Tròn nửa thế kỷ trôi qua nhưng chuyến thăm lịch sử của Chủ tịch Cu ba Fidel Castro đến vùng giải phóng miền Nam Việt Nam tại Quảng Trị vẫn in sâu trong ký ức của nhiều người dân đất lửa. Hình ảnh vị lãnh tụ Cuba phất cao lá cờ và nói “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình” khẳng định tình hữu nghị của hai quốc gia.
Câu chuyện về cô gái Quảng Trị bị trúng bom được Chủ tịch Fidel Castro cứu sống trở thành hình ảnh lịch sử trong chuyến thăm Quảng Trị vào tháng 9/1973. Đó là bà Nguyễn Thị Hương, ở thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.
Bà Hương nhớ lại, khoảng 14 giờ ngày 16/9/1973, lúc ấy bà 17 tuổi cùng nhiều thanh niên khác ở xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh đang san lấp hố bom bên bờ sông Bến Hải. Trong lúc làm việc, bom nổ làm bà Hương cùng 5 người khác bị thương nặng. Bà Hương bị đứt ruột, thủng động mạch chủ và nhiều vết thương phần mềm khác. Đúng lúc đó, Chủ tịch Fidel Castro cùng đoàn các nhà lãnh đạo và cán bộ Cuba trong chuyến thăm tỉnh Quảng Trị vừa đến đây. Chủ tịch Fidel đã sử dụng ô tô trong đoàn xe của mình chở bà Hương và các nạn nhân đến Bệnh viện Vĩnh Linh. Riêng bà Hương mất máu rất nhiều, Chủ tịch Fidel Castro cho xe ra Quảng Bình lấy máu vào để kịp truyền cho bà Hương. Bà Hương cho biết, sau khi nhập viện được khoảng một tuần, đoàn của Chủ tịch Fidel Castro có gửi quà cho người bị thương. Riêng bà được gửi thêm thuốc chữa bệnh, thuốc bổ kèm theo một card visit có tên, số điện thoại của Chủ tịch Fidel Castro.
“Nhớ lại ngày mình bị thương đến ngày hôm nay mình còn tồn tại và cuộc sống hôm nay có sức khỏe, có chồng có con. Mình coi ông như là người cha của mình đã sinh mình ra lần thứ hai”- bà Nguyễn Thị Hương bồi hồi nhớ lại.
Ông Dương Tú Anh, Nguyên Bí thư Huyện ủy Cam Lộ.
Đến bây giờ, ông Dương Tú Anh, nguyên Bí thư Huyện ủy Cam Lộ ngày ấy vẫn nhớ như in chuyến thăm của Chủ tịch Cuba Fidel Castro. Hình ảnh người lãnh tụ của đất nước Cuba xa xôi xuất hiện tại nơi diễn ra những trận chiến ác liệt nhất vẫn còn vương mùi thuốc súng đã in sâu trong lòng những người dân Cam Lộ. Ông Dương Tú Anh cho biết, vào khoảng 6 giờ chiều ngày 14/9/1973, lãnh đạo cốt cán các huyện trong tỉnh Quảng Trị nhận được thông báo mật, sẽ tổ chức mit tinh tại Cam Lộ vào ngày 15/9. Hôm sau, mọi người mới được thông báo mit tinh tại Cứ điểm 241 và có sự tham gia của một “vị khách đặc biệt”. Anh em của các lực lượng, đại diện các huyện trong tỉnh Quảng Trị đã đến Cứ điểm 241 và bất ngờ khi được chào đón lãnh tụ Fidel Castro tại đây. Cứ điểm 241 từng là căn cứ pháo của địch còn ngổn ngang xác xe tăng, đạn pháo. Chủ tịch Fidel Castro đã dõng dạc tuyên bố: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Câu nói ấy đã đi vào lịch sử, tiếp tục bồi đắp tình hữu nghị, anh em giữa hai đất nước Việt Nam và Cuba.
“Cuộc mit tinh phải nói trong một hoàn cảnh đặc biệt khi cách đó 12 cây số quân địch còn, ta tổ chức ở đây. Fidel Castro cầm cờ giải phóng miền Nam lên, nhân dân, anh em du kích, cán bộ xã, huyện, tỉnh vỗ tay rầm trời”- nguyên Bí thư Huyện ủy Cam Lộ cho biết.
Sau buổi mitting ở Cứ điểm 241, khoảng 10 giờ trưa ngày 15/9, Chủ tịch Fidel Castro đã đến thăm Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đóng tại thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ. Ông trò chuyện, thăm hỏi và cùng ăn trưa với cán bộ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Cứ điểm 241 thôn Tân Phú, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ.
Ông Nguyễn Minh Kỳ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, người vinh dự đón Chủ tịch Cuba Fidel Castro thăm và làm việc tại trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cho rằng: Chuyện Fidel từ hòn đảo tự do thuộc khu vực châu Mỹ Latinh tới Việt Nam năm 1973 sau khi Hiệp định Paris được ký kết và đã bất chấp chiến tranh bom đạn vào thăm đất lửa Quảng Trị thực sự là một sự kiện đáng ghi nhớ.
Ông Nguyễn Minh Kỳ cho biết: “Một vị lãnh tụ đất nước Mỹ La tinh đến Việt Nam, đến Quảng Trị, đó là một tình cảm, sức mạnh rất là lớn đối với nhân dân Quảng Trị, bởi vị lãnh tụ một đất nước đến Quảng Trị trong mưa bom đạn là ông không nghĩ về nguy hiểm. Đồng chí Fidel phải nói là một thần tượng đối với nhân dân miền Nam”.
Chủ tịch Cuba Fidel Castro bắt tay chúc mừng nữ du kích tiêu biểu Hoàng Thị Chẫm ở căn cứ Dốc Miếu, huyện Gio Linh - Ảnh Tư liệu
Di tích quốc gia Cứ điểm 241 ngày ấy nay là thôn Tân Phú, xã Cam Thành, những khu đồi đã được phủ xanh rừng trồng cao su, tràm, hồ tiêu. Con đường từ Đường 9 dẫn đến Cứ điểm 241 cũng đã mở rộng; hai bên đường nhà dân san sát, xây dựng khang trang. Một vùng đất từng bị hoang tàn bởi chiến tranh nhưng với nỗ lực của chính quyền và tính chịu thương chịu khó của người dân nơi đây nay đã có nhiều đổi thay tươi đẹp.
Ông Nguyễn Thanh Bắc, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cho biết: “Ngay sau giải phóng, đặc biệt nhất là vùng Cam Lộ vừa giải phóng hết sức nguy hiểm, nhưng Chủ tịch Fidel Castro đã đến căn cứ 241 có ý nghĩa truyền thêm động lực, truyền thêm ý chí cho cán bộ, chiến sĩ, bà con nhân dân Cam Lộ của tỉnh Quảng Trị cũng như cả nước tiếp tục chiến đấu, giành chiến thắng, thống nhất đất nước vào mùa xuân 1975.”
Chủ tịch Fidel Castro tại buổi mitting ở Cứ điểm 241 Tân Lâm, nay là thôn Tân Phú, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị - Ảnh tư liệu.
Đã nửa thế kỷ trôi qua, trong trái tim của người dân Việt Nam, Fidel Castro đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần quật khởi và khát vọng vươn tới tự do, hạnh phúc.