Bài cuối: MANG BẢN LĨNH LAO CAI ĐỔI MỚI TRÊN TUYẾN ĐẦU BẢO VỆ TỔ QUỐC
Ngày 16/2/1976, khi các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể tỉnh Hoàng Liên Sơn chính thức đi vào hoạt động, thị xã Lao Cai trở thành thị xã tỉnh lỵ, Tòa soạn Báo Lao Cai đổi mới đóng tại khu nhà 2 tầng, tại khu phố Cốc Lếu được thay bởi bảng hiệu Báo Hoàng Liên Sơn. Nguyên Tổng Biên tập Báo Lao Cai đổi mới Vũ Văn Thụ được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập, 2 Phó Tổng Biên tập Nguyễn Văn Bình, Lê Vân là lãnh đạo của Báo Yên Bái và Báo Nghĩa Lộ.
Khí thế thống nhất đất nước, non sông thu về một mối, cả nước đi lên CNXH như luồng gió mới trong tòa soạn. Báo Lao Cai đổi mới khép lại lịch sử và một thời kỳ mới mở ra cho Báo Hoàng Liên Sơn. Trước yêu cầu của việc phòng thủ biên giới, tháng 6/1978, tỉnh lỵ Hoàng Liên Sơn từ thị xã Lao Cai chuyển về thị xã Yên Bái, Tòa soạn Báo Hoàng Liên Sơn chuyển về đóng tại khu tập kết Km 6, phường Yên Thịnh, thị xã Yên Bái.
Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới tháng 2/1979 một lần nữa thử thách vai trò, trách nhiệm chính trị các nhà báo Hoàng Liên Sơn. Vượt qua khó khăn, gian khổ, các nhà báo, trong đó có nhiều phóng viên tờ Lao Cai đổi mới do am hiểu địa bàn cơ sở, hăng hái lên đường ra mặt trận. Những tin tức, bức ảnh, bài viết nóng hổi tính thời sự từ trận tuyến chống quân xâm lược được truyền về, in trên các số báo, khích lệ quân, dân trong tỉnh cùng cả nước chung sức quyết tâm bảo vệ Tổ quốc. Nhà báo Bùi Nguyên Khiết, cây viết phóng sự thân quen trên Báo Lao Cai đổi mới, khi đó là phóng viên Báo Hoàng Liên Sơn đã dũng cảm hy sinh khi đang tác nghiệp và chiến đấu cùng bộ đội trên chốt Lao Páo Chải, xã Tả Ngải Chồ, huyện Mường Khương. Nhiều năm sau, các huyện, thị trên địa bàn tỉnh Lao Cai là tuyến đầu trong xây dựng pháo đài biên giới, tin tức, sự kiện, tấm gương chiến đấu quên mình của quân, dân biên giới được tô đậm trên các trang báo Hoàng Liên Sơn, góp thêm sức mạnh cho công cuộc bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc đã lùi về quá khứ, thế hệ cán bộ, chiến sĩ cùng đồng bào ngày ấy nay đã cao tuổi, mái tóc đã bạc cùng thời gian, nhưng ký ức về những cuộc gặp gỡ, được các nhà báo chụp hình nơi pháo đài biên giới được các trang báo Đảng in ảnh vẫn hiện hữu trong tâm trí. Nhiều tấm gương chiến đấu, lao động của các tập thể, cá nhân in trên trang báo vẫn được trân trọng lưu giữ làm kỷ niệm, nhắc nhở thế hệ trẻ về một thời lao động hăng say và chiến đấu quên mình cho quê hương Lào Cai. Nhớ lại sự việc trên, có lần trò chuyện với những cán bộ kỳ cựu, từng được báo Hoàng Liên Sơn đăng tải về gương tổ chức chiến đấu, vận động đồng bào thi đua sản xuất, củng cố pháo đài biên giới như Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Hòa, nguyên Bí thư Tỉnh đoàn, sau làm Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Đại tá Lý Quang Cấn, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, nhóm phóng viên trẻ được nghe kể nhiều chuyện cảm động về những chuyến đi cơ sở có nhà báo đi cùng. Những chia sẻ, đồng cảm trên mỗi chuyến đi cơ sở càng thấy vai trò, sứ mệnh vẻ vang của nghề báo được đồng bào tin tưởng, bảo vệ, giúp đỡ tận tình khi tác nghiệp.
