Ngày 18/4/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 880 về việc phê duyệt Mô hình thí điểm xử lý và trữ nước nhỏ lẻ tại hộ gia đình khu vực nông thôn góp phần đảm bảo môi trường sống an toàn, bền vững, bảo vệ sức khoẻ, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân khu vực nông thôn. Theo đó, UBND tỉnh giao cho Chi cục Thủy lợi xây dựng mô hình thí điểm xử lý và trữ nước sinh hoạt quy mô hộ gia đình tại 20 hộ dân ở khu vực không đủ điều kiện đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt tập trung thuộc xã Hoàng Thu Phố (Bắc Hà) và xã Hòa Mạc (Văn Bàn). Mô hình được đầu tư bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023 và đối ứng của các hộ.
Ông Nguyễn Quang Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Mặc dù là mô hình thí điểm nhưng có ý nghĩa rất quan trọng, bởi đây là giải pháp căn cơ để giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt hợp vệ sinh tại những nơi không có điều kiện đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt tập trung.
Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi, toàn tỉnh hiện có 839 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn, phục vụ hơn 180.000 người dân, đáp ứng được hơn 30% số dân cư khu vực nông thôn. Qua điều tra của các cơ quan chuyên môn, hiện toàn tỉnh có khoảng 57.000 hệ thống cấp nước nhỏ lẻ hộ gia đình nhưng gần như không có hệ thống xử lý đảm bảo chất lượng nước sử dụng. Trong đó, có 5.343 hệ thống, tương ứng với 22.440 nhân khẩu hiện đang sử dụng nguồn nước được đánh giá là không hợp vệ sinh, chiếm 4% số hộ dân nông thôn toàn tỉnh. Những con số này đang tác động không nhỏ đến tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2025. Bởi theo Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, điều kiện đạt tiêu chí đối với xã hoàn thành nông thôn mới là: “Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn ≥30%, trong đó ≥10% từ hệ thống cấp nước tập trung”.
Thực tế trên đòi hỏi cần có giải pháp giúp người dân nông thôn được sử dụng nguồn nước đã qua xử lý, có dụng cụ trữ nước đảm bảo có nước sử dụng liên tục, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trên thị trường có nhiều hệ thống lọc tiên tiến, tuy nhiên khó bảo dưỡng, sửa chữa, thường xuyên phải thay vật liệu lọc, độ bền thấp không phù hợp với thu nhập cũng như sinh hoạt của người dân nông thôn. Vì vậy, việc lựa chọn và xây dựng các mô hình xử lý và trữ nước sinh hoạt phù hợp tại hộ gia đình khu vực nông thôn là một giải pháp hiệu quả đảm bảo duy trì và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân
Xuất phát từ điều kiện địa hình, nhu cầu của người dân, Chi cục Thủy lợi đã tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh xây dựng mô hình thí điểm về xử lý nước và trữ nước hộ gia đình tại xã Hòa Mạc và xã Hoàng Thu Phố. Đối với Hoàng Thu Phố - xã đặc biệt khó khăn và là 1 trong 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo nhất của tỉnh, phần lớn diện tích là núi đá, nguồn nước sinh hoạt của người dân bị nhiễm đá vôi cao ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong khi đó, điều kiện kinh tế khó khăn nên hầu hết hộ dân chưa đầu tư thiết bị lọc nước, mà nước được dẫn trực tiếp từ các khe suối về bể chứa, để lắng và sử dụng.
Đối với xã Hòa Mạc, hiện nay công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại một số thôn đã hư hỏng làm ảnh hưởng đến chất lượng cấp nước. Đặc biệt, tại khu vực thôn Làng Nòm, các hộ dân đều lấy nước từ khe về sử dụng trong khi khu vực đầu nguồn, bà con sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật, việc thu gom và xử lý chưa đúng quy trình gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước. Ông La Văn Thành - người dân thôn Làng Nòm cho biết vẫn biết nguồn nước sử dụng của các hộ dân trong thôn có thể bị ô nhiễm do trong quá trình canh tác người dân không thực hiện việc thu gom và xử lý bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định.
Qua khảo sát thực tế và lấy ý kiến của người dân, Chi cục Thủy lợi đã lựa chọn được mô hình xử lý và trữ nước hợp vệ sinh phù hợp với trình độ tiếp cận, sử dụng của người dân địa phương, với vật liệu thông dụng, đơn giản, giá cả hợp lý.
Mô hình thí điểm về xử lý và trữ nước nhỏ lẻ tại hộ gia đình khu vực nông thôn có tổng kinh phí đầu tư là 580 triệu đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước là 400 triệu đồng, phần còn lại là đối ứng của các hộ dân. Phần ngân sách nhà nước hỗ trợ cho một hộ gồm: 1 thùng inox dung tích 1.500 lít chứa vật liệu lọc; 1 thùng nhựa 200 lít chứa nước sạch; 85 kg than hoạt tính; van, vòi nước và phụ kiện kèm theo. Mỗi gia đình đối ứng bằng nhân công vận chuyển và khai thác 1 m3 cát vàng, sỏi rửa sạch.
