LCĐT - Lên Séo Trung Hồ sau ngày mưa, chúng tôi phải đánh vật với bùn đất. Con đường sạt lở từng đoạn nhỏ, đi được hơn nửa đường, cả người và xe máy đều lấm lem. Ấy vậy mà các cô giáo và học sinh của điểm trường Séo Trung Hồ Mông và Séo Trung Hồ Dao thuộc Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Liên, xã Bản Hồ (Sa Pa) vẫn ngày ngày đi qua con đường này để lên núi dạy và học chữ.
Vừa thở phào vì ngồi lên xe chạy được tầm 50 m, chúng tôi lại thở dài ngao ngán bởi trước mặt là đoạn đường sạt lở dài khoảng 30 m, được bắc tạm bằng những thanh tre loằng ngoằng. Đi cùng chúng tôi lên thăm trường có anh Đào A Khởi, Chủ tịch UBND xã Bản Hồ. Là người bản địa, đường núi với anh không có gì lạ lẫm, nhưng con đường này anh cũng phải chịu thua, đành xuống xe dắt bộ ì ạch. Anh Khởi cho biết: Đây là đường nông thôn mới đi vào thôn Séo Trung Hồ Mông, phục vụ hơn 30 hộ đang sinh sống, nhưng do mưa kéo dài từ ngày 22/8 nên bị sạt lở nhiều nơi. Sau khi mưa bão đi qua, bà con và giáo viên, học sinh đi lại rất khó khăn. Xã đã vận động người dân khắc phục bằng cách lấy tre bắc cầu tạm để đi. Tuy nhiên, nếu tiếp tục mưa thì chắc chắn đường sẽ sạt thêm, đến cầu tre cũng khó bắc lại.
Gian nan đường đến lớp của học sinh điểm trường Séo Trung Hồ Mông. |
Chúng tôi dò dẫm qua cầu, trong lòng đầy lo ngại bởi phía trên là ta luy cao ngút, phía dưới là vực sâu. Vừa qua cầu, từ con đường trước mặt, 2 cô giáo trẻ và 5, 6 học sinh vui mừng chạy xuống đón chúng tôi. Lâu lắm rồi mới có người lạ đến thăm điểm trường. Cô giáo Nghiêm Thị Thanh, giáo viên dạy ghép lớp 2, 3 vừa dẫn chúng tôi lên trường vừa kể: Tôi bị ngã xe rất nhiều lần trên con đường này. Khi đường bị sạt, trời mưa, tôi không dám đi qua cầu tre, phải vòng xuống suối rồi men theo bờ ruộng, mất thêm khoảng 30 phút đi bộ nữa mới lên đến trường. Đi lại khó khăn nhưng ngày nào tôi cũng đi về vì hai con còn nhỏ...
Sau quãng đường đi đầy khó nhọc, cuối cùng chúng tôi cũng lên được tới điểm trường. Lúc này, học sinh đã hết giờ học buổi sáng và chuẩn bị ăn bữa trưa. Điểm trường Séo Trung Hồ Mông hiện có 24 học sinh thuộc 3 lớp 1, 2, 3. Giúp học sinh lấy cặp lồng cơm ra ăn trưa, cô giáo Má Thị Vu cho hay: Hằng ngày có khoảng 10 học sinh đi học từ con đường mà các anh chị vừa đi qua. Số còn lại nhà ở trên núi, có hôm mưa, bố mẹ dẫn con xuống lớp, nhưng nếu muộn giờ học mà không thấy học sinh, các cô giáo phải đi đón. Cô Vu tâm sự tiếp: Khi mới ra trường, tôi dạy ở điểm Séo Trung Hồ Dao, học sinh bên đó toàn là con em gia đình đặc biệt khó khăn. Dạy được 3 năm, tôi được chuyển sang Séo Trung Hồ Mông, hoàn cảnh học sinh và thực trạng giao thông ở đây cũng không có gì thay đổi. 17/24 em là con hộ nghèo, nhìn cặp lồng cơm của các em buổi trưa mang đến lớp chỉ có mấy miếng cá khô, rau xanh!
Cô giáo Vu và học sinh trong giờ Tiếng Việt. |
Đợi học sinh nghỉ ngơi, chúng tôi mới di chuyển xuống nhà Trưởng thôn Lồ Láo Tả để ăn trưa. Từ điểm trường Séo Trung Hồ Mông xuống nhà trưởng thôn phải đi qua rừng, bờ suối, men theo bờ ruộng. Đó cũng là con đường tắt đi lên trường vào ngày mưa mà cô giáo Thanh đã chia sẻ. Trong bữa cơm trưa tại nhà trưởng thôn, được nghe lời chia sẻ của mọi người, chúng tôi càng hiểu rõ hơn những khó khăn của các cô giáo, học sinh và người dân nơi đây. Anh Lồ Láo Tả cho biết: Séo Trung Hồ là một trong những thôn xa và khó khăn nhất của xã Bản Hồ. Thôn có 79 hộ thì có tới 53 hộ nghèo. Hai điểm trường tại thôn đều rất khó khăn về đường đi lại. Thỉnh thoảng, cán bộ thôn vẫn lên các điểm trường thăm hỏi và giúp đỡ cô trò.
Sau bữa trưa, chúng tôi tiếp tục sang điểm trường Séo Trung Hồ Dao và gặp cô giáo trẻ La Thị Khánh, phụ trách dạy 7 học sinh lớp 1, lớp 2. Cô Khánh bảo: Học sinh ở đây nói tiếng phổ thông chưa sõi, nên việc dạy các em phải thật kiên trì. Đường các em tới lớp học quá vất vả, phải đi qua nhiều khe suối, ngày mưa, lũ, học sinh phải nghỉ học...
Trời đã xế chiều, cô Khánh cho học sinh nghỉ, không quên dẫn các em qua suối và nhắc nhở học sinh không được la cà dọc đường, rồi mới quay ra trường chính. 3 cô giáo tại hai điểm trường hẹn nhau dưới chân dốc cùng về. Mỗi ngày trên con đường đó, các cô giáo đều đặn mang chữ đến cho học sinh nơi đây. Các cô cùng có chung một ước muốn, đó là con đường vào trường sẽ sớm được sửa chữa để việc đi lại của cô trò và người dân thuận lợi hơn.