Góp ý vào dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nghiên cứu bổ sung thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã và gợi ý có thể nghiên cứu đưa ra những điều khoản mang tính nguyên tắc chung; giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết để không để có khoảng trống pháp luật trong vấn đề này.
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 21, chiều 16/3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Quang cảnh phiên họp. |
Trình bày báo cáo một số vấn đề lớn của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10 - 11/2022), Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội phát biểu tại tổ và hội trường, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan chủ trì soạn thảo), Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Về tên gọi của dự án Luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế tiếp thu đa số ý kiến các đại biểu, giữ nguyên tên gọi của dự án Luật là Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung tại các điều, khoản của dự án Luật và thiết kế lại bố cục, kết cấu của dự án Luật bảo đảm thống nhất, đồng bộ, phù hợp với tên gọi của dự án Luật.
Đối với việc thể chế hóa nội dung 8 chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, Thường trực Ủy ban Kinh tế tiếp thu nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội, rà soát và chỉnh lý quy định về nguyên tắc, tiêu chí và nguồn vốn thực hiện chính sách, trong đó khẳng định một trong những nguyên tắc thực hiện chính sách là thống nhất triển khai theo Chương trình tổng thể về phát triển kinh tế tập thể, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước ở từng thời kỳ, không thấp hơn chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều chỉnh các nội dung về 8 chính sách từ 1 điều tại dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội thành 8 điều quy định riêng về nội dung từng chính sách, rà soát các quy định bảo đảm phù hợp và thể chế hóa chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW.
Về liên đoàn hợp tác xã, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, Nghị quyết số 20-NQ/TW đã nêu chủ trương “nghiên cứu, xây dựng thí điểm một số liên đoàn hợp tác xã hoạt động chuyên môn hoá cao trong một số ngành, lĩnh vực”. Do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị chưa luật hóa các nội dung về liên đoàn hợp tác xã tại dự thảo Luật. Để thực hiện chủ trương của Nghị quyết số 20-NQ/TW, đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về thí điểm một số liên đoàn hợp tác xã theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Sau thời gian thí điểm sẽ tiến hành đánh giá, tổng kết và nghiên cứu đề nghị Quốc hội bổ sung tại Luật những quy định phù hợp, khả thi đã được kiểm nghiệm trên thực tiễn liên quan đến mô hình liên đoàn hợp tác xã.
Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, đến thời điểm này cơ bản các nội dung của dự thảo Luật được các cơ quan thống nhất và có thể trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Góp ý đối với một số chính sách cụ thể, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ sự quan tâm đến chính sách tiếp cận vốn và bảo hiểm. Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là những chính sách hết sức cần thiết đối với hợp tác xã nhưng thực tế lại có vướng mắc.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ đối với chính sách tiếp cận vốn, dự thảo Luật cần quy định rõ các ngân hàng thương mại cho các chủ thể như tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã vay vốn tín dụng thương mại theo quy định pháp luật hiện, trên cơ sở xem xét, đánh giá năng lực tài chính và hiệu quả dự án sản xuất, kinh doanh, kể cả về năng lực tài chính và hiệu quả của dự án; quy định hợp tác xã và tổ hợp tác được sử dụng giá trị tài sản hình thành từ quỹ chung mang tên riêng để đảm bảo an toàn cho số vốn cần vay. Đồng thời rà soát quy định việc hợp tác xã được dùng tài sản hình thành từ việc đầu tư kết cấu hạ tầng, trang thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh; kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh hình thành chuỗi sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến… làm tài sản thế chấp để vay vốn.
Về chính sách bảo hiểm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu quy định trong Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp thí điểm về chính sách bảo hiểm nông nghiệp để lấy một số quy định đưa vào luật, trong đó có bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm ngư nghiệp, bảo đảm cho giá trị pháp lý cao hơn cho bảo hiểm trong lĩnh vực này.
Về bảo hiểm xã hội, theo Chủ tịch Quốc hội qua tổng kết hoạt động hợp tác xã nhiều năm cho thấy nguyện vọng thiết tha của cán bộ quản lý hợp tác xã, nhân viên hợp tác xã mong muốn khi nghỉ hưu sẽ được hưởng lương hưu. Đây cũng chính là chính sách trong Nghị quyết 28-NQ/TW của Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội trong đó có bảo hiểm xã hội đa tầng của Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội đề nghị quy định trường hợp nào phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, quy định cách thức thành viên và người lao động làm việc thường xuyên, có nhận tiền công, tiền lương, tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, quy định cách thức và chế độ hỗ trợ thành viên của các hợp tác xã tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; đồng thời quy định về cam kết của các thành viên hợp tác xã đối với những hỗ trợ chính sách này. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, việc quy định rõ các nhóm chính sách về tiếp cận vốn, bảo hiểm và nghĩa vụ của các thành viên khi được hỗ trợ các chính sách liên quan đến tiếp cận vốn hoặc tiếp cận bảo hiểm mới có thể bảo đảm tính khả thi và sức sống của Luật.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã. Bởi đây là nội dung vướng nhưng dự thảo Luật chưa đề cập đến. Thực tế thế giới và Việt Nam không chuyển đổi hợp tác xã nhưng thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã đã có và nhu cầu rất lớn.
Chủ tịch Quốc hội gợi ý có thể nghiên cứu đưa ra những điều khoản mang tính nguyên tắc chung và giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết để không để có khoảng trống pháp luật trong vấn đề này.
Tại phiên họp, phát biểu ý kiến về số lượng thành viên hợp tác xã, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đồng tình tăng từ 5 đến 7 thành viên chính thức tự nguyện thành lập, đề nghị quy định tăng số lượng thành viên hợp tác xã theo lộ trình hợp lý, khả thi để tạo điều kiện phát triển kinh tế tập thể. Việc khuyến khích các thành viên mới tham gia hợp tác xã là việc đúng đắn, tránh việc hộ gia đình trá hình hợp tác xã để trục lợi chính sách.
Về Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đồng thuận quy định Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã là quỹ hỗ trợ ngoài ngân sách, đồng thời cho rằng nên giao Liên minh hợp tác xã quản lý Quỹ này. Về chuyển nhượng phần góp vốn của thành viên hợp tác xã, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, không nên cho phép chuyển nhượng, tránh tạo điều kiện giao dịch để chuyển tài sản của mình thông qua Hợp tác xã cho người khác, phục vụ các mục đich khác, tránh việc mua bán cổ phần, dẫn đến tình trạng không phản ánh đúng ý nghĩa, bản chất của hợp tác xã, kinh tế hợp tác.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, tích cực của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra trong việc hoàn thiện dự thảo Luật, tuy nhiên, vì có sự thay đổi về tên gọi, nên phải rà soát kỹ lưỡng từng điều, khoản trong dự thảo Luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội giao Ủy ban Kinh tế phối hợp với các cơ quan liên quan, rà soát để tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội, hoàn thiện nội dung dự án Luật xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tới đây; lấy ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội và cơ quan hữu quan, đồng thời chủ trì cùng cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến tham gia để bảo đảm chất lượng của dự án Luật khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Năm. Đề nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan của Quốc hội thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chịu trách nhiệm đến cùng với dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi).