Ngày này năm xưa: 27-9-1961: Bác Hồ căn dặn không được coi thường lao động chân tay

Ngày 27/9 ghi dấu nhiều lời dạy rất ý nghĩa của Bác Hồ, trong đó có lời dạy về sự kết hợp giữa lao động trí óc và lao động chân tay. Cũng vào ngày này năm 2006 đã diễn ra Lễ khánh thành cột mốc biên giới đất liền đầu tiên Việt Nam - Campuchia. Đây cũng là ngày kỷ niệm khởi nghĩa Bắc Sơn - tiếng súng báo hiệu cao trào của cách mạng Việt Nam.

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

Ngày 27-9-1961, trong bài “Học hay, cày giỏi”, ký bút danh T.L, đăng Báo Nhân Dân, số 2745, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:

“Dưới chế độ phong kiến, lao động trí óc tách rời hẳn với lao động chân tay. Trước đây hơn 2.500 năm, cụ Khổng Tử (“ông Thánh” khoa học Trung Quốc ngày xưa) đã mắc sai lầm đó. Một hôm học trò hỏi cụ Khổng về nghề làm ruộng và trồng cây. Ông cụ trả lời một cách cay cú: “Ta chả biết!”.

Tiếp tục phát triển cái sai lầm ấy, các nhà nho Trung Quốc đã có câu thơ: “Vạn ban giai hạ phẩm; duy hữu độc thư cao”. Nghĩa là muôn nghề đều là thấp kém; chỉ nghề đọc sách là cao. Các nhà nho Việt Nam ta cũng đi theo con đường sai lầm ấy.

Để sửa chữa sai lầm cổ truyền ấy, chế độ xã hội chủ nghĩa đã nêu rõ khẩu hiệu: Phải kết hợp chặt chẽ lao động trí óc với lao động chân tay. Thực hiện đường lối đó, Hội nghị giáo dục toàn miền Bắc họp vào trung tuần tháng 9-1961 đã quyết định:

- Đẩy mạnh hơn nữa việc giáo dục lao động trong nhà trường là một khâu chủ yếu trong toàn bộ sự nghiệp giáo dục xã hội chủ nghĩa… nhằm đào tạo thế hệ trẻ đã có những kiến thức khoa học… lại có những kiến thức cơ bản về kỹ thuật sản xuất công nghiệp và nông nghiệp, những thói quen lao động, sẵn sàng bước vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa”.

(Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011, t.13, tr.203-204.)

Trong bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê phán quan điểm sai lầm cho rằng muôn nghề đều thấp kém, chỉ có nghề đọc sách là cao quý; Người nêu rõ sự cần thiết “phải kết hợp chặt chẽ lao động trí óc với lao động chân tay”  và khẳng định chủ trương đẩy mạnh giáo dục lao động trong nhà trường là hoàn toàn đúng đắn.

Ngày này năm xưa: 27-9-1961: Bác Hồ căn dặn không được coi thường lao động chân tay
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Sở Nông Lâm Hà Nội và sử dụng thử chiếc máy cấy tại ruộng thí nghiệm của Sở (7-1960).

Lời dạy của Bác đã chỉ ra phương châm giáo dục lý luận kết hợp với thực hành, lao động trí óc phải kết hợp với lao động chân tay, học tập phải kết hợp với lao động, sản xuất. Tư tưởng giáo dục đó đã được Bác đích thân thực hiện bằng chính hoạt động của mình. Suốt 30 năm bôn ba ở nước ngoài (1911-1941), Bác đi khắp các châu lục, từ châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, châu Á, từ nước Pháp, nước Anh, nước Mỹ đến Thái Lan, Trung Quốc… Bác hòa mình vào quần chúng công nhân và nhân dân lao động đủ các màu da. Bác vừa lao động chân tay để kiếm sống như: Đốt lò, phụ bếp, làm thợ bánh mỳ trong khách sạn, làm ảnh, vẽ thuê…; vừa học tập, nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn để tìm ra con đường cứu nước, cứu dân. Hiếm có một nhà chính trị, trí thức lớn nào vừa lao động trí óc, vừa lao động chân tay, thành thạo nhiều công việc và gắn bó với các tầng lớp cần lao như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi đã trở thành người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Người vẫn không rời các hoạt động chân tay, luôn xem đó là điều mình đương nhiên phải làm chứ không đợi người khác làm hoặc chờ được phục vụ. Lao động chân tay đã tạo thành một bộ phận quan trọng trong đời sống của Bác, có quan hệ khăng khít với lao động trí óc và hoạt động cách mạng của Người. Qua đó, Bác đã nêu tấm gương sáng về sự kết hợp, bổ sung lẫn nhau giữa lao động chân tay và lao động trí óc.

