Cách đây 6 thập niên, khoảng 30 gia đình đã tình nguyện rời xa cuộc sống tại trung tâm phố cổ thuộc quận Ba Đình, thành phố Hà Nội để đi xây dựng vùng kinh tế mới ở thị xã Lào Cai. Sau này họ chuyển về thị trấn Phố Lu sinh sống, lập nên xóm mới có tên Ba Đình, như một nét chấm phá đặc thù cho miền quê Lào Cai.
Sinh năm 1936, ở tuổi 87 nhưng cụ Trần Văn Bình, trú tại tổ dân phố Phú Thành I, thị trấn Phố Lu (huyện Bảo Thắng) trôngvẫn mạnh khỏe, quắc thước lắm. Chòm râu dài trắng sáng như cước, đôi mắt tinh anh, sáng long lanh, khi cụ Bình bắt tay làm đồ thủ công mỹ nghệ với những chi tiết rất cầu kỳ, tinh xảo cũng không cần sự hỗ trợ của cặp kính. Hằng ngày, nghệ nhân ở tuổi xấp xỉ “cửu thập” như cụ Bình vẫn nhận những đơn hàng tiền triệu cho mỗi sản phẩm.
Cụ Bình nhận làm những sản phẩm bằng gỗ từ cách đây 60 năm khi còn ở Hà Nội, đó là các vật dụng như thùng đựng rượu kiểu châu Âu cổ điển hoặc mô hình xe xích lô, xe máy, xe đạp, ô tô, tàu thủy, thuyền buồm, máy bay… Dưới đôi tay tài hoa, sự sáng tạo và tỉ mỉ, sản phẩm đồ mỹ nghệ của cụ Bình luôn đậm giá trị lao động thủ công truyền thống. Cũng bởi thế mà một số khách hàng ở Hà Nội vẫn đặt cụ làm đồ gửi về thủ đô. “Tính sơ sơ, đến nay tôi có hơn 70 năm làm nghề, tôi cảm thấy trong huyết quản của mình có mùi thơm của gỗ” - cụ Bình ví von.
Cụ Trần Văn Bình là xã viên duy nhất của Hợp tác xã Ba Đình đến nay còn sinh sống tại Lào Cai. Khi chúng tôi hỏi về chuyện xưa, ký ức bỗng trào trong cụ, hiện lên sinh động trong từng lời kể.
… Hòa bình lập lại, miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa với sự hình thành đơn vị kinh tế tập thể, các hợp tác xã ra đời khắp nơi, trong đó có Hợp tác xã Ba Đình chuyên ngành mộc, đồ thủ công mỹ nghệ tại số 20, phố Yên Ninh, quận Ba Đình, Hà Nội. Hợp tác xã Ba Đình tập hợp xã viên là những người thợ có tay nghề bậc cao trên địa bàn và các huyện ngoại thành, huy động từ các làng nghề thủ công nổi tiếng ở tỉnh Hà Nam, tỉnh Nam Định, tỉnh Hà Tây (cũ) và tỉnh Bắc Ninh. Cụ Trần Văn Bình quê gốc ở Hà Nam, chớm tuổi 20 để vợ con ở quê nhà đến thủ đô làm thợ lành nghề của Hợp tác xã Ba Đình.
Cụ Bình nhớ lại: Hợp tác xã ở gần Cửa Bắc, cụ được nhập hộ khẩu và cấp chỗ ở tại phố Hoàng Diệu, cách xa khoảng 3 km nên sáng nào cũng mất gần 1 tiếng đi bộ tới chỗ làm việc. Ở hợp tác xã, cụ làm đủ thứ việc, từ đóng xà lan, đóng thuyền, làm thùng xe ô tô tải (thời đó đều làm bằng gỗ) tới đóng giường, tủ và làm khung tranh, đồ lưu niệm bằng gỗ. Làm việc tại Hà Nội được gần 10 năm, đến năm 1962, theo tiếng gọi của Đảng về xây dựng vùng kinh tế mới, một nửa xã viên Hợp tác xã Ba Đình được động viên đi “khai hoang” tại Lào Cai, thanh niên Trần Văn Bình hăng hái đăng ký lên đường.
