Thời điểm này, đến thị trấn Mường Khương và các xã Tung Chung Phố, Nậm Chảy, Lùng Khấu Nhin, Nấm Lư, không khó để bắt gặp những nương quýt sai trĩu quả, chín vàng rực. Khắp nơi, nông dân rộn ràng bước vào vụ thu hoạch quýt sen.
Theo những nông hộ trồng quýt ở Mường Khương, vụ thu hoạch quýt sen bắt đầu từ đầu tháng 10 nhưng đến cuối tháng 11 dương lịch mới bước vào đợt cao điểm. Năm nay, quýt sen Mường Khương tiếp tục được mùa, giá bán ổn định, là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện.
Vườn quýt sen của gia đình chị Lục Thị Thương, thôn Tả Chư Phùng, xã Tung Chung Phố thời điểm này đã chín vàng rực. Mỗi ngày, chị Thương thu hoạch khoảng 1,5 - 2 tạ quýt để gửi cho các đầu mối tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Vừa gửi quýt cho các đầu mối quen, chị Thương vừa tận dụng sức lan tỏa của mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu, giúp việc tiêu thụ quýt được thuận lợi.
Chị Thương chia sẻ: Vườn quýt của gia đình có hơn 1.000 gốc, dự kiến năm nay cho thu hoạch khoảng 4 - 5 tấn quả, bán được khoảng 100 triệu đồng.
Tương tự, vườn quýt sen trĩu quả của gia đình ông Lù Dìn Phủ, thôn Lao Chải, thị trấn Mường Khương cũng đã chín vàng. Suốt 1 tháng trở lại đây, vườn quýt của gia đình ông Phủ lúc nào cũng tấp nập người đến tham quan, trải nghiệm hái và thưởng thức những quả quýt sen chín mọng. Gia đình vừa niềm nở chào đón du khách, vừa tất bật thu hoạch quýt để bán cho thương lái, gửi cho các mối khách quen trong và ngoài tỉnh.
Xác định việc đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ giúp nâng cao giá trị, đảm bảo phát triển “nghề” trồng quýt bền vững, gia đình ông Phủ đã đầu tư hệ thống tưới nước tự động, tiết kiệm; không sử dụng thuốc trừ cỏ trong canh tác quýt.
Đồng thời, ông Phủ sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật khác trong danh mục được cho phép theo nguyên tắc “4 đúng”. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn quýt của gia đình ông Phủ luôn sai quả, mọng nước, vị ngọt, mẫu mã đẹp, được thị trường ưa chuộng.
Ông Phủ chia sẻ: Vườn quýt của gia đình chủ yếu từ 10 – 11 năm tuổi, ở độ tuổi này cây sẽ cho sản lượng tốt nhất, vị ngọt nhất, mẫu mã đẹp nhất.
Phần lớn quýt sau khi thu hoạch sẽ được gia đình ông Phủ chở ra quốc lộ để gửi xe khách vận chuyển đến các đầu mối ở thành phố Lào Cai và Hà Nội; phần còn lại các tiểu thương đến thu mua tận vườn nên hầu như không phải mang quýt đi bán lẻ.
Khác với chị Thương, ông Phủ và những hộ trồng quýt với diện tích lớn, nhiều hộ trồng quýt sen nhỏ lẻ chọn phương án thu hoạch để bán lẻ tại các khu chợ và các tuyến đường trên địa bàn thị trấn Mường Khương. Nhiều tiểu thương cũng mua lại quýt của các nhà vườn để bán cho người tiêu dùng.
Khắp thị trấn và các xã vùng thấp của huyện Mường Khương, đâu đâu cũng có thể bắt gặp những sạp quýt vàng rực, chín mọng như lời mời gọi hấp dẫn đối với người tiêu dùng.
Được biết, toàn huyện Mường Khương hiện có trên 800 ha quýt, trong đó có trên 400 ha quýt đang cho thu hoạch. Phần lớn diện tích quýt tại Mường Khương là giống quýt sen, thời vụ thu hoạch chính là tháng 11 dương lịch hàng năm.
Dự kiến sản lượng quýt toàn huyện Mường Khương năm 2024 đạt trên 4.000 tấn, với giá bán trung bình từ 12 - 25 nghìn đồng/kg tùy loại, nông dân huyện Mường Khương có nguồn thu lớn từ trồng quýt.
Bên cạnh việc duy trì, cải tạo, mở rộng diện tích trồng, đặc biệt là quýt sen, ngành nông nghiệp và các đơn vị liên quan trên địa bàn huyện Mường Khương còn tập trung thực hiện công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, kêu gọi, thu hút đầu tư chế biến giúp ngành trồng quýt trên địa bàn huyện ngày càng phát triển bền vững.