Có thể thấy, giới trẻ Việt Nam hiện nắm trong tay cơ hội tiếp thu một cách nhanh chóng lượng tri thức khổng lồ của nhân loại. Tuy nhiên, trong số này có cả những thứ lai căng, len lỏi một cách tinh vi trong đời sống giới trẻ. Những tác động tiêu cực từng ngày, từng giờ gây ra một làn sóng ngầm về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống.
Các biểu hiện của “bệnh” suy thoái có thể dễ dàng nhận biết ở sự thờ ơ, bàng quan với lợi ích dân tộc, coi trọng chủ nghĩa bình quân, lối sống thực dụng, đề cao vật chất, sùng bái đồng tiền, thoái thác trách nhiệm và nguy hiểm hơn là biểu hiện bất mãn, dễ bị lôi kéo, kích động tham gia vào những hoạt động chống phá Đảng, chế độ.
Trong những lời căn dặn dành cho tuổi trẻ cả nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, đây là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đồng thời tin tưởng giao nhiệm vụ cho tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong giai đoạn tới chủ động phòng ngừa, khắc phục hiện tượng “nhạt Đảng”, “khô Đoàn”, xa rời chính trị.
Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng cũng xác định: “Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội; xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ” là nội dung quan trọng, xuyên suốt.
Những năm gần đây, các cấp bộ Đoàn trên cả nước đã tích cực đổi mới, sáng tạo, đột phá về nội dung và phương thức hoạt động, giúp công tác đoàn và phong trào thanh niên ngày càng phù hợp, sát với thực tế, hình thành nên những thế hệ thanh niên có nhận thức chính trị, lý tưởng rõ ràng, dám đương đầu với thử thách, khó khăn, góp phần xây dựng đất nước hùng cường.
Có một bộ phận cán bộ đoàn còn làm việc theo kiểu hình thức, thậm chí cố ý chọn việc dễ nổi tiếng, cốt để khẳng định cá nhân mà ít chú ý đến chiều sâu, tính thiết thực.
Tuy nhiên, hiện thực khách quan và thực tế đời sống xã hội cho thấy, môi trường văn hóa và trận địa tư tưởng của tuổi trẻ vẫn không tránh khỏi những tác động, ảnh hưởng tiêu cực nhất định. Đáng lo ngại hơn, “bệnh” suy thoái tư tưởng ở giới trẻ, đang có dấu hiệu diễn ra ở ngay trong hệ thống chính trị nói chung, tổ chức Đoàn Thanh niên nói riêng.
Có một bộ phận cán bộ đoàn còn làm việc theo kiểu hình thức, thậm chí cố ý chọn việc dễ nổi tiếng, cốt để khẳng định cá nhân mà ít chú ý đến chiều sâu, tính thiết thực.
Có nơi, có lúc, chính cán bộ đoàn lại thiếu tôn trọng điều lệ, kỷ cương, kỷ luật của Đoàn; không biết lắng nghe, tiếp thu ý kiến tập thể, kéo bè, kéo cánh, gây chia rẽ, khiến tinh thần đoàn kết trong tổ chức đi xuống. Cá biệt, đã xuất hiện những trường hợp chỉ vì lợi ích cá nhân hoặc đơn vị nhỏ của mình mà không xem xét toàn thể đến lợi ích chung lớn hơn; tự thỏa mãn với bản thân, làm được việc nhỏ mà tự cho là thành công lớn…
Việc xác định vai trò, sứ mệnh của thanh niên đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã được Đảng ta nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện, xuyên suốt trên tinh thần kế thừa và phát triển. Bởi trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, sự đóng góp của thanh niên vì mục tiêu xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh là vô cùng to lớn và quan trọng.
Để biểu hiện “nhạt Đảng”, “khô Đoàn”, “xa rời chính trị” không còn cơ hội tồn tại và phát triển, tổ chức Đoàn và nhất là bản thân mỗi cán bộ đoàn cần nghiêm túc thực hiện thật tốt việc “lấy xây để chống”.
Trước sự biến chuyển mạnh mẽ của xã hội, khi thanh niên ngày càng bận rộn hơn với vòng quay công việc, học tập và phải đối mặt với bao cám dỗ đời thường, người cán bộ đoàn càng phải trở thành “ngọn hải đăng” vững chãi, phát đi những ánh sáng tiên phong, dẫn dắt tuổi trẻ tu dưỡng cả trí và lực theo định hướng đúng đắn mà Đảng ta đã lựa chọn.