Báo Lào Cai số đầu tiên sau ngày tái lập tỉnh. Ảnh: Phạm Ngọc Triển |
Hơn hai mươi năm mới gặp lại nhân chuyến “Về nguồn” cùng Báo Lào Cai, thăm chợ trâu Cán Cấu, Tổng Biên tập Báo Yên Bái Bùi Anh Túy vô cùng xúc động khi được ông già người Mông bắt tay ôm thắm thiết giữa chợ trước sự ngạc nhiên của đồng bào. Họ vào quán, ôn lại chuyện cũ sao mà xúc động đến lạ. Thời làm phóng viên Báo Hoàng Liên Sơn, có lần nhà báo Bùi Anh Túy được cử lên viết bài về kinh nghiệm xây dựng pháo đài biên giới. Trước lúc đi được Tổng Biên tập Vũ Văn Thụ dặn dò, giao nhiệm vụ cẩn thận, truyền cả kinh nghiệm dân vận, cảnh giác không được làm lộ chốt phòng thủ và nhất định phải về điểm sáng xã Cán Cấu, huyện Bắc Hà khi đó. Sau gần 1 ngày ngược tàu hỏa đến ga Phố Lu, đi nhờ xe bộ đội lên Bắc Hà, hôm sau lội bộ lên Cán Cấu, may mắn gặp và được Chủ tịch xã Sùng Seo Nhà dẫn đi chốt cận biên giới Cốc Phà, ngược dốc lên hồ cạn Cán Cấu. Trên đường, phóng viên và Chủ tịch xã được dân quân trực chiến bảo vệ, tránh thám báo tập kích, tránh chốt tiền tiêu của bộ đội và trạm gác biên phòng của Đồn 227. Được gặp nhà báo, lại là người hay chuyện, am hiểu cơ sở, chiến sự khu vực biên giới, Chủ tịch Nhà kể bao chuyện về sản xuất của đồng bào, về huy động phối hợp phòng thủ chống quân thám báo, cả về phong tục sinh hoạt trên bản Mông đã thay đổi nhờ bộ đội “ba cùng”… nhà báo Bùi Anh Túy không kịp ghi chép mà phải cố nhớ, nhập tâm tối về mới ghi chép lại. Đến hồ cạn Cán Cấu, mùa xuân vùng cao còn lạnh, những vạt nương tam giác mạch đầy hoa, nương cải mèo lộ lên nhiều hoa đỏ, tím, có quả đã to bằng chiếc bóng đèn Hoa Kỳ. Chưa từng gặp cây lạ, hoa đỏ rực rỡ trong chiều xuống, nhà báo chụp ảnh rồi hỏi Chủ tịch Nhà cây rau tiếng Mông là gì, ăn ngon bổ thế nào? Chủ tịch xã nói đó là cây thuốc của đồng bào trồng xen trong nương cải, ông còn dí dỏm nói: Tên nhà báo là Anh Túy, anh em với tên cây thuốc đó, cây anh túc, cây thuốc phiện, cây ma túy mà! Cả tốp đi cùng cười vui quên cả mệt nhọc khi ngược dốc. Phóng sự được đăng Báo Hoàng Liên Sơn, nhà báo Túy cẩn thận cuộn báo gửi về Huyện ủy Bắc Hà nhờ gửi tặng Chủ tịch xã Cán Cấu. Ông Nhà nói nửa tháng sau báo mới tới nơi, được xã lưu giữ làm kỷ niệm. Câu chuyện vui làm cả quán góc chợ vui thêm. Họ chia tay trong niềm tin yêu, hẹn gặp lại và nhớ viết bài quảng bá cho nông thôn mới và chợ trâu Cán Cấu. Cánh nhà báo trẻ đi cùng hai Tổng Biên tập Báo Lào Cai, Báo Yên Bái càng ngỡ ngàng về hiệu quả thông tin của những bài báo Đảng địa phương xưa.
Tháng 10/1991, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII chia tách tỉnh Hoàng Liên Sơn, tái lập tỉnh Lào Cai, tờ báo Đảng bộ Hoàng Liên Sơn khép lại sứ mệnh lịch sử. 15 năm, Tòa soạn Báo Hoàng Liên Sơn xuất bản 1.525 số báo, với 3.180 tờ báo, hơn 4 vạn tác phẩm báo chí (tin, bài, ảnh) phản ánh sống động sự chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh trong thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bài học lớn của những người làm báo từ thời bình chuyển sang thời chiến, trực tiếp chiến đấu bảo vệ biên cương phía Tây Bắc của Tổ quốc, góp phần xây dựng pháo đài biên giới chính là truyền thống của những người làm báo thời kỳ chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Là tình đoàn kết, sẻ chia trong khó khăn, gian khổ thời bao cấp và chuyển đổi sang cơ chế thị trường. Bản lĩnh người làm báo Đảng địa phương luôn tỏa sáng nơi cơ sở, khó khăn cùng đồng bào, nơi chiến tuyến chống quân xâm lược. Làm ngời lên phẩm chất những nhà báo - chiến sĩ trong công cuộc chiến đấu bảo vệ, xây dựng quê hương, để lại tin, bài, ảnh - những tác phẩm báo chí - sống mãi với thời gian. Phong cách làm báo Đảng, tinh thần tiến công, khát vọng với cái mới của các thế hệ làm Báo Lao Cai đổi mới, Báo Hoàng Liên Sơn mở ra trang mới cho thế hệ làm Báo Lào Cai hiện nay viết tiếp truyền thống vẻ vang của tờ báo.
>>> Bài 1: NUÔI DƯỠNG KHÁT VỌNG ĐỔI THAY CHO QUÊ HƯƠNG