Ngày 26/11/2024, Trạm Y tế thị trấn Mường Khương đã tiếp nhận bệnh nhi học lớp mẫu giáo 3 tuổi, Trường Mầm non số 2 thị trấn Mường Khương đến khám có dấu hiệu phát ban dạng sởi.
Nhận được thông tin, Trung tâm Y tế huyện Mường Khương đã nhanh chóng tiến hành điều tra, xác minh và lấy mẫu bệnh phẩm gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh xét nghiệm vào hồi 13 giờ cùng ngày. Đến 11 giờ 25 phút ngày 27/11/2024 có kết quả xét nghiệm, theo đó, mẫu bệnh phẩm dương tính với bệnh sởi.
Trung tâm Y tế huyện Mường Khương đã phối hợp với Trạm Y tế thị trấn điều tra thông tin trường hợp nghi mắc bệnh sởi; hướng dẫn người nhà bệnh nhân các biện pháp vệ sinh phòng, chống dịch bệnh, tiến hành phun khử khuẩn tại Trạm Y tế thị trấn và tại nhà bệnh nhân; phun khử khuẩn môi trường, lớp học, bếp ăn bán trú tại nhà trường. Đồng thời, phối hợp với trường học theo dõi tình hình sức khoẻ của các học sinh có tiếp xúc với ca bệnh.
Để chủ động ứng phó với bệnh sởi, UBND huyện Mường Khương đã sớm ban hành kế hoạch, yêu cầu Trung tâm Y tế, các ban, ngành, đoàn thể và đơn vị liên quan chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện ứng phó với bệnh dịch; triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động phòng và kiểm soát lây nhiễm sởi trên địa bàn.
Trung tâm Y tế huyện rà soát trẻ từ 1 đến 5 tuổi, lập danh sách, rà soát tiền sử tiêm chủng của trẻ, khẩn trương tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ khi có vắc-xin.
Bệnh viện Đa khoa huyện thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng và tử vong.
Các nhà trường trên địa bàn huyện Mường Khương cũng đang phối hợp với Trung tâm Y tế huyện tăng cường quản lý trẻ; thực hiện truyền thông đến học sinh, phụ huynh về bệnh sởi, đường lây truyền các bệnh truyền nhiễm và lợi ích của tiêm chủng phòng bệnh sởi để phụ huynh đồng thuận tham gia.
Các biện pháp phòng bệnh sởi:
1. Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc-xin sởi đi tiêm đầy đủ và đúng lịch.
2. Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.
3. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hằng ngày, đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ; tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
4. Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, nơi tập trung đông trẻ em cần giữ vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.
5. Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.