Có thể nói, Bác Hồ là vị lãnh tụ xuất thân từ môi trường lao động nên Bác hiểu giá trị lao động, quý trọng người lao động. Theo Bác, ngành nghề nào trong xã hội cũng là cao quý, không được phân biệt lao động tay chân với lao động trí óc, không được xem thường những người lao động chân tay. Sinh thời, Bác luôn đi sát công nhân, nông dân, người dân lao động bằng các cuộc viếng thăm thực tế, nhẹ nhàng mà sâu sắc. Người thăm các nhà máy, xí nghiệp, công trường, nông trường, làng xóm, thăm gia đình công nhân, nông dân, trí thức... Vào đêm Giao thừa năm 1946, Bác và đồng chí thư ký đi thăm một gia đình trong một ngõ nhỏ trên phố Sinh Từ, Hà Nội. Đó là nơi ở của một người kéo xe thuê ở tỉnh khác về làm ăn. Hay trong Giao thừa Tết Nhâm Dần (1962), Bác thăm gia đình chị Nguyễn Thị Tín, người gánh nước thuê ở ngõ 16, Lý Thái Tổ, Hà Nội. Hoàn cảnh của chị rất vất vả, chồng mất sớm, một mình chị tần tảo nuôi bốn con nhỏ, nên đêm 30 Tết rét buốt mà chị vẫn phải đi gánh nước thuê. Câu chuyện Bác đến thăm và chúc Tết những gia đình nghèo như gia đình chị Tín đã xóa đi khoảng cách giữa Bác là Chủ tịch nước với những người dân lao động bình thường trong xã hội.

Ngày này năm xưa: 27-9-1961: Bác Hồ căn dặn không được coi thường lao động chân tay
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học bổ túc văn hóa và kỹ thuật buổi tối của công nhân Nhà máy ô tô “1-5”, lá cờ đầu của phong trào bổ túc văn hóa ngành Công nghiệp Hà Nội (19-12-1963).

Cho đến nay, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị, là tư tưởng chỉ đạo, động viên, cổ vũ để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, lao động sáng tạo, tiếp thu khoa học kỹ thuật tiên tiến, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Thấm nhuần lời dạy của Bác, hơn 70 năm qua, cùng với thực hiện tốt chức năng của “đội quân chiến đấu’’, Quân đội ta luôn coi trọng và tiến hành có hiệu quả chức năng ”đội quân công tác”, “đội quân lao động sản xuất” và thu được những kết quả quan trọng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng và nắm vững chủ trương, quan điểm của Đảng, cán bộ, chiến sĩ  toàn quân tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng, thực sự là “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất” giỏi trong tình hình mới; xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Theo dấu chân Người

Ngày 27-9-1925, Báo Thanh Niên xuất bản ở Quảng Châu đăng bức thư của Nguyễn Ái Quốc “Trả lời bạn nữ sinh viên X của chúng ta”, trong đó chia sẻ nhiều quan điểm về cách mạng. Thư phân tích: “Các vua quan, thư lại, thông ngôn, theo chị là những người phản cách mạng. Chị đã nhầm rồi, bạn thân mến, bởi vì một ông vua có thể suy nghĩ và biết cảm thông với những bất hạnh chưa từng thấy đang giáng xuống dân tộc của ông; vì vậy ông ta thà làm một người dân bình thường còn hơn là trị vì một dân tộc nô lệ... Đàn bà con gái cũng nằm trong nhân dân… nếu dân tộc còn trong cảnh nô lệ thì họ và con cái họ cũng sẽ sống trong cảnh nô lệ đó thôi... Điều đó chứng tỏ rằng vì quyền lợi của đàn bà con gái An Nam mà chúng ta làm cách mạng...”.

Ngày 27-9-1945, tại Nhà hát Thành phố Hà Nội, Bác đến dự Đại hội đại biểu thanh niên Hà Nội và mở đầu bài nói: “Các anh em nếu đến đây để đợi nghe một bài diễn văn bóng bảy, hoa mỹ thì các anh em sẽ thất vọng. Những lời tôi nói với anh em sẽ chỉ rất giản dị, rất thiết thực. Tôi sẽ không khen ngợi anh em, mà chỉ chú ý vạch ra những khuyết điểm của anh em... Bây giờ, cần phải làm sao cho mất những khuyết điểm ấy. Việc cần trước nhất là làm thống nhất các tổ chức thanh niên... Nói tóm lại, phải làm sao cho tổ chức thanh niên Hà Nội phải thành một khối thanh niên khuôn mẫu cho thanh niên toàn xứ và toàn quốc”.

