Nhìn từ hiệu quả của mô hình này ở Văn Chấn, thiết nghĩ, chúng ta cần mở rộng trên toàn bộ các địa phương trong tỉnh để kịp thời giải quyết tình trạng rác thải nông thôn ngày càng gia tăng như hiện nay.
Không còn mới, mô hình xây dựng bể chứa rác nông thôn được hình thành cách đây đã gần 10 năm nhưng chưa phát triển mạnh được cũng một phần do kinh phí. Với giá thành xây dựng như hiện nay, tính ra kinh phí xây mỗi bể chứa rác khoảng 15 - 20 triệu đồng (chiều dài 6m, rộng 3m, cao từ 1 - 1,5m) có thể chứa 5 - 7 mét khối rác (theo tiêu chuẩn quy định của ngành tài nguyên và môi trường).
Theo tính toán, các bể chứa rác thường nằm ngoài khu dân cư và nằm trên mặt đường để thuận tiện trong công tác thu gom và vận chuyển. Tại một số khu dân cư của các xã ở Văn Chấn như: Sơn Thịnh, Đồng Khê..., mỗi hộ gia đình đã tự phân loại rác tại nhà, đến ngày thu gom rác, đội thu gom sẽ đi dọc các trục đường thôn, lối xóm mà mình phụ trách để thu gom rác từ các hộ gia đình...
Ở thôn Hà Thịnh (Sơn Thịnh, Văn Chấn) còn có cả một nghị quyết chuyên đề của cấp ủy về việc xây dựng bể chứa rác ở cánh đồng, yêu cầu người dân phải bỏ tất cả các loại bao bì thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, túi nilon vào bể. Tiến tới các hộ dân để sẵn rác đã được phân loại trước cổng nhà đến giờ người thu dọn rác đi ngang qua thu gom, sau đó sẽ được vận chuyển về bể chứa...
Có mặt tại vùng nông thôn của Văn Chấn những ngày làm vụ đông, chứng kiến việc thu gom rác trên đồng ruộng mới thấy tính thuận tiện cũng như sự hiệu quả từ mô hình này.
Ông Nghiêm Đình Hòa - Trưởng thôn Hà Thịnh vui vẻ kể: "Nhìn thế thôi chứ hiệu quả lắm. Trước đây bao nhiêu bao bì, chai lọ của nhà tôi dùng xong đều vứt lung tung quanh vườn, mùa lũ thường bị đẩy vào nhà. Từ khi thực hiện nghị quyết chuyên đề, phát triển mô hình này, rác thải trong nhà đều được thu gom sạch, môi trường sống cũng trong sạch hơn".
Không chỉ xây dựng bể chứa rác ở mỗi thôn, xóm, mà ở các khu chợ của huyện Văn Chấn - nơi lượng rác thải hàng ngày lên đến cả tấn cũng được áp dụng mô hình bể chứa rác này và đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Ông Trần Văn Mộc - Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết: "Cấp ủy, chính quyền địa phương luôn coi trọng công tác bảo vệ môi trường (BVMT) và coi đó là một trong những tiêu chí thi đua của các cơ sở. Từ đó, công tác chỉ đạo và thực hiện được xuyên suốt, hiệu quả thiết thực. Ngoài những bể chứa rác bố trí tại những cánh đồng, các khu chợ của huyện cũng vận động tiểu thương đóng góp xây dựng thêm một bể chứa nữa. Bao nhiêu rác thải đều được gom lại bỏ vào đó. Xe gom rác chỉ việc đến và đưa đi xử lý. Đã nhiều năm rồi nên mọi việc đã gần như đi vào nền nếp. Ý thức người dân trong việc BVMT được nâng cao".
Được biết, các cơ sở xã của huyện Văn Chấn tự thuê người thu gom rác, chủ yếu là hợp đồng với hội phụ nữ và một số hộ nghèo. Mỗi hộ mỗi tháng chỉ đóng phí thu vài nghìn đồng để trả cho người đi thu gom rác nên việc hình thành bể rác này cũng giúp tăng thu nhập cho một số người nghèo tại các xã.
"Từ khi mô hình bể chứa rác nông thôn đi vào hoạt động đã đem lại hiệu quả rất lớn trong việc giữ vệ sinh môi trường. Đó là tín hiệu vui cho công tác BVMT ở Văn Chấn. Vấn đề quan trọng nhất là ý thức người dân nên chúng tôi đã chỉ đạo UBND các xã luôn chú trọng mở các lớp tập huấn, giáo dục cho dân để mọi người đều có ý thức phân loại rác tạo thuận lợi cho đội thu gom hoạt động hiệu quả hơn", ông Mộc chia sẻ thêm.
Những nỗ lực trong việc BVMT, đặc biệt là môi trường nông thôn của Văn Chấn thực sự là một tín hiệu vui trong việc thay đổi tư duy của người dân, giúp họ có ý thức tốt hơn trong gìn giữ vệ sinh môi trường sống, đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng.
Anh Hải