LCĐT - Những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn quan tâm, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), góp phần bảo đảm an toàn, tính mạng, sức khỏe của người lao động, nâng cao văn hóa an toàn trong lao động, sản xuất và kỹ năng làm việc trong thời kỳ hội nhập.
Không ngừng cải thiện điều kiện làm việc
Toàn tỉnh có khoảng 2.000 doanh nghiệp hoạt động, sử dụng 62.500 lao động, trong đó có 32 doanh nghiệp nhà nước, sử dụng 10.800 lao động; 35 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, sử dụng 3.500 lao động; 1.833 doanh nghiệp dân doanh sử dụng 48.200 lao động. Hiện 100% doanh nghiệp nhà nước và nhiều doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác đã thành lập được hội đồng an toàn, vệ sinh lao động, bố trí cán bộ làm công tác ATVSLĐ chuyên trách hoặc bán chuyên trách; xây dựng kế hoạch công tác ATVSLĐ hằng năm gắn với kế hoạch sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư cải thiện điều kiện lao động, sử dụng thiết bị, công nghệ mới, từng bước cơ giới hóa và tự động hóa, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công tác ATVSLĐ, phòng, chống cháy nổ (PCCN). Các chế độ, quyền lợi của người lao động về ATVSLĐ được quan tâm như huấn luyện ATVSLĐ, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, tổ chức khám sức khỏe định kỳ; giảm giờ làm đối với lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm...
![]() |
Công nhân Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt - Trung được trang bị bảo hộ lao động đầy đủ khi tham gia sản xuất. Ảnh: Ba Zin |
Trong 5 năm (2013 - 2018), toàn tỉnh có gần 76.500 lượt người lao động được huấn luyện ATVSLĐ, trong đó có hơn 24.000 người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ được cấp thẻ an toàn lao động; kinh phí thực hiện công tác ATVSLĐ của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hơn 353 tỷ đồng.
Ông Hoàng Ngọc Minh, Giám đốc Chi nhánh Luyện đồng Lào Cai cho biết, để làm tốt công tác ATVSLĐ, chi nhánh áp dụng mô hình quản trị tinh gọn 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc và sẵn sàng) vào công tác quản lý, tổ chức sản xuất. Toàn bộ hệ thống nhà xưởng, kho tàng được chuẩn hóa giúp người lao động nâng cao tâm thế, trách nhiệm với công việc, đảm bảo an toàn trong lao động.
Các đơn vị, doanh nghiệp đã khám sức khỏe định kỳ cho hơn 70.000 lượt người lao động; đo kiểm tra môi trường lao động tại 156 doanh nghiệp. Ý thức tự giác chấp hành biện pháp làm việc an toàn và giữ gìn sức khỏe của người lao động được nâng cao, qua đó ngăn ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Số vụ và số người lao động bị tai nạn lao động giảm so với giai đoạn 2008 - 2012 (giảm 35,8% về số vụ và 42,9% về số người bị tai nạn lao động, không có phát sinh bệnh nghề nghiệp). Các đơn vị tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ - PCCN và Tháng hành động về ATVSLĐ; cấp phát hàng chục nghìn cuốn sách, tài liệu, áp phích, tờ rơi tuyên truyền; tổ chức hơn 380 lớp tập huấn, huấn luyện về ATVSLĐ, PCCN, quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cho hơn 25.356 lượt người lao động, cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, cán bộ làm công tác ATVSLĐ và người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh.
Bà Đinh Thị Hưng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định: Nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp, người lao động và người dân về pháp luật lao động nói chung, pháp luật và quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy phạm ATVSLĐ - PCCN được nâng lên rõ rệt. Các doanh nghiệp không ngừng cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm chế độ, quyền lợi người lao động. Môi trường, điều kiện lao động và việc thực hiện chính sách, chế độ, tiêu chuẩn ATVSLĐ đối với người lao động trong doanh nghiệp, cơ sở được quan tâm.
Từng bước kiểm soát tốt môi trường lao động
Để làm tốt công tác bảo đảm ATVSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tỉnh Lào Cai đề ra mục tiêu đến năm 2020, có hơn 90% chủ sử dụng lao động và người lao động biết và thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình đối với công tác ATVSLĐ, đảm bảo sức khỏe, môi trường làm việc cho người lao động; hằng năm giảm 5% tần suất tai nạn lao động chết người.
Cũng theo bà Đinh Thị Hưng, các cấp, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp và chủ sử dụng lao động phải tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, công chức, người sử dụng lao động, người lao động và người dân trong thực hiện công tác ATVSLĐ; tập trung đào tạo, nâng cao kỹ năng phòng tránh tai nạn lao động, phòng tránh thiên tai, bảo đảm ATVSLĐ. Các đơn vị cần thực hiện hiệu quả các hoạt động phòng ngừa, quản lý rủi ro, chính sách, chế độ và quy chuẩn trong quản lý ATVSLĐ; tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ trong các doanh nghiệp, cơ sở, đặc biệt là các doanh nghiệp có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
![]() |
Đảm bảo an toàn lao động là trách nhiệm, nghĩa vụ của người lao động. Ảnh: Ba Zin |
Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác quản lý sức khỏe nghề nghiệp, cải thiện môi trường, điều kiện lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; kịp thời phát hiện, loại trừ các yếu tố có hại đến sức khỏe người lao động, từng bước kiểm soát tốt môi trường lao động. Tăng cường năng lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh; rà soát, kiện toàn, nâng cao năng lực tổ chức bộ máy, biên chế, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực thanh tra lao động, bộ phận quản lý nhà nước về ATVSLĐ... đáp ứng yêu cầu công tác ATVSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.