Festival có sự tham gia của trên 30 doanh nghiệp lớn đến từ Philippines, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực Trung Đông cùng với các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP, đặc trưng của các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Quy mô của festival bao gồm trên 200 gian hàng, khu triển lãm chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo trưng bày giới thiệu sản phẩm lúa gạo, lúa nếp, giống lúa chất lượng cao của công ty, doanh nghiệp sản xuất, chế biến lương thực thực phẩm. Trong đó, có 60 gian hàng của 30 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tỉnh Lào Cai với 5 doanh nghiệp, hợp tác xã đã mang đến loại gạo Séng Cù nức tiếng của Tây Bắc để tham gia trưng bày, quảng bá tại Festival. Bên cạnh đó còn có 20 mặt hàng là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh trở lên như: rượu mận, rượu mơ Viet Mountains; trâu sấy A Sử; lạp sưởng Dung Sử; ruốc lợn bản, thịt lợn sấy vị bò khô Sơn Hòa; các sản phẩm từ cá hồi Sa Pa; miến đao sâm; nấm hương khô hữu cơ Sa Pa; măng nứa Việt Tiến; thuốc tắm, nước ngâm chân người Dao đỏ…
Tham gia Festival lúa gạo Việt Nam 2023 sẽ tạo cơ hội cho Lào Cai tăng cường kết nối giao thương, quảng bá sản OCOP, sản phẩm đặc trưng vùng miền đến người tiêu dùng tỉnh Hậu Giang và các tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm quảng bá hình ảnh đất và người Lào Cai.
Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 diễn ra từ ngày 11 đến ngày 14-12 với chuỗi các hoạt động triển lãm, hội nghị, hội thảo, gồm: triển lãm Con đường lúa gạo Việt Nam, triển lãm sản phẩm OCOP các tỉnh, thành phố cả nước, triển lãm chuỗi ngành hàng lúa gạo… Trình diễn máy móc, thiết bị canh tác lúa gạo, trình diễn công nghệ cơ giới hóa gieo sạ và mô hình nông nghiệp tuần hoàn từ rơm và các hội thảo liên quan đến ngành hàng lúa gạo.