Trước thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế kéo dài từ giữa năm 2022, đầu tháng 3/2023, Chính phủ đã ban hành 2 văn bản quan trọng là Nghị định 07 tháo gỡ khó khăn cho nhập khẩu trang thiết bị y tế và Nghị quyết 30 nhằm tháo gỡ vướng mắc cho việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, hướng dẫn sử dụng và chi trả bảo hiểm y tế cho máy mượn, máy đặt.
Nhiều cơ sở y tế có thuốc trở lại.
Sau 2 văn bản này, Bộ Y tế tiếp tục ban hành những thông tư hướng dẫn giúp các cơ sở y tế có thể “tự tin” tổ chức mua sắm, đấu thầu theo đúng quy định của pháp luật. Bộ cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp tìm nguồn cung, đặc biệt là thuốc hiếm, đơn giản hóa thủ tục, thực hiện phân cấp toàn diện việc phê duyệt thẩm quyền quyết định mua sắm thuốc cho các cơ sở y tế trực thuộc bộ.
Với cơ sở y tế có ngày có tới hàng vạn bệnh nhân đến khám và điều trị, thuốc, vật tư y tế cần phải luôn dự trù đủ để đảm bảo cấp cứu, phẫu thuật.... cho người bệnh.
Ông Trịnh Ngọc Hải, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết, bệnh viện chia ra nhiều gói thầu khác nhau với các gói thuốc, trang thiết bị. Đơn cử với trang thiết bị, vật tư chia theo nhóm có tính năng, kỹ thuật tương đồng để nâng cao tính cạnh tranh, nhiều nhà thầu có thể tham gia, từ đó lựa chọn được nhà thầu cung ứng sản phẩm có chất lượng tốt, giá hợp lý. Đến cuối năm 2023, bệnh viện đã đấu thầu, mua sắm thành công hơn 50 gói thầu thiết bị, vật tư, thuốc, đáp ứng tương đối đủ nhu cầu khám chữa bệnh, điều trị những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
“Trong thực hiện đấu thầu, mua sắm vì nhiều lý do khác nhau như không có nhà thầu tham dự, hoặc vì lý do các nhà thầu không trúng thầu, chúng tôi sẽ tổ chức xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu mới, phục vụ công tác khám chữa bệnh. Đối tượng phục vụ của chúng ta là bệnh nhân, coi trọng tính mạng sức khỏe người bệnh đặt lên trên hết, và chúng ta tuân thủ các quy định của pháp luật.Bên cạnh đó phải hy sinh, nỗ lực cố gắng hơn nữa, mọi người cùng nhìn về một hướng để vượt qua các khó khăn”, ông Hải cho hay.
BV Đa khoa Trung ương Huế cũng đã có những giải pháp như: Lọc mặt hàng ra để đấu thầu lại; mua sắm trực tiếp; chào hàng cạnh tranh… để kịp thời, nhanh chóng có được những thuốc, hóa chất, vật tư phục vụ người bệnh.
Nhiều địa phương có vaccine trở lại để tiêm phòng cho trẻ.
Tương tự, đến cuối năm 2023, từ các trung tâm y tế tuyến cơ sở như Trung tâm y tế huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh đến BV Bạch Mai đều thông tin đã tháo gỡ được phần nào khó khăn do thiếu thuốc, vật tư y tế.
Bác sỹ Lê Nhật Thành, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Hương Sơn chia sẻ: “Chúng tôi triển khai thực hiện thứ nhất thành lập các Ban, các tổ tham mưu, mua sắm, thứ hai chúng tôi tham khảo, tập huấn rất kỹ khắc phục thiếu thuốc, hóa chất, vật tư”.
Còn ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc BV Bạch Mai cho biết: “Chúng tôi đã tháo gỡ được phần lớn khó khăn tính từ tháng 1/2023 đến nay BV đấu thầu và trúng thầu số lượng có thể nói là khá lớn thiết bị, vật tư tiêu hao cũng như là thuốc”.
Cùng với tình trạng thiếu thuốc, vật tư tại các cơ sở y tế là thực trạng thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng cho trẻ ở hầu khắp các trạm y tế trong cả nước. Trước tình hình cấp bách này, Bộ Y tế tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 98 ngày 10/7, Quyết định 931 ngày 5/8 giao kinh phí để Bộ Y tế thực hiện mua tập trung các loại vaccine. Mới đây nhất, Chính phủ ban hành Nghị quyết 224 về việc bảo đảm kinh phí mua sắm vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2024.
Trước đó, vào tháng 8/2023, Bộ Y tế đã tiếp nhận viện trợ 258.000 liều vaccine 5 trong 1 từ Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc và các tổ chức khác và đã phân bổ tới các địa phương. Giữa tháng 12/2023, Bộ Y tế đã tiếp nhận 490.600 liều vaccine 5 trong 1 viện trợ từ Chính phủ Australia.
Hiện các địa phương đang triển khai tiêm vaccine này cho trẻ. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, nguồn vaccine viện trợ cùng những chính sách tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, ngành y tế sẽ đảm bảo nguồn cung hàng chục triệu liều vaccine các chủng loại nhằm tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ cho trẻ trong năm 2024.
“Để đảm bảo nguồn cung vaccine trong năm 2024 chỉ đạo các địa phương chủ động phát hiện dịch, triển khai các biện pháp về tiêm chủng vaccine cho đối tượng có nguy cơ cao tại ổ dịch để khoanh vùng và không để dịch bệnh lây lan. Để giải quyết căn cơ lâu dài thì Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ, ngành liên quan sửa đổi Nghị định số 104 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng, trong đó cho phép bố trí ngân sách Trung ương để đảm bảo kinh phí mua vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nói.
Nhìn lại một năm nhiều khó khăn và biến động của ngành y tế đã đi qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, bước sang năm mới 2024, Bộ Y tế được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, tập trung kiểm soát các dịch bệnh mới phát sinh; tăng cường y tế cơ sở, y tế dự phòng, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở tất cả các tuyến; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách; giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế.
“Trong năm 2023, chúng tôi đã phải xác định và lựa chọn những mục tiêu ưu tiên để làm sao tháo gỡ được khó khăn trước mắt và lâu dài của toàn ngành, tạo hành lang pháp lý nhằm thực hiện nhiệm vụ thông suốt. Một trong những bài học kinh nghiệm là chúng ta phải bám sát thực tiễn, đề xuất, tham mưu một cách phù hợp, chính xác nhất. Năm 2024 có thể xác định còn nhiều khó khăn thách thức trước mắt, trong đó vấn đề liên quan đến cơ chế cần tiếp tục hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho ngành y tế hoạt động, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào công tác khám chữa bệnh để nâng cao chất lượng phục vụ cho người dân”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định.