LCĐT - Đã gần hết một học kỳ song môn Giáo dục địa phương đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10 tại Lào Cai vẫn chưa có sách để học. Để không bị động, các trường và giáo viên đã chủ động dạy “chay” để đáp ứng nhiệm vụ năm học.
Trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, Giáo dục địa phương là môn học đặc thù, bắt buộc, có vị trí tương đương các môn học khác. Môn học này nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp… của địa phương. Tại Lào Cai, tài liệu hiện đã biên soạn, tuy nhiên vẫn chưa có bản in, học sinh vẫn phải học bản mềm, bản phô tô.
Theo lãnh đạo ngành giáo dục và đào tạo tỉnh, trong khi chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, ngành đã chuyển toàn bộ tài liệu điện tử (dạng PDF) cho các phòng giáo dục và đào tạo, đồng thời chỉ đạo các trường không phụ thuộc sách giáo khoa mà tùy theo thực tế ở cơ sở để chủ động, linh hoạt triển khai nội dung chương trình ngay từ đầu năm học.
Tiết học Giáo dục địa phương tại Trường THCS Cốc San, thành phố Lào Cai. |
Để dạy các tiết học Giáo dục địa phương cho học sinh lớp 7, cô giáo Đinh Thị Thủy Hoa, Trường THCS Cốc San (thành phố Lào Cai) đã sử dụng những hình ảnh minh họa hấp dẫn, clip sinh động. Cô giáo Hoa cho biết: Việc xây dựng, tổ chức bài giảng không gặp khó khăn do nội dung dạy và học rất sinh động, gần gũi với giáo viên và học sinh. Tài liệu được ngành xây dựng sát với thực tế, liên quan trực tiếp đến văn hóa, lối sống và các vấn đề xã hội, phát triển kinh tế của địa phương nên giáo viên có thể tham khảo nhiều nguồn học liệu.
Em Nguyễn Bảo Ngọc, học sinh Trường THCS Cốc San chia sẻ: Mỗi tuần, chúng em học 1 tiết Giáo dục địa phương. Đây là tiết học em rất yêu thích bởi được tìm hiểu về văn hóa, bản sắc dân tộc, các nghề truyền thống và lịch sử Lào Cai qua các thời kỳ. Em thấy tự hào về quê hương mình hơn.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Huyền, Hiệu trưởng Trường THCS Cốc San cho biết: Dựa trên tài liệu ngành cung cấp, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy phù hợp. Không chỉ bó gọn trong không gian lớp học, học sinh còn được tham gia hoạt động ngoại khóa hoặc trải nghiệm thực tế tại các khu di tích lịch sử để hứng thú hơn với nội dung học.
Dạy học thực nghiệm chương trình giáo dục địa phương tại Trường THPT số 1 Bắc Hà. |
Đối với Trường THPT số 1 huyện Bắc Hà, mỗi nội dung sẽ được bố trí một giáo viên giảng dạy bộ môn tương ứng phụ trách. Tiết học Ngữ văn với chủ đề “Hình thức diễn xướng của một số thể loại văn hóa dân gian Lào Cai” được cô giáo Tải Thị Thơ thể hiện dưới dạng tranh vẽ và trình chiếu đã được học sinh lớp 10 đón nhận hào hứng. Cô giáo Thơ chia sẻ: Mặc dù chưa có sách nhưng nội dung học là thông tin gắn với địa bàn nên giáo viên sẽ giao cho học sinh tìm hiểu từ trước thông qua ông bà, bố mẹ, người thân trong gia đình, sách báo, ti vi. Bản thân giáo viên cũng chủ động nghiên cứu thêm thông tin địa phương từ nhiều nguồn khác nhau và tìm kiếm hình ảnh liên quan đến nội dung bài học để giờ học trực quan, sinh động.
Theo thầy giáo Nguyễn Xuân Toàn, Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Bắc Hà, đối với cấp THPT, việc dạy môn Giáo dục địa phương có phần thuận lợi hơn do đa phần học sinh đã sử dụng điện thoại thông minh, có thể tham khảo sách điện tử và tìm kiếm thông tin trên mạng internet. Những tiết học Giáo dục địa phương giúp thầy cô và học trò cùng nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm bản thân trong việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa địa phương.
Các giáo viên chủ động khai thác học liệu điện tử làm phong phú thêm nội dung giảng dạy. |
Ông Nguyễn Minh Thuận, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Nội dung Giáo dục địa phương đã được các trường học trong tỉnh triển khai từ lâu dưới hình thức các hoạt động ngoại khóa, lồng ghép trong các môn học khác. Tuy nhiên, theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, Giáo dục địa phương sẽ trở thành môn học chính khóa, yêu cầu có giáo trình, bài soạn cụ thể. Hiện tài liệu dành cho lớp 3, lớp 7, lớp 10 đang chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Do gặp khó khăn trong khâu phát hành tài liệu Giáo dục địa phương nên hiện tại, học sinh học chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn phải sử dụng tài liệu bản mềm hoặc phô tô để học tập. Điều này khó khăn với ngành giáo dục trong triển khai dạy môn Giáo dục địa phương. Tuy nhiên, nhờ sự linh hoạt, chủ động của mỗi đơn vị, khó khăn này đã phần nào được khắc phục, đồng thời các trường cũng tiếp tục triển khai nội dung thông qua các mô hình trường học gắn với thực tiễn, mang lại hiệu quả đáng ghi nhận.
Cũng theo ông Thuận, việc dạy “chay” đối với bộ môn này thời gian qua chưa ghi nhận vướng mắc phát sinh. Với việc xây dựng nội dung dạy học sát thực tế, cán bộ quản lý và giáo viên được tập huấn bài bản nên các nhà trường triển khai đồng bộ từ đầu năm học, đảm bảo nội dung kiến thức cho học sinh theo chương trình.