 12 năm 2019. Sau 4 năm đưa vào vận hành, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn: Vai trò "một cửa số" của Cổng Dịch vụ công Quốc gia đang dần được khẳng định.
Đó là, trở thành điểm "một cửa số" của quốc gia phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử, Cổng DVCQG đã tích hợp, cung cấp trên 4.590 dịch vụ công trực tuyến trong tổng số trên 6.300 TTHC (chiếm trên 72%).
Đã có hơn 3,2 tỷ lượt truy cập tìm hiểu thông tin và thực hiện dịch vụ; hơn 273 triệu hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) đồng bộ, công khai quá trình giải quyết (năm 2023 tăng hơn 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2022); 36,8 triệu hồ sơ TTHC trực tuyến và 21,2 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến từ Cổng DVCQG (năm 2023 tăng hơn 2,58 lần so với cùng kỳ năm 2022).
Trung bình mỗi ngày, Cổng DVCQG tiếp nhận hơn 106 nghìn hồ sơ trực tuyến, 50 nghìn giao dịch thanh toán trực tuyến.
Việc tích hợp, cung cấp dịch vụ công trên Cổng DVCQG yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử trên cơ sở khai thác, tái sử dụng dữ liệu để cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, giúp việc thực hiện TTHC của người dân, doanh nghiệp được thuận lợi, đơn giản, giảm chi phí, thời gian. Vì vậy, nhiều dịch vụ công trên Cổng phát sinh hồ sơ lớn như Thông báo khuyến mại (98%), Thông báo lưu trú (97%), Cấp điện mới từ lưới điện hạ áp (73%)…
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng cho biết, các nền tảng, phần mềm dùng chung của Cổng DVCQG được phát triển để các bộ, ngành, địa phương áp dụng thực hiện trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, giúp tiết kiệm, tránh lãng phí trong đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng.
Cổng DVCQG cũng là điểm điều phối, kết nối, chia sẻ, tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, đến nay, đã kết nối, tích hợp với 150 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ quan, đơn vị.
Vai trò "một cửa số" của Cổng DVCQG còn ở việc góp phần công khai, minh bạch các thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính trên cả nước; tạo thuận lợi cho người dân thực hiện theo dõi, giám sát, đánh giá chất lượng, trong đó Hệ thống đánh giá Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp giúp kiểm soát quá trình giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công bằng dữ liệu theo thời gian thực ("điểm nghẽn" lớn nhất hiện nay), tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, trách nhiệm giải trình, cá thể hóa trách nhiệm đến từng cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Thủ tướng nêu rõ chủ đề chuyển đổi số năm 2024 là “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững”
Đà Nẵng đưa vào nền tảng công dân số
Một trong những địa phương được Bộ TT&TT đánh giá cao khi triển khai "Năm Dữ liệu số quốc gia" là Đà Nẵng.
Đà Nẵng đã triển khai Cổng dịch vụ dữ liệu với hơn 1.000 tập dữ liệu mở và Kho dữ liệu điện tử. Kho dữ liệu điện tử phục vụ công dân cho phép lưu trữ các giấy tờ điện tử của công dân là kết quả của TTHC và sử dụng chính thức trong những lần thực hiện dịch vụ công trực tuyến tiếp theo mà không cần phải sao, chụp và tải lên hệ thống. Đặc biệt, người dân có thể chia sẻ giấy tờ từ kho dữ liệu cho các bên mà vẫn được chấp nhận khi nộp hồ sơ xử lý các thủ tục. Để triển khai hiệu quả 12.000 thành viên của 2.400 tổ công nghệ số cộng đồng đã "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để hỗ trợ người dân đăng ký, sử dụng. Hiện 240.000 người dân Đà Nẵng đã đăng ký và được hưởng lợi ích này.
Chia sẻ về điều này, theo Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh, giữa năm 2023, Đà Nẵng đưa vào Nền tảng công dân số; qua đó mỗi người dân có 01 tài khoản số và 01 kho dữ liệu trên Hệ thống của chính quyền để thuận lợi cho người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ tiện ích số khác.
