Từ năm 2022, Phòng Tư pháp huyện Bảo Yên tham mưu và được Thường trực UBND huyện, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật huyện nhất trí triển khai thực hiện các hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Bảo Yên trở thành địa phương đầu tiên của tỉnh thực hiện kết hợp 2 hình thức này, trong đó điểm cầu trung tâm huyện là trực tiếp và trực tuyến đến điểm cầu tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Điều đó tận dụng được cơ sở vật chất, trang - thiết bị, hạ tầng cơ sở của các xã, thị trấn, đồng thời tiết kiệm được nhiều chi phí so với việc tổ chức hội nghị theo hình thức tập trung.
Theo ông Đoàn Thế Xương, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Bảo Yên, việc tổ chức hội nghị kết hợp trực tiếp và trực tuyến còn có thể mở rộng thành phần tham gia. Cụ thể, nếu tổ chức hội nghị trực tiếp chỉ có đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên trên địa bàn huyện và cán bộ, công chức cấp xã trực tiếp phụ trách lĩnh vực này tham gia, sau đó đội ngũ này về truyền đạt lại tại đơn vị, địa phương. Còn tổ chức hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến, ngoài thành phần như trên, tại các xã, thị trấn có thể mở rộng thành phần đến bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng các đoàn thể ở thôn, tổ dân phố, thậm chí có thể mời cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, người có uy tín ở địa phương… tùy nội dung, chuyên đề hội nghị. Nhờ vậy, nội dung được truyền đạt trực tiếp đến đối tượng.
Tuy nhiên, hạn chế của phương pháp này là có thể dẫn đến tình trạng truyền đạt 1 chiều, không kiểm soát được việc tiếp thu tại các điểm cầu. Phòng Tư pháp huyện đã tham mưu, đề xuất triển khai biện pháp khắc phục hạn chế đó bằng việc Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật huyện cử thành viên tham dự tại các điểm cầu. “Phòng Tư pháp huyện cũng lựa chọn và cử cán bộ đến giám sát tại một số điểm cầu. Trong khi truyền đạt, báo cáo viên chọn thời điểm phù hợp để đặt câu hỏi với người tham gia hội nghị tại tất cả các điểm cầu…” - ông Đoàn Thế Xương cho biết.
Với địa bàn rộng, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả, nội dung tuyên truyền được chắt lọc, biên tập kỹ. Một trong những tài liệu mà Phòng Tư pháp huyện Bảo Yên thực hiện là “Tài liệu hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024”. Tài liệu này gồm 9 nội dung về một số luật, nghị định, chính sách có liên quan nhiều và trực tiếp đến địa phương, trong đó có Luật Hôn nhân và Gia đình; nghị định về công tác dân tộc; chính sách hỗ trợ khám - chữa bệnh cho người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số vùng khó khăn, phụ nữ thuộc hộ nghèo sinh con tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh Lào Cai… Tài liệu được biên tập thành các chuyên đề, nội dung cô đọng, súc tích, đi thẳng vào trọng tâm.
Việc tuyên truyền tài liệu nói trên được triển khai tại những địa bàn cụ thể theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 1719). Riêng tại xã Phúc Khánh, Phòng Tư pháp huyện Bảo Yên đã tổ chức 6 hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật theo chương trình này thuộc kế hoạch năm 2024 tại 6 thôn: Đầm Rụng, Trõ, Tổng Vương, Nà Khem, Làng Đẩu, Trĩ Ngoài.
“Sau khi tuyên truyền, phổ biến nội dung, chúng tôi đặt câu hỏi tình huống và gợi mở để bà con trả lời, có những phần quà nhỏ động viên người trả lời đúng. Lúc đầu bà con rụt rè nhưng sau khi có người thứ nhất, người thứ hai trả lời câu hỏi, rất nhiều người khác giơ tay xung phong. Có những buổi tuyên truyền vỡ quỹ thời gian do có nhiều người yêu cầu được trả lời câu hỏi” - ông Xương cho biết thêm.
Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật huyện Bảo Yên hiện có 30 thành viên là lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể; có 476 người là báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, trong đó có 63 báo cáo viên pháp luật cấp huyện và 413 tuyên truyền viên cấp xã. Những năm qua, UBND huyện Bảo Yên luôn bám sát kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của UBND tỉnh, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, xây dựng kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật; tăng cường đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với đối tượng và tình hình thực tế của địa phương. Phát huy vai trò trách nhiệm của thành viên hội đồng trong triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với triển khai thực hiện các chương trình, đề án về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; chỉ đạo tổ chức các hội nghị hoặc tổ chức lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật vào các buổi họp cơ quan, giao ban, sinh hoạt chi bộ, đoàn thể; tăng cường triển khai thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến các thôn, bản, tổ dân phố…
Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp trên địa bàn huyện Bảo Yên, có nhiều đổi mới, qua đó nâng cao ý thức tìm hiểu pháp luật, ý thức tự giác chấp hành pháp luật trong Nhân dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.