Người phát ngôn điện Kremlin, Dmitry Peskov phát biểu tại Moskva, Nga.
“Điều đó chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng căng thẳng gia tăng giữa Nga và Phần Lan”, hãng thông tấn TASS dẫn lời người phát ngôn Peskov khi ông bình luận về quyết định của Helsinki ký thỏa thuận quốc phòng với Washington.
"Chúng tôi rất lấy làm tiếc về hành động này vì chúng tôi từng có mối quan hệ tuyệt vời với Phần Lan. Cả hai chúng tôi đều không đe dọa đối phương, không có vấn đề gì và không có yêu sách nào chống lại nhau vì chúng tôi không xâm phạm lợi ích của nhau mà thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau”, người phát ngôn Peskov lưu ý.
Theo nhà chức trách, giờ đây Phần Lan đã trở thành thành viên NATO và cơ sở hạ tầng quân sự của NATO sẽ tiến vào Phần Lan, vì vậy điều đó chắc chắn sẽ trở thành một mối đe doạ đối với Nga.
Trước đó, chính phủ Phần Lan công bố kế hoạch dự kiến ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng (DCA) với Mỹ vào ngày 18/12. Báo địa phương Helsingin Sanomat đưa tin theo thỏa thuận, Phần Lan sẽ cấp cho Mỹ quyền tiếp cận 15 căn cứ ở quốc gia Bắc Âu này. Thỏa thuận nêu rõ Mỹ cũng sẽ được phép triển khai thiết bị quân sự, tiến hành huấn luyện và điều động máy bay, tàu và phương tiện chiến đấu.
Theo đài truyền hình Phần Lan Yle, Bộ trưởng Quốc phòng Antti Hakkanen cho biết vũ khí hạt nhân không bị loại trừ khỏi DCA song Phần Lan cũng sẽ không hành động để vi phạm Đạo luật Năng lượng Hạt nhân của Phần Lan, vốn cấm nhập khẩu và sở hữu vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ nước này.
Một số thành viên NATO khác, bao gồm Latvia, Litva, Na Uy và Estonia, đã ký các thỏa thuận song phương với Mỹ. Trong khi đó, Đan Mạch và Thụy Điển đang đàm phán với Washington về vấn đề này.
Các cuộc đàm phán Phần Lan-Mỹ về thỏa thuận kéo dài từ tháng 8/2022 đến tháng 10/2023. Nhiều chuyên gia Phần Lan tỏ ra hoài nghi về văn kiện này, cho rằng Phần Lan đang từ bỏ một biện pháp tốt về chủ quyền của mình. Tuy nhiên, động thái này chưa gây ra bất kỳ cuộc tranh luận công khai nào trong nước.