Tính đến tháng 12/2023, Thành phố Đà Nẵng có gần 50% người dân trưởng thành có tài khoản công dân số (gắn với 1 kho dữ liệu trên Hệ thống); đã tích hợp được 1.569 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia, chiếm tỉ lệ 82%; tỉ lệ hồ sơ trực tuyến đạt tỉ lệ 94% (vượt chỉ tiêu toàn quốc là 60%).
Cổng Dịch vụ công Đà Nẵng được Bộ TT&TT đánh giá, xếp loại A (cao nhất) vào tháng 6/2023; Thành phố Đà Nẵng được trao giải xuất sắc tại hạng mục Cung cấp DVC thông minh tại Hội nghị thượng đỉnh thành phố thông minh châu Á (tháng 12/2023); đặc biệt là đạt Giải thưởng Thành phố thông minh Seoul (Seoul Smart City Prize) năm 2023 cho hạng mục lấy người dân làm trung tâm (HumanCentricity) tại Hội nghị thị trưởng các thành phố thông minh Thế giới (tổ chức tại Hàn Quốc).
Để đạt kết quả như trên, Chủ tịch Đà Nẵng cho biết Thành phố đã triển khai một số giải pháp đảm bảo "khai báo tài khoản đơn giản; có chứa đầy đủ thông tin, dữ liệu; sử dụng thuận tiện và có kết quả thiết thực" nhất cho người dân.
Đó là, cung cấp tài khoản số cho người dân gắn với 1 kho thông tin, dữ liệu trên Hệ thống của chính quyền; đồng thời phải kết hợp mới mỗi người dân 1 tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt, 1 chữ ký số, 1 điện thoại thông minh và đặc biệt là có xác thực thông tin với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.
Đặc biệt là thông tin, dữ liệu người dân được gói, gắn với mã QR duy nhất theo quy chuẩn quốc gia để thuận lợi hơn trong sử dụng dịch vụ, giao dịch. Tài khoản công dân số còn được tiếp cận, sử dụng nhiều dịch vụ, tiện ích số trên phục vụ cuộc sống hàng ngày của người dân trên app Danang Smart City.
Đà Nẵng cũng khuyến khích người dân sử dụng tài khoản công dân số, nộp hồ sơ trực tuyến như: Giảm thời gian xử lý hồ sơ trực tuyến; hỗ trợ chi phí trả kết quả qua bưu điện; giảm phí, lệ phí một số dịch vụ người dân sử dụng nhiều.
Sử dụng Zalo như một kênh số mới để tiếp cận người dân
Đánh giá của Bộ TT&TT cho thấy, năm 2023, một số địa phương sáng tạo đưa các dịch vụ số của chính quyền tới gần người dân thông qua các nền tảng số phổ biến sẵn có. Năm 2023, đã có 10 địa phương (Tây Ninh, Hà Nội, Long An, Đồng Nai, Kiên Giang, Bắc Kạn, Đắk Lắk, Lào Cai, Bình Định, Quảng Nam) sử dụng Zalo như một kênh số mới để tiếp cận người dân. Người dân có thể truy cập các dịch vụ của chính quyền bằng Zalo trên điện thoại di động. Cách tiếp cận này đang phát huy hiệu quả trong phổ cập dịch vụ số.
Chia sẻ về sử dụng Zalo như một kênh số mới để tiếp cận người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, tỉnh nhận thấy được tiềm năng phát triển app trên nền tảng Zalo có thể giải quyết hạn chế trên ứng dụng Tây Ninh Smart triển khai trước đó. Đội ngũ phát triển phần mềm của tỉnh đã nghiên cứu phát triển phiên bản ứng dụng Tây Ninh Smart chạy trực tiếp trên nền tảng mini app của Zalo (gọi tắt là mini app Tây Ninh Smart).
Để bắt đầu sử dụng mini app, người dân, doanh nghiệp không cần phải tải về cài đặt, đăng ký tài khoản ứng dụng như thông thường. Thay vào đó, người dùng chỉ cần quét mã QR hoặc tìm kiếm tên ứng dụng trên Zalo là có thể bắt đầu sử dụng các tiện ích được cung cấp. Ngoài ra, dung lượng lưu trữ của mini app nhỏ hơn khoảng 10 lần so với ứng dụng thông thường.