Ngày 27-9-1946, tiếp tục bàn về “Binh pháp Tôn Tử”, trên Báo Cứu Quốc, Bác viết bài “Bàn về kế hư thực”: “Muốn chiến đấu thắng lợi, bao giờ cũng phải chiếm địa vị chủ động... kế hư thực là một kế rất thần diệu trong tất cả các binh pháp... Nói tóm lại, kế hư thực của Tôn Tử rất mầu nhiệm. Muốn đánh được thắng lợi, hành động phải bí mật, đừng để cho quân địch biết mà đề phòng. Trái lại, muốn phòng giữ chắc chắn đừng nên để lộ cơ mưu, hư thực của mình, khiến cho quân địch không biết đánh vào nơi nào, đừng nơi nào. Thi hành đúng kế hư, thực, thắng lợi sẽ cầm chắc trong tay”.

Ngày 27-9-1947, trong Thư gửi các cháu nhi đồng cả nước nhân Tết Trung Thu, Bác Hồ “hứa với các cháu: Các bác, các chú, toàn cả đồng bào, sẽ ra sức tranh đấu, để sớm đuổi bọn thực dân phản động, để trường kỳ kháng chiến sớm thắng lợi, thống nhất độc lập sớm thành công, để các cháu được ăn Tết Trung thu vui vẻ như năm kia, năm ngoái”.

Ngày này năm xưa: 27-9-1961: Bác Hồ căn dặn không được coi thường lao động chân tay
 Bác Hồ vui Tết Trung thu với thiếu nhi Hà Nội và quốc tế, ngày 27-9-1958.

Ngày 27-9-1951, Hội nghị Trung ương lần thứ hai khóa II khai mạc. Bác tham dự Hội nghị và đóng góp những ý kiến thiết thực đối với công tác Đảng: “Điều chú ý là cán bộ xa dân vì quan liêu, không gần gũi quần chúng. Cho nên phải làm thế nào kết hợp được với quần chúng… Công tác trong vùng tạm chiếm cần phải linh hoạt, không máy móc... Học tập cả kinh nghiệm và lý luận ta đều có mặt kém... phải cố gắng, chống khuynh hướng kinh nghiệm chủ nghĩa”.

Ngày 27-9-1954, Bác viết bài “Cái gậy và con gà” đăng trên Báo Nhân Dân nhắc đến ý kiến của một người Pháp từng chứng kiến cuộc kháng chiến của nhân dân ta, đã đưa ra lời nhận xét: “Mỗi người Việt Nam yêu nước đều có thể là người tuyên truyền làm cho thế giới kính trọng dân tộc ta”.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Ngày 27-9-1966, trang nhất Báo Quân đội nhân dân đăng Thư khen của Hồ Chủ tịch gửi thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước:

Ngày 26 tháng 9 năm 1966

Thân ái gửi các cháu thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước,

Bác rất vui lòng khen ngợi các cháu thanh niên gái và trai đang cố gắng vượt mọi khó khăn gian khổ, lập nhiều thành tích.

Bác mong các cháu đoàn kết chặt chẽ, dũng cảm lao động và chiến đấu, giữ gìn sức khỏe, cố gắng học tập, lập nhiều thành tích chống Mỹ, cứu nước, để xứng đáng là thanh niên anh hùng của dân tộc anh hùng.

Bác hôn các cháu

Вác Hồ

Ngày này năm xưa: 27-9-1961: Bác Hồ căn dặn không được coi thường lao động chân tay
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 27-9-1966.

Ngày 27-9-1969, trang nhất Báo Quân đội nhân dân đăng trang trọng hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đang nghiên cứu tình hình chiến sự Đông-Xuân 1953-1954, kèm theo lời chú thích: Hồ Chủ tịch theo dõi từng bước đi của các lực lượng vũ trang, cổ vũ từng chiến công của quân và dân ta.

Ngày 27-9-1970, trang nhất Báo Quân đội nhân dân đã trích đăng Lời Hồ chủ tịch: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã nổi dậy chống đế quốc xâm lược một cách rất anh dũng, Bắc Sơn khởi nghĩa và Nam Kỳ khởi nghĩa là những tiếng báo hiệu đầu tiên cho một phong trào cách mạnh rộng lớn.

Ngày này năm xưa: 27-9-1961: Bác Hồ căn dặn không được coi thường lao động chân tay
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 27-9-1969 và 27-9-1970. 

