Theo báo cáo của tổ chức Dữ liệu về địa điểm và sự kiện xung đột vũ trang (ACLED), trong 5 năm qua, số cuộc xung đột trên thế giới đã tăng gần gấp đôi, từ 104.371 cuộc năm 2020 lên tới gần 200.000 cuộc năm 2024. Số người thiệt mạng cũng tăng đáng kể, với hơn 233.000 ca tử vong được ghi nhận trong năm 2024.
Trên toàn thế giới, cứ 8 người thì có 1 người đang phải sống trong nỗi khổ đó bởi xung đột và chiến tranh.
Xung đột ảnh hưởng khoảng một phần tám dân số toàn cầu. ACLED cho biết, từ đầu năm 2025 mỗi tháng ghi nhận khoảng 20.000 người chết do xung đột, và dự báo số cuộc xung đột trong năm nay tăng 15%.
Đời người chịu nhiều nỗi khổ, nhưng khổ nhất có lẽ là sống nơm nớp trong nỗi sợ tính mạng bị đe dọa. Trên toàn thế giới, cứ 8 người thì có 1 người đang phải sống trong nỗi khổ đó bởi xung đột và chiến tranh. Đức Phật dạy rằng, oán thù nên cởi không nên buộc, hận thù không diệt được hận thù. Chỉ có lòng từ bi yêu thương, bao dung, vị tha (vì người) mới giúp con người vượt qua thù hận và xung đột, mới mang lại hòa bình và an yên.
Các phát biểu và thông điệp tại Lễ kỷ niệm Ngày Đại lễ Phật đản Vesak được tổ chức vừa qua tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) nhấn mạnh những lời dạy và triết lý sâu sắc của Đức Phật về lòng từ bi, trí tuệ, sự khoan dung và tỉnh thức vẫn giữ nguyên giá trị cho đến ngày nay, tiếp tục soi sáng hành trình của nhân loại hướng tới một thế giới hòa bình, thấu hiểu lẫn nhau và tôn trọng sự đa dạng. Đây không chỉ là di sản văn hóa-tâm linh quý báu của nhân loại, mà còn là nền tảng đạo đức có thể góp phần định hướng hành động và chính sách toàn cầu.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc nhấn mạnh ý nghĩa sâu sắc của Vesak đối với Việt Nam, nơi Phật giáo đã gắn bó mật thiết, thấm đẫm trong đời sống văn hóa, tinh thần của dân tộc suốt hơn 2.000 năm lịch sử, với triết lý “hộ quốc an dân”. Trong bối cảnh thế giới đối mặt nhiều thách thức và biến động sâu sắc, triết lý từ bi, trí tuệ và hòa bình của Đức Phật là kim chỉ nam để nhân loại cùng nhau vượt qua thử thách và xây dựng một cộng đồng toàn cầu gắn kết, tôn trọng lẫn nhau và phát triển bền vững. Đây cũng là những giá trị cao quý phản ánh các nguyên tắc cơ bản của Liên hợp quốc.
Nhân dịp này, Đại sứ Đặng Hoàng Giang trân trọng thông báo Việt Nam vừa tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên hợp quốc năm 2025 với chủ đề “Đoàn kết và khoan dung vì nhân phẩm: Trí tuệ Phật giáo cho hòa bình và phát triển bền vững”. Sự kiện năm nay mang ý nghĩa đặc biệt khi diễn ra vào dịp Việt Nam kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước và chuẩn bị kỷ niệm 80 năm Quốc khánh. Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc gửi lời chúc mừng tới các cộng đồng Phật giáo trên toàn thế giới và kêu gọi các quốc gia, dân tộc cùng nhau lan tỏa tinh thần từ bi, hòa hợp và bao dung để kiến tạo một thế giới hòa bình, công bằng và không ai bị bỏ lại phía sau.
Dư luận quốc tế cho rằng, trong bối cảnh thế giới đang chìm trong những cuộc xung đột vũ trang và khủng hoảng nhân đạo, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 được tổ chức tại Việt Nam đã trở thành biểu tượng của hy vọng và lời kêu gọi hòa bình toàn cầu. Đây không chỉ là dịp để tôn vinh cuộc đời và giáo lý của Đức Phật, mà còn là diễn đàn quốc tế thúc đẩy tinh thần đoàn kết, khoan dung và từ bi - những giá trị cốt lõi của Phật giáo, phù hợp các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.