Y Tý là xã vùng cao xa xôi, đặc biệt khó khăn của huyện Bát Xát. Ở nơi hẻo lánh ấy, những người phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số phải gánh trên mình biết bao nhọc nhằn, vất vả. Do những tập tục lạc hậu ăn sâu vào nhận thức, nên người phụ nữ bị bó buộc ngay trong chính gia đình. Định kiến giới khiến chị em lấy chồng từ sớm, ngại ngần tham gia hoạt động xã hội, quyền quyết định trong gia đình bị hạn chế. Kể từ năm 2022, công tác bình đẳng giới ở địa phương có thêm phần thuận lợi khi Dự án 8 được triển khai tại 7 thôn của xã.
Theo chị Sần Thó Mơ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Y Tý, nhờ tham gia các lớp tập huấn về Dự án 8, chị hiểu rõ hơn vai trò, khái niệm cơ bản về giới, dấu hiệu nhận biết bất bình đẳng giới. Những thông tin, kiến thức nắm được giúp chị tự tin trong triển khai các nội dung của Dự án 8; tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc lồng ghép, giải quyết các vấn đề về giới trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; giúp hội viên, phụ nữ có điều kiện vươn lên, mạnh dạn tham gia đóng góp ý kiến vào giải quyết các vấn đề xã hội…
Trong 2 năm qua, chị Hoàng Thị Hằng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tả Phời, thành phố Lào Cai tích cực tham gia các lớp tập huấn về Dự án 8 do các cấp hội phụ nữ tổ chức. Chị Hằng cho biết: “Thông qua các lớp tập huấn, tôi có thêm tài liệu và kỹ năng để tổ chức các hoạt động, mô hình ở địa phương. Việc trau dồi kiến thức giúp bản thân tôi nâng cao trình độ năng lực trong triển khai Dự án 8 tại cơ sở”.
Xã Tả Phời có 2 thôn đặc biệt khó khăn được thụ hưởng Dự án 8, gồm Xéo Tả 1- nơi sinh sống của đồng bào Dao và Láo Lý - nơi sinh sống của đồng bào Xá Phó. Hiện nay, ở 2 thôn đều thành lập tổ truyền thông cộng đồng; toàn xã có 1 mô hình câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”. Hiểu rõ mục đích, vai trò và cách thức tổ chức, các cán bộ hội phụ nữ xã chủ động tham gia, triển khai hiệu quả các hoạt động, mô hình để các đối tượng được đảm bảo quyền thụ hưởng.
Mới đây nhất, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức tập huấn đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn, bản theo Sổ tay hướng dẫn của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với sự tham gia của 100 đại biểu là cán bộ hội phụ nữ cấp huyện, xã. Chị Triệu Thị Mấy, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nậm Dạng, huyện Văn Bàn là một trong số đó.
Theo chị Mấy, hiện trên địa bàn xã có 4 thôn thụ hưởng Dự án 8. Hội hiện có 300 hội viên phụ nữ, trong đó, hội viên là đồng bào dân tộc Dao đỏ chiếm đa số. Trước đây, trong cộng đồng dân tộc thiểu số, câu chuyện phân biệt giới trong gia đình vẫn còn nặng nề. Cũng như bao khu vực vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khác trong tỉnh, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” của đồng bào đã khiến vị thế, vai trò của người phụ nữ bị hạn chế, kéo theo đó là những câu chuyện buồn khác như lấy vợ, lấy chồng sớm, sinh đông con, phụ nữ không được làm chủ kinh tế gia đình.
Từ năm 2022 đến nay, Hội Phụ nữ xã chưa chủ trì tổ chức được hoạt động đối thoại chính sách. Chị Mấy chia sẻ: Tham gia tập huấn tôi được cung cấp kiến thức cơ bản về giới, xác định được các vấn đề giới tại địa phương, nắm được quy trình tổ chức cuộc đối thoại chính sách cấp xã, cụm thôn bản. Đây là cơ sở để Hội Phụ nữ xã sớm triển khai hoạt động đối thoại chính sách trong thời gian tới, qua đó đảm bảo tiếng nói, vai trò và sự tham gia thực chất của phụ nữ trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tại cơ sở và giám sát thực hiện bình đẳng giới trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia.
Tính đến thời điểm này, các cấp hội phụ nữ tổ chức trên 50 lớp tập huấn hướng dẫn thành lập và vận hành các mô hình, câu lạc bộ cho trên 3.000 lượt người, trong đó có đội ngũ cán bộ hội phụ nữ các cấp; 9 lớp tập huấn đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn, bản cho gần 400 cán bộ hội. Ngoài ra, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức 1 lớp nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị cho gần 50 đại biểu; có trên 670 cán bộ thôn, xã được tập huấn hướng dẫn về giám sát và về bình đẳng giới; trên 560 cán bộ cấp huyện, xã được tập huấn lồng ghép giới theo Chương trình 2, trong đó phần lớn là cán bộ hội phụ nữ các cấp.
Hoạt động tập huấn được các cấp hội phụ nữ quan tâm triển khai không chỉ giúp đội ngũ cán bộ hội nắm rõ chủ trương của Đảng, Nhà nước, mục đích của Dự án 8 mà còn trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng để hiện thực hóa các nội dung hoạt động tại cơ sở. Đây cũng là dịp để cán bộ hội được giải đáp thắc mắc, giúp công tác triển khai ở cơ sở thuận lợi hơn. Việc quan tâm nâng cao năng lực giúp cán bộ hội phụ nữ tự tin, vững vàng hơn trong công tác chuyên môn, giúp Dự án 8 đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả bền vững.