Với việc triển khai mini app, tỉnh Tây Ninh đã đưa tiện ích công nghệ số đến gần hơn với người dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng thời giúp đơn giản hoá các bước tiếp cận và sử dụng ứng dụng cho người dân, đảm bảo người dân ở mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề đều có thể sử dụng được dễ dàng.
Từ ngày bắt đầu triển khai thí điểm 01/03/2023 đến tháng 12/2023, số lượng người sử dụng mini app đạt trên 216.700 người trong đó số lượng người sử dụng trên 45 tuổi là trên 51.600 người chiếm tỉ lệ 23.82%. Số lượt truy cập sử dụng trung bình hàng tháng đạt hơn 30.000 lượt. Đặc biệt số lượng hồ sơ nộp trực tuyến qua ứng dụng di động có mức tăng trưởng ấn tượng, trong năm 2022 tổng số hồ sơ nộp trực tuyến qua ứng dụng di động là trên 16.900 hồ sơ. Sau 9 tháng triển khai mini app số lượng hồ sơ nộp trực tuyến qua ứng dụng đã đạt trên 36.500 hồ sơ, tăng hơn 2 lần so với năm 2022.
Bài học kinh nghiệm của tỉnh Tây Ninh là tập trung vào nhu cầu của người dùng. Việc thành công của một ứng dụng phụ thuộc rất nhiều vào việc có thể đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Tỉnh Tây Ninh đã tập trung vào các nhu cầu thực tế của người dân để xây dựng các ứng dụng, tiện ích số cho người dân.
Quảng Ninh: Điển hình về phát triển hạ tầng số
Theo đánh giá của Bộ TT&TT, Quảng Ninh là một trong các địa phương điển hình về phát triển hạ tầng số. Toàn tỉnh đã không còn vùng lõm sóng di động. Hạ tầng Internet băng rộng đã được triển khai tại 100% xã, phường, thị trấn. Tỉ lệ thuê bao di động/người dân đạt 1,3, so với cả nước là 1,23 thuê bao/người dân. Số hộ gia đình có băng rộng cố định đạt tỉ lệ 93%, so với cả nước là 79%. Quảng Ninh đã có Trung tâm tích hợp dữ liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng công nghệ điện toán đám mây.
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, để xây dựng hạ tầng số thì phải có các nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể từng năm, từng giai đoạn của phát triển hạ tầng viễn thông phải được đưa vào Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh để có sự quyết tâm, chỉ đạo xuyên suốt từ cấp tỉnh đến cấp xã.
Quảng Ninh luôn theo dõi, cập nhật việc phát triển công nghệ cũng như các chính sách, quy định mới của ngành để chủ động tham mưu cho tỉnh trong việc phát triển các nội dung thông tin truyền thông liên quan. Các vướng mắc khi triển khai cần nhanh chóng gửi các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT để được hướng dẫn kịp thời làm cơ sở để tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện theo hướng dẫn
Việc phát triển hạ tầng viễn thông tại tỉnh nguồn vốn gần như 100% của doanh nghiệp viễn thông, vì thế Quảng Ninh luôn đồng hành, tạo các điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp viễn thông đầu tư, xây dựng hạ tầng tại địa phương, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của tỉnh.
Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 có 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; 100% tổ chức, cá nhân có kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử. Phấn đấu toàn tỉnh quy tụ được 50 doanh nghiệp số, trong đó có ít nhất 3 doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phát triển các sản phẩm, dịch vụ số.
Năm 2022 - 2023, theo Báo cáo thường niên kinh tế số e-Connomy SEA do Google, Temasek, Bain & Company công bố Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á và được dự báo sẽ tiếp tục giữ vị trí này đến năm 2025. Tốc độ tăng trưởng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực của Việt Nam so với năm 2022 đạt được kết quả ấn tượng: du lịch trực tuyến tăng 82%, thanh toán số tăng 19% đưa Việt Nam trở thành quốc gia tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán số tại khu vực Đông Nam Á, thương mại điện tử tăng 11%.