Một số sự kiện trong nước và quốc tế diễn ra ngày 27-9

Sự kiện trong nước

Ngày 27-9-2006: Khánh thành cột mốc biên giới đầu tiên Việt Nam-Campuchia. Tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) - Ba Vẹt (tỉnh Svây Riêng), Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã cắt băng khánh thành cột mốc 171 – cột mốc biên giới đầu tiên giữa hai nước. Cột mốc 171 xác định ranh giới giữa tỉnh Tây Ninh (Việt Nam) và tỉnh Svây Riêng (Campuchia). Sự kiện này là thắng lợi chung của hai nước, hai dân tộc Việt Nam-Campuchia trong xây dựng đường biên giới thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, đáp ứng nguyện vọng và lòng mong muốn của nhân dân hai nước, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế, thịnh vượng, mở mang đời sống của nhân dân hai vùng biên giới.

Ngày 27-9-1989: Ủy ban Quốc gia chống nạn mù chữ của Việt Nam được thành lập. Ủy ban này có nhiệm vụ chỉ đạo công cuộc chống nạn mù chữ cho người lớn tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học cho trẻ em trong độ tuổi.

Ngày 27 đến 29-9-1988: Đại hội đại biểu công đoàn toàn quân lần thứ III.

Ngày 27-9-1976: Thành lập Viện Kỹ thuật Thông tin, nay là Trung tâm Kỹ thuật Thông tin Công nghệ cao, Binh chủng Thông tin liên lạc.

Ngày 27-9-1950: Tổ điệp báo A13 của công an Hà Nội đã phối hợp với công an Thanh Hóa để tiến hành một nhiệm vụ quan trọng. Với tinh thần dũng cảm và mưu trí, họ đã làm nổ tung chiếc tàu chiến Amiô Đanhvin trên vùng biển Sầm Sơn, 200 lính và sĩ quan Pháp cùng hàng trăm tấn vũ khí bị tiêu diệt và phá hủy.

Ngày 27 đến 29-9-1947: Hội nghị Quân sự toàn quốc lần thứ tư, đề ra chủ trương "đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung".

Ngày 27-9-1940: Khởi nghĩa Bắc Sơn (Lạng Sơn). Ngay sau khi phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương, Đảng bộ Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn) đã phát động quần chúng nổi dậy giành lại chính quyền về tay nhân dân. Ngày 27-9-1940, hơn 600 quân khởi nghĩa đã tấn công đồn Mỏ Nhài (châu Bắc Sơn) tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ. Hai ngày sau đó, quân khởi nghĩa tiếp tục tấn công và đánh tan quân Pháp ở đèo Canh Tiêm, Sập Di. Thực dân Pháp cùng phát xít Nhật thỏa hiệp, đàn áp cuộc khởi nghĩa, chiếm lại các đồn. Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn tuy thất bại, nhưng đã để lại bài học quý báu về khởi nghĩa vũ trang, xây dựng chính quyền, đặt nền móng cho việc xây dựng căn cứ địa cách mạng. Đội du kích Bắc Sơn sau này phát triển thành Việt Nam cứu quốc quân. 

Ngày này năm xưa: 27-9-1961: Bác Hồ căn dặn không được coi thường lao động chân tay
Du kích tham gia cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, tháng 9-1940.

Sự kiện quốc tế

Ngày 27-9-1975: Tổ chức Du lịch thế giới ra đời tại Mexico.

Ngày này năm xưa: 27-9-1961: Bác Hồ căn dặn không được coi thường lao động chân tay
Quân đội nhân dân

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Lan tỏa những tấm gương

Lan tỏa những tấm gương

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành việc làm thường xuyên, sâu rộng của các cơ quan, đơn vị, trường học, địa phương và Nhân dân trong tỉnh. Qua mỗi hành động, việc làm cụ thể, nhiều tấm gương điển hình tiên tiến đã và đang lan tỏa những giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng một xã hội nhân văn, nghĩa tình và phát triển bền vững.

Triển khai Chỉ thị 05 góp phần quan trọng vào kết quả phát triển toàn diện của Lào Cai trong 10 năm qua

Triển khai Chỉ thị 05 góp phần quan trọng vào kết quả phát triển toàn diện của Lào Cai trong 10 năm qua

Sáng 19/5, Tỉnh ủy Lào Cai tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" và kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025).

