Chủ đề của Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn quốc đảo Thái Bình Dương lần thứ 52 là “Tiếng nói của chúng ta, lựa chọn của chúng ta, con đường Thái Bình Dương của chúng ta: Thúc đẩy, Đối tác, Thịnh vượng”.
Hội nghị là cơ hội để lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương cùng các đối tác trao đổi về những thách thức mà khu vực này phải đối mặt, đồng thời đẩy mạnh hợp tác, chung tay xây dựng khu vực Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng. Diễn ra ở Quần đảo Cook, hội nghị năm nay tập trung bàn thảo về các vấn đề như biến đổi khí hậu; dịch chuyển lao động và an ninh; hạt nhân...
Các quốc đảo, dù lớn hay nhỏ, phát triển hay đang phát triển, đều phải đối mặt những thách thức chung như mực nước biển dâng cao, tài nguyên biển suy thoái và ô nhiễm biển. Tại Hội nghị cấp cao lần thứ nhất Diễn đàn các quốc đảo và quần đảo (AIS) 2023 mới diễn ra hồi tháng 10/2023, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết, phần lớn các quốc đảo và quần đảo là những quốc gia dễ bị tổn thương nhất giữa những biến động hiện nay.
Tổn thất do biến đổi khí hậu gây ra với các quốc đảo Thái Bình Dương ngày một gia tăng, trong khi nỗ lực hỗ trợ tài chính cho nhóm quốc gia dễ bị tổn thương này ứng phó biến đổi khí hậu lại chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhận định, cái thiếu của các quốc đảo nhỏ trong cuộc chiến vì khí hậu, là tài chính. Ông đã hối thúc các nước giàu thực hiện lời hứa đến năm 2025 sẽ tăng nguồn tài chính cho hoạt động thích ứng biến đổi khí hậu lên gấp đôi mức năm 2019. Thủ tướng Quần đảo Cook Mark Brown thì cho rằng, thế giới đã bỏ qua tiếng nói từ Thái Bình Dương, và nhấn mạnh điều mà các quốc đảo ở Thái Bình Dương quan tâm là an ninh đối với người dân khi họ phải sống dưới sự đe dọa thường trực của biến đổi khí hậu.
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cảnh báo, mực nước biển phía tây và nam Thái Bình Dương dâng nhanh hơn mức trung bình toàn cầu, đe dọa đến các hòn đảo ở vùng trũng. Theo WMO, nếu không có hành động can thiệp kịp thời, các đảo vùng trũng như Tuvalu và Quần đảo Solomon dần dần sẽ bị ngập úng, đất đai bị phá hủy. Vấn đề ô nhiễm môi trường cũng là điều cần quan tâm. Mới đây, lãnh đạo Fiji kêu gọi thế giới khẩn trương thống nhất về một hiệp ước chống ô nhiễm nhựa. Sự ô nhiễm môi trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch, vốn đóng góp tới 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Fiji.
Trên thực tế, khu vực Thái Bình Dương rộng lớn, sở hữu tài nguyên thiên nhiên phong phú với nhiều đảo nhỏ nằm dọc các tuyến vận tải biển quốc tế quan trọng, từ lâu đã thu hút các nước khác đẩy mạnh hợp tác và mở rộng tầm ảnh hưởng. Hàng loạt quốc gia thời gian qua thể hiện sự quan tâm với các quốc đảo ở Thái Bình Dương với cam kết hỗ trợ các quốc đảo này ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế, đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng y tế. Các quốc đảo cũng đề cao hợp tác thiết thực, rộng mở để ứng phó thách thức và khẳng định tiếng nói mạnh mẽ hơn trên diễn đàn quốc tế.
Là những quốc gia ở tuyến đầu hứng chịu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, các quốc đảo Thái Bình Dương đang nỗ lực tăng cường đoàn kết, cũng như kêu gọi các quốc gia khác đồng hành giải quyết thách thức, giữa lúc cạnh tranh, xung đột, đối đầu đang ngăn cản những nỗ lực hợp tác toàn cầu.