Để triển khai mô hình, Chi cục Thủy lợi đã tổ chức 2 lớp tập huấn (với 100 học viên ở 2 xã tham gia) về phương pháp xử lý trữ nước hộ gia đình và lựa chọn một số hộ tham gia mô hình; tổ chức 2 lớp tập huấn, hướng dẫn sử dụng, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống cho cán bộ thôn và các gia đình tham gia mô hình thí điểm (với 30 người tham gia). Kết quả, 100% số người tham gia hiểu rõ phương pháp xử lý và trữ nước hộ gia đình, thấy được tầm quan trọng của nước sạch đối với sức khỏe con người và đồng thuận cao trong hoạt động của chương trình, góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới bền vững.
Tại mỗi địa điểm triển khai mô hình, cán bộ kỹ thuật của Chi cục Thủy lợi trực tiếp tư vấn điểm lắp đặt thiết bị lọc phù hợp với nhu cầu sử dụng của các hộ. Thùng chứa vật liệu lọc được thiết kế ở cao hơn, có độ dốc khoảng 7% đến 10%, tạo dòng nước chảy sau lọc. Bên trong bồn inox chứa vật liệu lọc, lớp cát dày khoảng 60 cm có tác dụng lọc thô, lọc các thành phần lơ lửng có kích thước hạt nhỏ, tạo ra lớp “màng lọc” hỗ trợ cho quá trình lọc. Lớp than hoạt tính dày 20 cm có tác dụng loại bỏ từ 60% đến 80% hóa chất trong nước; loại bỏ toàn bộ 32 chất gây ô nhiễm hữu cơ đã được xác định, bao gồm cả sản phẩm phụ từ clo; loại bỏ 14 loại thuốc trừ sâu, 12 loại thuốc diệt cỏ phổ biến và nhiều hóa chất khác. Lớp sỏi dày khoảng 30 cm có tác dụng không để vật liệu lọc rơi vào ống lọc. Các vật liệu lọc này được sắp xếp, tính toán lưu lượng nước xử lý theo cấu tạo, nguyên lý hoạt động của bể lọc chậm.
Sau 5 tháng triển khai mô hình, từ rà soát, đánh giá thực tế, lấy ý kiến người dân, thi công lắp đặt, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật vận hành, đến nay các hộ đều sử dụng ổn định và đánh gia cao hiệu quả do mô hình mang lại. Hệ thống xử lý nước dùng bồn inox đảm bảo sử dụng được lâu dài, các vật tư bằng PVC dễ sửa chữa và thay thế khi hỏng, vật liệu như cát, sỏi, than hoạt tính có thể sử dụng nhiều năm nên đảm bảo tính ổn định của hệ thống. Hệ thống dễ sử dụng, lắp đặt, sửa chữa, bảo dưỡng và không sử dụng điện nên người dân khu vực vùng sâu có thể dễ thực hiện các mô hình tương tự nhỏ gọn hơn với giá cả hợp lý. Bằng các máy đo test nhanh và các thiết bị hiện có, Chi cục Thủy lợi đã thử nghiệm 11 thông số của một số mẫu nước đầu vào và đầu ra của hệ thống để đánh giá, cho thấy một số thông số giảm rõ nhất là độ đục, độ cứng, mùi vị, màu sắc.
Ông Trần Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Hoàng Thu Phố cho biết: Người dân 3 thôn được hưởng lợi là Chồ Chải, Hoàng Hạ và Tả Thồ 2 rất phấn khởi và đánh giá cao mô hình xử lý trữ nước hợp vệ sinh do Chi cục Thủy lợi triển khai.
Từ kết quả mô hình thí điểm về xử lý và trữ nước nhỏ lẻ tại hộ gia đình khu vực nông thôn mới tại 2 xã Hoàng Thu Phố và Hòa Mạc, Chi cục Thủy lợi đề xuất xem xét nhân rộng mô hình ở các xã vùng cao, bởi hệ thống xử lý nước đơn giản, có thể tận dụng các vật tư, vật liệu hiện có, phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân. Chi cục Thủy lợi sẽ cụ thể hóa thành tài liệu tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật, hướng dẫn các hộ dân có thể tự đầu tư, lắp đặt mô hình xử lý nước tại gia đình. Cách làm này giúp Lào Cai hướng đến mục tiêu đến năm 2025 có hơn 97% số hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, 50% số hộ sử dụng nước đạt tiêu chuẩn chất lượng nước sinh hoạt theo quy chuẩn.