LCĐT - Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết 10-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt cho sản xuất nông nghiệp và dần hiện thực hóa mục tiều đề ra. Để thấy được rõ hiệu quả của Nghị quyết 10-NQ/TU, cũng như mục tiêu trong thời gian tới, phóng viên Báo Lào Cai đã phỏng vấn đồng chí Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan thăm vùng sản xuất dứa Mường Khương. |
Tác động lớn và toàn diện
Phóng viên:Thưa đồng chí! Nghị quyết 10 - NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã triển khai được 1,5 năm. Mặc dù chưa phải là dài nhưng hiệu quả mà nghị quyết mang lại tương đối rõ nét?
Đồng chí Đỗ Văn Duy: Sau 1,5 năm triển khai, Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tác động rất lớn và toàn diện đến lĩnh vực nông nghiệp.
Trước hết, Nghị quyết 10-NQ/TU đã tạo sự đột phá trong tư duy lãnh đạo, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp được triển khai đồng bộ; các nội dung của Nghị quyết được triển khai cụ thể, thực chất và hàng tuần, hàng tháng được đánh giá, kiểm điểm sâu sắc.
Nghị quyết 10 -NQ/TU đã khai thác được tiềm năng, lợi thế của Lào Cai, xác định rõ 6 ngành hàng chủ lực (chè, dược liệu, chuối, dứa, quế, chăn nuôi lợn), 2 lĩnh vực là phát triển kinh tế đồi rừng và ngành hàng tiềm năng. Các ngành hàng chủ lực theo Nghị quyết đều có sự phát triển rõ nét; bước đầu đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như vùng chè đạt 7.346 ha, vùng dược liệu hằng năm đạt 573 ha, vùng sản xuất chuối 3.174 ha, vùng sản xuất dứa 2.060 ha, vùng sản xuất quế đạt 56.124 ha, vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng tập trung phục vụ chế biến đạt 87.100 ha.
Các giải pháp thực hiện Nghị quyết đã được các địa phương vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tế. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã tăng cường sự lãnh đạo, xác định phát triển nông nghiệp hàng hóa là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Tập trung tối đa nguồn lực cho phát triển nông nghiệp hàng hóa, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách của tỉnh lồng ghép nguồn vốn thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút nguồn vốn các tổ chức phi Chính phủ (NGO), vốn ODA; đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút tối đa nguồn lực trong cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân phát triển nông nghiệp hàng hóa.
Với sự chỉ đạo điều hành toàn diện, thực hiện các giải pháp đồng bộ nên mặc dù bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều biến động (đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ucraina…) làm “đứt gãy” chuỗi cung ứng, biến động lớn về thị trường, giá cả. Tuy nhiên, các ngành hàng chủ lực của tỉnh đã thích ứng tốt, đảm bảo tăng trưởng, giữ vững thị trường, giá cả.
Thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản. |
Đã tạo sự đột phá về tư duy sản xuất
Phóng viên:Một trong những mục tiêu căn cốt mà Nghị quyết 10 -NQ/TU hướng đến đó là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Vậy, thời gian qua, mục tiêu này đang từng bước được định hình, thưa đồng chí?
Đồng chí Đỗ Văn Duy: Tỉnh Lào Cai luôn xác định nông nghiệp là 1 trong 4 trụ cột phát triển kinh tế, giữ vai trò là “trụ đỡ” duy trì đà tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh. Để nông nghiệp phát triển toàn diện, nâng cao đời sống người dân, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế thì cần thiết phải phát triển nông nghiệp hàng hóa, phát triển nông nghiệp xanh và bền vững. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu tạo sự đột phá, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Thời gian qua, mục tiêu tạo sự đột phá, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai từng bước được định hình. Trước hết, Nghị quyết đã xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, các giải pháp chủ yếu và có lộ trình thực hiện cụ thể. Quá trình triển khai Nghị quyết đã được cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện đồng bộ; các giải pháp mà Nghị quyết đưa ra đã được vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tế. Có thể kể đến một số giải pháp, cách làm điển hình như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp được triển khai đồng bộ; đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện; ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; triển khai xây dựng các kế hoạch giai đoạn, hằng năm và các văn bản cụ thể hóa Nghị quyết. Các nội dung của Nghị quyết được triển khai cụ thể, thực chất và được đánh giá, kiểm điểm sâu sắc. Công tác thông tin, tuyên truyền, học tập, quán triệt Nghị quyết được triển khai đồng bộ, đa dạng bằng nhiều hình thức; đã tổ chức trên 250 hội nghị tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết với trên 26.500 lượt người tham gia; tổ chức cuộc thi trắc nghiệm trên internet đã thu hút 136.569 tài khoản với 1.428.414 lượt cán bộ, đảng viên và Nhân dân tham gia.
Ngoài ra, các giải pháp khác được thực hiện đồng bộ như đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại; tập trung tối đa nguồn lực cho phát triển nông nghiệp hàng hóa, lồng ghép nguồn vốn thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia… bước đầu đã tạo sự chuyển biến trong tư duy sản xuất nông nghiệp, người dân rất phấn khởi, đón nhận và phản hồi tích cực về chủ trương rất đúng và trúng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa. |
Phóng viên:Dù đạt được nhiều kết quả nhưng việc triển khai Nghị quyết 10-NQ/TU vẫn có nhiều khó khăn, cần phải có giải pháp để đưa nghị quyết vào cuộc sống?
Đồng chí Đỗ Văn Duy: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo Nghị quyết 10-NQ/TU trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn. Đó là:
Sản xuất nông nghiệp hàng hóa bước đầu được hình thành nhưng chưa rõ nét, các vùng sản xuất quy mô còn nhỏ, sản lượng chưa nhiều; tiến độ chuyển đổi đất trồng cây kém hiệu quả sang cây trồng chủ lực còn chậm.
Ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong nông nghiệp còn hạn chế; sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ, nông nghiệp sạch chiếm tỷ lệ thấp, chủ yếu vẫn canh tác theo quy trình kỹ thuật truyền thống; kỹ thuật, kinh nghiệm, tác phong lao động của nông dân chưa cập nhật được với nhu cầu phát triển nông nghiệp hàng hóa.
Chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược xây dựng các nhà máy chế biến sâu nông sản để nâng cao giá trị. Thị trường tiêu thụ các loại nông sản thiếu ổn định; một số sản phẩm phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc.
Kinh tế tập thể chưa đủ mạnh để trở thành hạt nhân, đầu tầu trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa; các hình thức tổ chức, liên kết sản xuất mang tính tự phát; một số hợp tác xã nông nghiệp hoạt động chưa hiệu quả, thiếu sự liên kết giữa HTX với các thành viên, chủ yếu hoạt động theo quy mô hộ gia đình, không góp vốn điều lệ. Kết cấu hạ tầng và dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Để giải quyết những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo Nghị quyết 10-NQ/TU trong từng năm và cả giai đoạn cần thực hiện đồng bộ 9 giải pháp mà Nghị quyết đã đưa ra. Đó sẽ là nền tảng vững chắc để thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đã đề ra.
Người dân làm giàu từ trồng rừng sản xuất. |
Hoàn thành mục tiêu của từng năm
Phóng viên:Việc triển khai Nghị quyết 10 -NQ/TU được xác định với những lộ trình, mục tiêu cụ thể cho từng năm, từng giai đoạn. Vậy, mục tiêu năm 2023 đặt ra như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Đỗ Văn Duy: Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU được xác định với những lộ trình, mục tiêu rõ ràng. Mục tiêu năm 2023 đặt ra là:
Duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất đạt trên 5%/năm. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp (giá so sánh 2010) ước đạt 10.000 tỷ đồng, tăng 1.134 tỷ đồng so với năm 2022.
Giá trị sản xuất hàng hóa các ngành hàng chủ lực ước đạt 5.200 tỷ đồng, tăng 1,3 lần (tăng 1.000 tỷ đồng) so với năm 2022, chiếm khoảng 52% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Trong đó, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung: Cây chè diện tích đạt 8.400 ha; cây dược liệu hằng năm đạt 890 ha; cây chuối 3.380 ha; cây dứa diện tích đạt 2.200 ha; chăn nuôi lợn tổng đàn đạt 500.000 con; cây quế diện tích tập trung đạt 51.500 ha; vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng tập trung đạt 94.000 ha.
Phấn đấu chứng nhận thêm 4.706 ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ (quế 4.000 ha, chè 536 ha, cây ăn quả 120 ha, rau 50 ha), nâng tổng số diện tích được chứng nhận hữu cơ toàn tỉnh đạt 9.024 ha. Thực hiện chuyển đổi khoảng 5.230 ha đất sản xuất nông nghiệp, đất đồi rừng kém hiệu quả sang trồng mới các cây trồng chủ lực, tiềm năng (dược liệu, chè, chuối, dứa, cây ăn quả, quế...).
Các địa phương tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, bản sắc văn hóa, tri thức bản địa để phát triển sản phẩm đặc hữu, tiềm năng theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm; mở rộng các mô hình nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường bền vững.
Các nguồn vốn đầu tư cho sản xuất được truyền tải kịp thới tới người dân. |
Phóng viên:Muốn thực hiện được mục tiêu năm 2023, cần phải có những giải pháp nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Đỗ Văn Duy: Để thực hiện được mục tiêu năm 2023 như đã nói ở trên, cần phải có những giải pháp cụ thể, đồng bộ. Đó là:
Thực hiện quan điểm chỉ đạo của tỉnh với phương châm “Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Hành động - Phát triển” nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương. Phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, lấy giá trị, thu nhập sản xuất là thước đo đánh giá chất lượng, hiệu quả của ngành nông nghiệp.
Tập trung quy hoạch, phát triển tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung 6 ngành hàng chủ lực, 2 lĩnh vực là phát triển kinh tế đồi rừng và ngành hàng tiềm năng địa phương. Thực hiện chuyển đổi diện tích sản xuất các loại cây trồng kém hiệu quả (ngô, sắn...) sang trồng các loại cây trồng chủ lực có hiệu quả kinh tế cao hơn; khuyến khích liên kết, tập trung đất đai tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Đẩy mạnh triển khai thực hiện các dự án, kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; tập trung phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng, chứng nhận hữu cơ, truy xuất nguồn gốc, các sản phẩm chế biến sâu để tham gia, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng các cơ sở, nhà máy chế biến nông sản; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, tiếp thị đối với các mặt hàng chủ lực của tỉnh như quế, chè.. sang thị trường các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu để nâng cao giá trị sản phẩm.
Đổi mới và phát triển các hình thức kinh tế tập thể, nhất là hợp tác xã gắn với vùng sản xuất hàng hóa các ngành hàng chủ lực để liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; phát triển các chuỗi sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP đảm bảo đáp ứng cả về số lượng, chất lượng phục vụ nhu cầu thị trường.
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức, cá nhân tiếp cận các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh; sử dụng lồng ghép nguồn lực từ các Chương trình MTQG để tập trung thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết; tập trung đầu tư nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng tại các vùng sản xuất hàng hóa nhất là hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng... đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục tuyên truyền, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; chủ động lồng ghép các nguồn lực tại địa phương để triển khai thực hiện hiệu quả các mô hình, dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn.
Phóng viên:Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!