Tham mưu thực hiện tốt công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới

Tham mưu thực hiện tốt công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới

Ngày 3/3/1959, tại lễ thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng), Bác Hồ đã đến dự, động viên và giao nhiệm vụ cho lực lượng công an, bộ đội thông qua bài thơ, đó là: “Đoàn kết, cảnh giác/Liêm chính, kiệm cần/Hoàn thành nhiệm vụ/Khắc phục khó khăn/Dũng cảm trước địch/Vì nước quên thân/Trung thành với Đảng/Tận tụy với dân”.

“Đảng bộ 4 tốt”

“Đảng bộ 4 tốt”

Kim Tân là phường trung tâm, trọng điểm của thành phố Lào Cai, có tốc độ đô thị hóa nhanh. Đảng bộ phường Kim Tân là đơn vị có số lượng đảng viên nhiều nhất thuộc Đảng bộ thành phố Lào Cai, với 1.564 đảng viên ở các chi bộ trực thuộc và 1.969 đảng viên sinh hoạt theo Quy định 213 năm 2020 của Bộ Chính trị. Đảng bộ phường xác định việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là quá trình thường xuyên, liên tục, lâu dài, có tính lan tỏa, chú trọng việc làm theo Bác.

Đoàn đại biểu tỉnh Lào Cai dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đoàn đại biểu tỉnh Lào Cai dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Hòa trong không khí của những ngày tháng Năm lịch sử, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta ra sức thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, sáng 19/5, đúng dịp kỷ niệm 135 ngày sinh của Bác, Đoàn đại biểu tỉnh Lào Cai tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Di tích lịch sử quốc gia - Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Lào Cai. 

Tiếp thêm động lực

Tiếp thêm động lực

Cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo trong ghi danh, ghi nhận, biểu dương những tấm gương học Bác, tạo thêm động lực để cán bộ, đảng viên và Nhân dân tiếp tục thi đua làm theo lời Bác dạy, góp công sức, trí tuệ xây dựng quê hương.

Học Bác, xây dựng Lào Cai giàu đẹp, văn minh

Học Bác, xây dựng Lào Cai giàu đẹp, văn minh

Với truyền thống năng động, sáng tạo và tình cảm kính trọng, biết ơn vô hạn với Bác Hồ kính yêu, trong những năm qua, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Lào Cai không ngừng nỗ lực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là từ thời điểm Trung ương ban hành Chỉ thị 05 ngày 15/5/2016. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là ngọn đuốc sáng soi đường, tiếp thêm sức mạnh cho quân và dân Lào Cai vững bước trên hành trình kiến tạo xây dựng quê hương giàu đẹp.

Lào Cai có 5 đại biểu dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc

Lào Cai có 5 đại biểu dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc

Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VIII, năm 2025 diễn ra từ ngày 16 - 18/5 tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm tôn vinh những tấm gương thanh niên tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong tổng số 444 thanh niên xuất sắc toàn quốc dự đại hội, Lào Cai có 5 đại biểu.

Thế hệ trẻ mang "vàng mười" đến Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác

Thế hệ trẻ mang "vàng mười" đến Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác

Quàng Thị Tâm, Nguyễn Hà My, Nguyễn Thị Thanh Tiền, Nguyễn Văn Khánh Phong, Hoàng Văn Chính là những người trẻ thế hệ 2K sở hữu những tấm Huy chương Vàng lấp lánh ở nhiều đấu trường thể thao. Họ là đại biểu Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VIII năm 2025.

Học viện Hải quân tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị

Học viện Hải quân tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị

Chiều 13/5, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Đảng ủy Học viện Hải quân tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chuẩn Đô đốc Nguyễn Hữu Thoan, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Học viện chủ trì hội nghị.

Bộ đội Biên phòng Lào Cai: Thực hiện 11 công trình, phần việc chào mừng 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bộ đội Biên phòng Lào Cai: Thực hiện 11 công trình, phần việc chào mừng 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) và 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lào Cai đã phát động đợt thi đua cao điểm với chủ đề “Thần tốc - Quyết thắng”.

Lào Cai có 1 bác sỹ được tuyên dương Thầy thuốc trẻ Việt Nam triển vọng

Lào Cai có 1 bác sỹ được tuyên dương Thầy thuốc trẻ Việt Nam triển vọng

Bác sỹ Vàng Seo Sào làm việc tại Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà đã vinh dự được Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tuyên dương là 1 trong 10 "Thầy thuốc trẻ Việt Nam triển vọng". Đây là phần thưởng cao quý dành cho cá nhân có thành tích xuất sắc, đặc biệt trong chuyển đổi số y tế và tiên phong trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2023 - 2024.

fb yt zl tw