Nga và Ukraine nối lại đàm phán trực tiếp sau hơn 3 năm

Ngày 16/5, đàm phán giải quyết xung đột Nga-Ukraine tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ đã diễn ra dưới định dạng 3 bên thay vì song phương như dự kiến ban đầu.

Theo đó, hai phái đoàn Nga và Ukraine đã có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên sau hơn 3 năm, dưới sự chủ trì của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan. CNN cho biết, phái đoàn Nga do ông Vladimir Medinsky, Trợ lý Tổng thống làm trưởng đoàn và phái đoàn Ukraine do ông Rustem Umerov, Bộ trưởng Quốc phòng dẫn đầu tham gia cuộc gặp kéo dài gần hai giờ đồng hồ.

Quang cảnh cuộc gặp 3 bên giữa Nga, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ tại Istanbul ngày 16-5.

Quang cảnh cuộc gặp 3 bên giữa Nga, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ tại Istanbul ngày 16-5.

Phát biểu tại cuộc gặp 3 bên, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan kêu gọi nắm bắt cơ hội để đạt được bước tiến trên con đường hướng tới hòa bình. Theo Ngoại trưởng Hakan Fidan, trong bối cảnh xung đột tiếp tục cướp đi nhiều sinh mạng, việc thực hiện một lệnh ngừng bắn ngay lập tức trở nên càng cấp thiết hơn. Nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh đây là một “ngày quan trọng” đối với hòa bình thế giới, là “cuộc thảo luận mang tính kỹ thuật” nhằm đặt nền móng cho một cuộc gặp tiềm năng giữa lãnh đạo Nga và Ukraine. Phái đoàn Nga và Ukraine đã nhất trí về nguyên tắc sẽ tiếp tục gặp lại nhau trong tương lai. “Về kết quả cuộc gặp, Nga và Ukraine nhất trí trao đổi mỗi bên 1.000 tù binh như một biện pháp xây dựng lòng tin”, CNN dẫn lời Ngoại trưởng Hakan Fidan.

Theo Reuters, phía Nga bày tỏ hài lòng với kết quả cuộc gặp 3 bên. Cả Nga và Ukraine đều xác nhận nhất trí trao đổi mỗi bên 1.000 tù binh.

Trước cuộc gặp, ông Vladimir Medinsky khẳng định, Moscow đang hướng tới “một nền hòa bình lâu dài và bền vững” trong đàm phán hòa bình trực tiếp với Ukraine bằng cách loại bỏ các nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột. Ông Vladimir Medinsky tuyên bố Nga sẵn sàng thảo luận “các thỏa hiệp khả thi”. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov cho biết Kiev sẵn sàng tiến hành “đàm phán trực tiếp ở cấp cao nhất”, hướng tới một lệnh ngừng bắn “hoàn toàn và vô điều kiện”. Trong một tuyên bố, ông Rustem Umerov nhấn mạnh Ukraine đã phối hợp lập trường với các đồng minh chủ chốt, gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, gọi đây là nỗ lực nhằm tìm kiếm những giải pháp thực sự để đạt được một nền hòa bình “bền vững và công bằng”.

Trong những nỗ lực ngoại giao mới nhất nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine, TASS đưa tin, trước cuộc gặp 3 bên giữa Nga, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã có cuộc gặp kéo dài hơn một giờ đồng hồ với những người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine tại Istanbul. Phía Ukraine đánh giá cuộc gặp diễn ra hiệu quả.

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đang xúc tiến tổ chức cuộc hội đàm trực tiếp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong thời gian sớm nhất có thể. Ông chủ Nhà Trắng cho rằng việc gặp mặt trực tiếp với người đồng cấp Nga là điều kiện then chốt để có thể đẩy nhanh những nỗ lực ngoại giao về hòa bình cho Ukraine. Theo TASS, bình luận về việc Nga và Ukraine nối lại đàm phán trực tiếp sau hơn 3 năm, Tổng thống Donald Trump nhắc lại lời kêu gọi sớm chấm dứt xung đột. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, một cuộc gặp giữa hai nguyên thủ Nga-Mỹ “chắc chắn là cần thiết”, xét về phương diện quan hệ song phương cũng như thảo luận nghiêm túc các vấn đề quốc tế và khu vực ở cấp cao nhất, trong đó có cuộc xung đột tại Ukraine.

Những nỗ lực ngoại giao mới nói trên diễn ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa qua đề xuất Ukraine nối lại đàm phán trực tiếp tại Istanbul mà không đặt ra bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. Ông chủ Điện Kremlin tuyên bố Nga chưa bao giờ từ chối đối thoại với Ukraine. Hồi năm 2022, Nga và Ukraine đã gần đạt được thỏa thuận hòa bình trong cuộc đàm phán tại Istanbul. Tuy nhiên, Ukraine đã quyết định rút lui vào phút chót. Truyền thông quốc tế sau đó hé lộ một số thông tin được cho là nội dung của dự thảo thỏa thuận trên. Theo đó, Ukraine chấp nhận giữ thế trung lập và hạn chế quy mô quân đội, trong khi Nga đồng ý rút quân cũng như để Ukraine nhận được sự bảo đảm an ninh từ bên ngoài. Cho đến nay, cả Moscow và Kiev chưa xác nhận các thông tin này.

Báo Quân đội nhân dân

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc bảo vệ di sản văn hóa

Kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc bảo vệ di sản văn hóa

Công tác bảo vệ di sản văn hóa của Trung Quốc đã bước vào giai đoạn mới, với việc thay đổi chiến lược từ sửa chữa, phục hồi sang phòng ngừa, ngăn chặn xâm hại di sản thông qua các biện pháp phân tích nguy cơ, đánh giá rủi ro, đẩy mạnh ứng dụng số hóa, tăng cường nghiên cứu khoa học trong công tác bảo vệ di sản, cổ vật.

EU thể hiện thiện chí trong đàm phán thương mại với Mỹ

EU thể hiện thiện chí trong đàm phán thương mại với Mỹ

Chỉ còn hơn một tháng nữa sẽ đến ngày 9/7 - thời hạn cuối cùng của 90 ngày hoãn áp dụng thuế đối ứng mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành trước đó cho 75 quốc gia và khu vực trong đó có Liên minh châu Âu. Để đẩy nhanh đàm phán, EU hôm qua đã để ngỏ một số thiện chí trong đàm phán với Mỹ.

Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hạn chế cấp visa cho sinh viên quốc tế tới Harvard

Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hạn chế cấp visa cho sinh viên quốc tế tới Harvard

Theo thông báo từ Nhà Trắng, ngày 4/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hạn chế việc cấp thị thực (visa) cho sinh viên nước ngoài đăng ký học tại Đại học Harvard. Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa chính quyền của Tổng thống Trump với ngôi trường danh tiếng có tuổi đời gần 400 năm.

Nắng nóng kỷ lục đầu mùa hè 2025: Báo động đỏ từ biến đổi khí hậu toàn cầu

Nắng nóng kỷ lục đầu mùa hè 2025: Báo động đỏ từ biến đổi khí hậu toàn cầu

Việc các khu vực Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á đang đối mặt với đợt nắng nóng gay gắt kỷ lục đầu mùa hè năm 2025 được cho là biểu hiện rõ rệt của biến đổi khí hậu toàn cầu và đưa lại những hệ lụy nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp, chuỗi cung ứng thực phẩm và an ninh năng lượng trên thế giới.

fb yt zl tw