Tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ năm 2024 được triển khai với chủ đề “Thu hẹp khoảng cách - hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ cho tất cả các bà mẹ - kết nối vòng tay yêu thương” nhằm đẩy mạnh hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ cho tất cả các bà mẹ, giảm bất bình đẳng trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.
Tại Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương, trung bình mỗi tháng, các bác sỹ đón tay an toàn khoảng 70 trẻ. Sau khi chị Giàng Thị Chay, thôn Ngải Thầu xã Dìn Chin “vượt cạn” an toàn, trở về phòng bệnh, bác sỹ Vương Thị Hướng, Phó Trưởng Khoa Sản đã trực tiếp đến hướng dẫn chị cách cho trẻ bú và dặn dò về tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ. Nhờ đó, chị Chay biết cách để trẻ hợp tác bú mẹ, cho con hưởng dòng sữa non sớm nhất.
Bác sỹ Hướng là nữ cán bộ y tế dân tộc Nùng, sinh ra và lớn lên ở huyện Mường Khương, am hiểu phong tục, tập quán, đời sống của người dân vùng cao. Bác sỹ Hướng tâm sự: Nhiều bà mẹ ở vùng cao chưa hiểu hết tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ, sản phụ thường đi làm sớm sau sinh và cho trẻ ăn dặm từ rất sớm. Để thay đổi hành vi, cách chăm sóc trẻ của nhiều sản phụ, chúng tôi luôn chú trọng tuyên truyền, thông tin cho phụ nữ có thai về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ, hướng dẫn giúp các bà mẹ cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh, cách cho trẻ bú và duy trì nguồn sữa mẹ; khuyến cáo không nuôi dưỡng trẻ dưới 6 tháng tuổi bằng thức ăn, nước uống ngoài sữa mẹ, trừ khi có chỉ định của y tế…
Không chỉ tuyên truyền cho bà mẹ, những cán bộ y tế Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương còn tuyên truyền đến đối tượng là chồng, người thân của sản phụ...
Nhiều năm qua, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đều triển khai thực hiện Thông tư 38 ngày 31/10/2016 của Bộ Y tế quy định một số biện pháp thúc đẩy việc nuôi con bằng sữa mẹ tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Nội dung tuyên truyền về lợi ích nuôi con bằng sữa mẹ được y tế cơ sở triển khai, lồng ghép trong nhiều hoạt động. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc sau sinh tại nhà trong vòng 42 ngày sau đẻ trong 6 tháng đầu năm đạt 78,5%. Chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời góp phần đảm bảo việc hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ cho tất cả bà mẹ, đặc biệt các bà mẹ thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tại Lào Cai, 56 mô hình 1.000 ngày đầu đời cho bà mẹ, trẻ em đang được duy trì và tổ chức tốt các hoạt động. Các đơn vị y tế đã tổ chức các buổi truyền thông dinh dưỡng và thực hành dinh dưỡng cho hàng chục nghìn lượt phụ nữ mang thai và người chăm sóc trẻ. Nhờ những nỗ lực đó, tỷ lệ bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, đặc biệt là bà mẹ ở vùng cao, được nâng lên.
Theo nghiên cứu y tế, trong sữa mẹ có đầy đủ các chất dinh dưỡng như protein, glucid, lipid, các vitamin và chất khoáng. Các chất này có tỷ lệ thích hợp và dễ hấp thu, do đó đảm bảo được nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ để phát triển một cách bình thường trong vòng 6 tháng đầu. Khi bà mẹ có chế độ ăn uống hợp lý và đầy đủ, lượng vi chất dinh dưỡng như vitamin và các khoáng chất trong sữa mẹ sẽ đảm bảo tình trạng đầy đủ vi chất dinh dưỡng cho trẻ. Sữa mẹ được ví như “liều vắc-xin đầu tiên” cho trẻ vì dinh dưỡng trong sữa mẹ góp phần thúc đẩy hoàn thiện hệ thống miễn dịch ở trẻ sơ sinh. Mỗi người khi làm cha, làm mẹ đều cần trang bị kiến thức cho mình để trẻ sinh ra được chăm sóc, nuôi dưỡng đúng cách ngay từ khi chào đời.