Đây được coi là động thái mới nhất nhằm hiện thực hóa các chủ trương, định hướng dừng mạng di động 2G, phổ cập điện thoại thông minh để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số đã được ban hành trong thời gian qua.
Trao đổi với phóng viên về việc thực hiện các quy định trên, Thiếu tá Trịnh Xuân Nguyên, Phó Giám đốc Viettel Lào Cai cho biết, là một nhà mạng lớn trên địa bàn tỉnh, Viettel đã triển khai và đồng hành với khách hàng bằng nhiều hoạt động thiết thực, như Viettel luôn chấp hành và tiên phong thực hiện chủ trương, quy định và yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông trong chiến dịch dừng cung cấp sản phẩm, dịch vụ về 2G, phổ cập điện thoại thông minh.
Viettel đã chủ động thông báo đến các khách hàng, đến kênh bán, khuyến nghị người dân lưu ý khi mua máy điện thoại, nhập mạng mới. Khách hàng nên lựa chọn các dòng máy điện thoại hợp chuẩn, hợp quy (được Bộ Thông tin và Truyền thông công nhận) để đảm bảo kết nối được từ sóng di động. Khách hàng không nên mua máy không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường.
Vietel đầu tư, triển khai đảm bảo hạ tầng mạng lưới, đảm bảo chất lượng sóng 4G trong 7 năm qua với mục tiêu vùng phủ sóng 4G bằng vùng phủ sóng 2G trên địa bàn, sẵn sàng thay thế cho sóng 2G, đảm bảo thông tin liên lạc cho khách hàng.
Viettel sản xuất, cung cấp nhiều dòng máy feature phone và smartphone 4G giá rẻ đi kèm với chính sách trợ giá cho người dân. Cụ thể, trợ giá tới 50% một số dòng máy 4G giá rẻ có tính năng nghe gọi (chỉ còn từ 290.000 đồng/máy). Đối với khách hàng chuyển đổi lên 4G thành công và sử dụng điện thoại smartphone sẽ được tặng 28GB data tốc độ cao và miễn phí data khi xem ứng dụng TV360.
Tổng đài chăm sóc khách hàng của Viettel cũng hoạt động 24/24 giờ, đảm bảo trả lời mọi thắc mắc của khách hàng. Khách hàng liên hệ tổng đài miễn phí 198 để được hỗ trợ trực tiếp.
Cục Viễn thông cho biết, hiện có khoảng 15 triệu thuê bao đang dùng 2G. Tỷ lệ lớn khách hàng đang dùng 2G là người già, người đang sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Hoạt động này nhằm định hướng dừng công nghệ di động 2G, phổ cập điện thoại thông minh để thúc đẩy kinh tế số, xã hội số và thực hiện lộ trình dừng công nghệ di động cũ, thực hiện chương trình "Mỗi người dân một máy điện thoại thông minh".
Trên thực tế vẫn còn một số bộ phận người dân dùng các mẫu điện thoại sử dụng sóng 2G dẫn đến việc một số người dùng gặp khó khăn khi chuyển đổi sang mạng 3G, 4G... Đặc biệt ở những người dùng độ tuổi cao niên, những người tiêu dùng chưa có kiến thức về điện thoại thông minh, việc sử dụng điện thoại thông minh khá phức tạp và khó khăn. Bên cạnh đó, vấn đề chi phí chuyển đổi sang thiết bị 3G, 4G... cũng là một trong những khó khăn mà người dùng 2G gặp phải.
Tuy nhiên, để không có người dân hay khách hàng nào bị bỏ lại phía sau, các cơ quan chức năng cùng các nhà mạng đều đã chuẩn bị các phương án hỗ trợ chuyển đổi tối ưu cho người dùng. Các doanh nghiệp viễn thông di động có trách nhiệm truyền thông rộng rãi việc triển khai giải pháp kiểm soát, ngăn chặn kết nối vào mạng viễn thông di động này tới khách hàng của mình, đồng thời công bố các thông tin đầu mối giải quyết khiếu nại của khách hàng.
Theo thông tin được công bố, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu, đến tháng 9/2024, trên mạng di động sẽ không còn thuê bao 2G.
Tuy nhiên, hiện thị trường có một số thuê bao smartphone 3G, 4G thời kỳ đầu chưa tích hợp tính năng VoLTE (tiêu chuẩn giao tiếp không dây chất lượng cao). Những mẫu điện thoại này buộc phải gọi thoại qua nền tảng 2G, 3G và vẫn tiếp tục sử dụng đến tháng 9/2026.
Từ tháng 9/2024 đến tháng 9/2026, hệ thống mạng 2G tại Việt Nam vẫn duy trì nhưng không phát triển thêm thuê bao mới. Hệ thống mạng 2G chỉ được sử dụng để cung cấp dịch vụ thoại cho các thuê bao 3G, 4G không có tính năng VoLTE.