Xã Minh Lương có 1.127 hộ, trong đó 927 hộ nuôi gia súc. Những năm gần đây, do diện tích đồng cỏ tự nhiên giảm mạnh nên người nuôi gia súc đã chuyển từ chăn thả tự nhiên sang nuôi nhốt, vỗ béo.
Anh Hoàng Văn Lưu (thôn 2 Minh Hạ) cho biết: Kinh tế đồi rừng phát triển, diện tích tự nhiên để chăn thả không còn nhiều nên gia đình tôi phải làm chuồng nuôi và trồng cỏ làm thức ăn vỗ béo đàn trâu, dê. Việc nuôi nhốt giúp chúng tôi dễ chăm sóc, quản lý, theo dõi sức khỏe đàn gia súc. Thực tế cho thấy trâu, dê được nhốt trong chuồng sẽ tăng trọng lượng nhanh, có sức đề kháng cao, ít bệnh và có giá bán ổn định hơn.
Không riêng gia đình anh Lưu, nhiều hộ nuôi gia súc ở xã Minh Lương đã chuyển từ hình thức chăn thả tự nhiên sang nuôi nhốt, vỗ béo gia súc. Để có nguồn thức ăn ổn định cho chăn nuôi, các hộ tận dụng đất bờ, bãi, ven đồi, nương trồng cỏ, trồng ngô dày làm thức ăn cho vật nuôi. Bên cạnh đó, các hộ tích trữ rơm, cỏ, cây ngô khô hoặc ủ chua làm thức ăn cho trâu, bò, dê trong mùa đông.
Bà Sầm Thị Định, Bí thư Đảng ủy xã Minh Lương cho biết: Nuôi gia súc nhốt chuồng, vỗ béo đang trở thành xu hướng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân xã Minh Lương. Xã sẽ tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, vận động người dân nhân rộng mô hình chăn nuôi gia súc nuôi nhốt.
Xã Minh Lương hiện có hơn 1.300 con trâu, bò, ngoài ra còn có một số hộ đang thí điểm mô hình nuôi dê. Nhờ nuôi gia súc, thu nhập của người dân được nâng lên, dự kiến thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã có thể đạt 39,6 triệu đồng.