Khi nước lũ rút hẳn, bãi bồi ven bờ sông Hồng đoạn chảy qua địa phận xã Trịnh Tường được phủ một lớp phù sa màu mỡ, đặc quánh và khối lượng lớn củi gỗ.
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, vợ chồng anh Tráng A Phử, thôn Bản Lầu, xã Trịnh Tường ra bãi sông kiếm củi. Trong buổi chiều, vợ chồng anh kiếm được khoảng 2 mét khối củi gỗ với đủ kích thước khác nhau.
Anh Phử cho biết: Mùa đông sắp đến, người vùng cao chúng tôi sử dụng rất nhiều củi để sưởi ấm và đun nấu. Lượng củi vợ chồng tôi gom được trong chiều nay đủ cho gia đình sử dụng đến hết năm. Nấu ăn, đun nước tắm, nấu cám cho lợn… bằng củi gỗ giúp gia đình tôi tiết kiệm đáng kể tiền gas, điện.
Được biết, nhiều người dân sống ven sông Hồng (đoạn chảy qua địa phận huyện Bát Xát) không chỉ thu gom củi sử dụng đun nấu trong gia đình mà còn bán kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Mỗi mét khối củi dao động từ 300 - 500 nghìn đồng, tùy từng loại gỗ.
Theo quan sát của phóng viên, sau cơn mưa lũ do hoàn lưu bão Yagi gây ra, các bãi bồi ven sông Hồng trên địa bàn huyện Bát Xát xuất hiện một lượng lớn củi. Có những cây gỗ dài gần chục mét, đường kính 40 - 50 cm nằm ngổn ngang. Một số người còn mang cả máy cưa xăng, thuê nhân công cắt củi để gom về nhà tích trữ, sử dụng.
Củi là nguồn nguyên liệu làm chất đốt quan trọng và cần thiết với người dân vùng cao. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của lực lượng chức năng, người dân tuyệt đối không vớt củi khi đang xảy ra mưa lũ, dòng nước chảy xiết để đảm bảo an toàn cho bản thân; khi nước rút đến mức an toàn, người dân có thể ra các bãi bồi để tận thu củi nhưng không nên đi một mình. Với những khúc củi kích thước lớn cần sự hỗ trợ của máy móc để không bị mất sức và xảy ra chấn thương...