Một nửa số xã viên khi đó có khoảng 30 người lên Lào Cai lập nghiệp, mở Hợp tác xã Ba Đình mới tại khu vực Phố Tèo, thị xã Lào Cai. Xung đột biên giới năm 1979, các xã viên Hợp tác xã Ba Đình mỗi người di tản một nơi, năm 1980, Hợp tác xã Ba Đình được tái lập tại thôn Phú Thành I ngày nay với khoảng 15 xã viên. Hợp tác xã vẫn duy trì nghề cũ là làm đồ mộc như đóng giường, tủ, bàn ghế, cửa nhà, đồ thủ công chủ yếu làm quản bút, vỏ bút chì, đan cót, đồ mỹ nghệ. Những xã viên của hợp tác xã dựng nhà, sinh sống quần tụ thành một xóm có tên là Ba Đình, nay thuộc tổ dân phố Phú Thành I, thị trấn Phố Lu. Thời thế đổi thay, trong mấy người con, chỉ một anh con trai của cụ Bình theo nghề mộc nhưng giờ đây khá chật vật trước sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm công nghiệp.
Đường vào nhà cụ Bình đi sâu trong ngõ, qua gần xưởng mộc của ông Trần Văn Toán, sinh năm 1958, con rể của nghệ nhân Trần Ngọc Quảng (đã mất), xã viên Hợp tác xã Ba Đình. Sống bằng nghề thủ công ngày càng khó khăn nhưng ông Toán vẫn cố gắng duy trì như giữ hồn cốt của gia đình, dòng tộc, giữ nghề mà cả bố và mẹ ông đã một đời theo đuổi, cống hiến. Bố ông Toán là người Hà Nội, quê gốc ở Hà Đông, lên Lào Cai thành lập Hợp tác xã Ba Đình cùng đợt với cụ Bình. Xóm Ba Đình hôm nay thuộc diện giải phóng mặt bằng để xây dựng khu đô thị mới nên xưởng mộc của ông Toán tạm dừng, chờ ra nơi ở mới sẽ hoạt động trở lại.
Bên hông nhà cụ Bình là ngôi nhà của gia đình ông Trần Văn Nghĩa, sinh năm 1957, con trai của xã viên Hợp tác xã Ba Đình, nghệ nhân Trần Văn Nhàn, sinh năm 1919, mất năm 1969. Nghệ nhân Trần Văn Nhàn là người gốc kinh thành Thăng Long, sinh ra trong gia đình có truyền thống nhiều đời làm nghề sơn mài, sau này làm véc-ni (phủ bóng đồ gỗ). Cụ Nhàn từng được mời tham gia đánh bóng đồ gỗ trong dinh vua Khải Định. Năm 1964, cụ Nhàn nhờ chị gái giữ hộ ngôi nhà ở phố cổ Hàng Da để dắt díu vợ cùng 8 người con lên thị xã Lào Cai lập thân, lập nghiệp tại Hợp tác xã Ba Đình. Sau khi chồng mất, vợ nghệ nhân Nhàn tiếp tục làm việc tại Hợp tác xã Ba Đình với việc chính là đánh véc-ni đồ mộc, đan cót, ghép đồ, làm quản bút. Tiếc rằng 8 người con của nghệ nhân tài ba Trần Văn Nhàn (3 người sinh sống tại Hà Nội, 5 người ở Lào Cai) đều không ai kế nghiệp cha mẹ.
Ông Trần Văn Nghĩa năm nay đã ở tuổi 67, đi xa quê từ khi còn là cậu bé cao ngang chiếc ghế tựa nhưng đến nay vẫn đau đáu hướng về thủ đô. Lớn lên ở Lào Cai nhưng ông luôn “giữ hồn” Hà Nội trong từng nét sinh hoạt đời sống, văn hóa. Ông Nghĩa kể, đã bao năm qua, các thành viên của gia đình còn nguyên “phong vị” Hà Nội như thói quen đã ra ngoài ăn sáng chỉ chọn duy nhất món phở, đã nấu canh rau muống là phải dầm sấu chua. Mỗi dịp lễ, tết hoặc tiếp khách ở quê tới nhà là thể nào cũng phải bỏ cả 6 - 7 tiếng để nấu món ăn truyền thống của Hà Nội là canh bóng (nguyên liệu chính là bì lợn) hoặc canh măng khô hầm xương. Rồi mỗi dịp về quê, dù bận đến mấy, các thành viên gia đình ông Nghĩa cũng phải bố trí tới Hàng Gà hoặc Bát Đàn để thưởng thức hương vị phở “Hà thành chính hiệu”.
Tỉnh Lào Cai hiện có gần 800 nghìn nhân khẩu, do đặc thù lịch sử, các yếu tố kinh tế - xã hội, gần một nửa dân số của tỉnh có nguồn gốc quê hương từ hàng chục tỉnh, thành phố trong cả nước. Mỗi miền quê lại có tập quán, nét văn hóa khác nhau, ngôn ngữ cũng có điểm khác biệt, điều đó đã làm nên một Lào Cai đa sắc màu văn hóa bên cạnh những điểm chung của con người Việt Nam. Xóm Ba Đình ở Phố Lu là một nét chấm phá, cách điệu như thế.