Cá thối gây ô nhiễm môi trường
Mấy ngày qua, tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Cửa khẩu Kim Thành), mùi hôi của động vật phân hủy thối rữa bốc lên khiến ai cũng khó chịu. Đi cùng cán bộ biên phòng tham quan thực địa, chúng tôi mới biết mùi khó chịu phát ra từ một xe ô tô đầu kéo có biển kiểm soát nước ngoài. Trên phương tiện này chở hàng chục tấn cá tầm đã chết, do phơi nắng nhiều ngày mà bốc mùi hôi thối. Thời điểm chúng tôi có mặt, lượng cá vẫn tiếp tục phân hủy giữa trời nắng, nước cá thối chảy thành dòng, thành vệt trên bề mặt sân, ruồi nhặng bay tứ tung quanh khu vực, mùi hôi nồng nặc tỏa ra rất khó chịu.
Một cán bộ biên phòng cho biết, dù đã có cơ quan chuyên môn đến phun hóa chất khử trùng, nhưng có lẽ do khối lượng cá quá lớn nên không khí vẫn bị ô nhiễm. Chị Nguyễn Thị L., thương nhân thường xuyên có mặt tại Cửa khẩu Kim Thành phản ánh: “Mùi rất khó chịu, lắm lúc tôi cảm thấy muốn nôn ọe”. Anh Lâm Văn H., lái xe tải chở hàng ở Cửa khẩu Kim Thành cũng phàn nàn: “Ban đầu cứ nghĩ con vật nào chết trôi dưới sông Hồng bốc lên, mãi sau mới biết là do xe cá”. Cũng đề cập tới câu chuyện này, ông Nguyễn Thành D., thường trú tại Hà Nội, chủ doanh nghiệp có mặt tại Cửa khẩu Kim Thành làm thủ tục xuất - nhập khẩu hàng hóa nhận xét: “Cửa khẩu quốc tế không nên để cả xe cá thối rữa nhiều ngày mà không được giải quyết, như thế đâu gọi là văn minh, thân thiện nữa”.
Chưa có hạn xử lý
Theo thông tin từ Đồn Biên phòng Cửa khẩu và Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai, vào khoảng 17 giờ 15 phút ngày 19/8/2023, một xe đầu kéo tải trọng lớn với 6 trục bánh, biển kiểm soát H 26565 thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) chở 4 thùng hàng cá tầm tươi sống (trọng lượng ước 10 đến 20 tấn hàng) do nam tài xế Lục Quang T. (Liu Guang Zh), trú tại châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) điều khiển từ phía Hà Khẩu nhập cảnh vào Việt Nam qua cầu Kim Thành. Sau khi đỗ xe chở hàng vào khu cách ly, Lục Quang T. (Liu Guang Zh) đóng cửa xe rồi đi bộ trở về Trung Quốc.
Phương tiện này đậu lại đó sau mấy ngày thì bốc mùi thối nồng nặc, đến ngày 25/8 (sau 6 ngày nhập cảnh vào Việt Nam), Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai có văn bản hỏa tốc mời các cơ quan liên quan như: Đồn Biên phòng Cửa khẩu, Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lào Cai, Chi cục Kiểm dịch Y tế Quốc tế tỉnh Lào Cai đến để kiểm tra lô hàng vào ngày 26/8. Kết quả kiểm tra cho thấy toàn bộ lô hàng là cá tầm tươi sống, khi kiểm tra, cá đã chết và bốc mùi hôi thối nên Chi cục Kiểm dịch y tế Quốc tế tỉnh Lào Cai phun hóa chất khử khuẩn; cơ quan hải quan tiếp tục niêm phong lô hàng để chờ các thủ tục giải quyết tiếp theo.
Trao đổi với phóng viên, Đại úy Hoàng Minh Du, Trạm trưởng Trạm Biên phòng Kim Thành, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lào Cai cho biết: Trách nhiệm của chúng tôi là đã xác minh rõ số hiệu phương tiện và người điều khiển, số hàng hóa trên phương tiện thuộc cơ quan khác quản lý. Do xe chở cá để gần khu làm việc của cán bộ, chiến sỹ biên phòng nên mùi hôi thối, ảnh hưởng lớn đến hoạt động nghiệp vụ của đơn vị.
