LCĐT - Hưởng ứng “Phong trào sản xuất chè” năm 2022, người dân huyện Mường Khương đang thi đua đẩy nhanh tiến độ làm đất, trồng chè.
Huyện Mường Khương dẫn đầu toàn tỉnh về sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Trong 5 loại cây trồng chủ lực thì huyện Mường Khương có 4 loại cây (dứa, chuối, chè, quế) với tổng diện tích trên 8.000 ha. Riêng cây chè chiếm 50% diện tích cây trồng chủ lực của huyện. Từ đầu năm đến nay, sản lượng chè búp của huyện Mường Khương đạt trên 16.000 tấn, cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định cho 7 nhà máy chế biến chè. Sản phẩm chế biến từ chè Mường Khương được cung ứng ra thị trường trong nước với giá tương đối ổn định. Bình quân giá bán 350.000 đồng/kg chè khô. Chè Mường Khương xuất khẩu chủ yếu sang các nước Đông Âu, Trung Đông, Đài Loan, nguồn thu hơn 100 tỷ đồng/năm.
Những năm qua, cả hệ thống chính trị và các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện chủ động liên kết tiêu thụ, tiếp thêm niềm tin, động lực cho người dân trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng sang phát triển cây chè.
Năm 2022, huyện Mường Khương được UBND tỉnh giao trồng 860 ha chè. Nhờ hiệu quả từ cây chè mang lại, người dân các xã trên địa bàn huyện đăng ký trồng trên 897 ha (bằng 104% kế hoạch). Ban Chỉ đạo phát triển nông nghiệp hàng hóa huyện đã tổ chức phát động “Phong trào sản xuất chè” năm 2022 ngay đầu tháng 8 và phấn đấu trồng xong toàn bộ diện tích của năm trong tháng 10/2022.
Hưởng ứng phong trào trồng chè, gia đình anh Lỳ A Phìn, thôn Thịnh Ổi, xã Bản Sen đã phát dọn, chuyển đổi hơn 3.000 m2 đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng chè. Đến nay, gia đình anh đã làm xong đất, đào rạch và chuẩn bị xuống giống. Anh Lý A Phìn cho biết: Những năm qua, cây chè đã cho thấy hiệu quả về kinh tế hơn các loại cây trồng khác. Dù gia đình có diện tích chè không lớn nhưng mỗi năm đều có thu nhập ổn định hơn 50 triệu đồng, nên khi huyện phát động, gia đình tôi quyết định mở rộng diện tích chè.
Xã Bản Sen hiện có 735 ha chè, trong đó hơn 500 ha đang cho thu hoạch, sản lượng trung bình 13 tấn/ha/năm. Với giá bán trung bình 6.000 đồng/kg chè búp tươi, mỗi năm người dân Bản Sen thu về khoảng 39 tỷ đồng. Năm 2022, xã đăng ký trồng mới 15 ha chè, đến nay chuẩn bị được hơn 7 ha đất, sẵn sàng trồng khi có giống chè.
Ông Châu Xuân Thắng, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển nông nghiệp hàng hóa xã Bản Sen cho biết: Sau Lễ phát động “Phong trào sản xuất chè” năm 2022 với sự tham gia của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, người dân xã Bản Sen được tiếp thêm động lực để tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất cây chè. Xã đôn đốc người dân đẩy nhanh tiến độ trồng mới, đồng thời tiếp tục chăm sóc, khai thác hiệu quả diện tích chè sẵn có. Hiện nay, khoảng 80% hộ tham gia sản xuất chè với thu nhập bình quân 6 đến 7 triệu đồng/tháng, cá biệt có hộ thu nhập khoảng 35 triệu đồng/tháng.
Năm 2022, người dân xã Bản Lầu đăng ký trồng mới 95 ha chè, diện tích này chủ yếu được chuyển đổi từ đất đang trồng chuối, dứa kém hiệu quả tại thôn Na Lốc. Từ sau lễ phát động phong trào sản xuất chè năm 2022 của huyện, đến nay người dân đã trồng được 30 ha. Toàn bộ diện tích trồng chè mới của xã dự kiến hoàn thành trong trung tuần tháng 10.
Chị Sùng Dín, thôn Na Lốc 2, xã Bản Lầu là gia đình mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng dứa sang trồng cây chè. Trước đây, khu đất trồng khoảng 4 vạn cây dứa, mang về nguồn thu khoảng 100 triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, thời gian qua giá dứa quả bấp bênh, cùng với việc trồng dứa mất nhiều công chăm sóc và phân bón nên chị Dín quyết định chuyển đổi cây trồng. Chị Dín cho biết: Trước mắt, tôi triển khai trồng chè trên một nửa diện tích đất và vận động người dân trong thôn cùng chuyển đổi. Tôi tin cây chè sẽ sớm bén đất và mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho người dân thôn Na Lốc 2.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương, đến hết tháng 8/2022, người dân trên địa bàn huyện trồng mới hơn 100 ha chè. Hiện nay, người dân tiếp tục làm đất, đào rạch, bón lót và chuẩn bị các điều kiện để đẩy nhanh tiến độ trồng chè.