Về sự việc này, ông Phạm Văn Phúc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cũng khẳng định có lô hàng nhập cảnh vào Việt Nam ngày 19/8 nhưng sau đó không có cá nhân, tổ chức đứng ra nhận và làm thủ tục thông quan. Đơn vị đã báo cáo với Cục Hải quan để xin ý kiến về phương án xác minh xử lý lô hàng. Sáng 29/8, chúng tôi đã có văn bản gửi hải quan phía Trung Quốc để xác định chủ lô hàng và yêu cầu chủ phương tiện, lái xe sang Việt Nam để giải quyết.
Trả lời về sự chậm trễ trong giải quyết lô hàng gây ô nhiễm cửa khẩu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Phạm Văn Phúc cho hay, đầu tiên là phải xác minh chủ hàng, liên hệ với chủ xe để yêu cầu họ chở hàng quay về nơi xuất phát. Quá thời hạn quy định mà không người nhận thì lực lượng hải quan sẽ xử lý theo Luật Hải quan. “Về thời hạn, chúng tôi chưa thể xác định đến khi nào mới có thể đem đi tiêu hủy lô hàng này”, ông Phúc nói.
Nghi án hàng nhập lậu?
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Chính Phương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lào Cai cho biết: Quy trình nhập khẩu một lô cá tầm tươi sống rất nhiều thủ tục, trong đó bắt buộc phải có mẫu giám định chất lượng, chủng loại hàng hóa của cơ quan CITES do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định. Khi có đầy đủ thủ tục theo yêu cầu, cá nhân, doanh nghiệp thương mại mới chuyển hồ sơ cho Chi cục Kiểm dịch động vật và cơ quan hải quan làm hồ sơ thông quan.
Về mặt hàng cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc, ngày 18/5/2023, Bộ Tài chính có Công văn số 5059/BTC-TCHQ gửi Thủ tướng Chính phủ nêu những vướng mắc trong hoạt động nhập khẩu cá tầm qua cửa khẩu tỉnh Lào Cai và Lạng Sơn đang gặp nhiều vướng mắc mà nguyên nhân chủ yếu từ phía CITES và các cơ quan liên quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu, ông Phạm Văn Phúc cho biết thêm, năm 2022 về trước có một số lô hàng cá tầm nhập về Việt Nam qua Cửa khẩu Kim Thành nhưng từ đầu năm 2023 đến nay chưa có lô hàng cá tầm nào được làm thủ tục thông quan.
Trong danh sách các vụ buôn lậu bị phát hiện, xử lý những năm gần đây có mặt hàng cá tầm nhập từ Trung Quốc. Cơ quan chức năng ước tính về khối lượng hàng trên phương tiện mang biển kiểm soát H 26565 là 10 đến 20 tấn cá, tính với giá cá tầm tại thị trường thành phố Lào Cai hiện nay (280 đến 300 nghìn đồng/kg cá nguyên con) thì lô hàng trên có trị khoảng 2,8 đến 5,6 tỷ đồng. Sự việc khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Lẽ nào chủ hàng “để quên” hàng tỷ đồng ở cửa khẩu suốt bao ngày khiến lô hàng trở thành vô chủ hay đây là vụ buôn lậu “đứt gánh ngang đường”?
Tuy nhiên, trước khi các cơ quan chức năng có thể giải quyết được những câu hỏi này này thì ở thời điểm này việc cần làm nhất là đảm bảo vệ sinh môi trường cho khu vực cửa khẩu Kim Thành, hạn chế ô nhiễm cho người và cảnh quan ở đây.
Vụ việc hàng chục tấn cá để chết thối tại Cửa khẩu Kim Thành sẽ được Báo Lào Cai tiếp tục đăng tải khi có thêm thông tin mới.