Nhiều người cho rằng, Quy định 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm là một bước tiến về công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ, đáp ứng đòi hỏi của tình hình mới. Nhân dân cũng kỳ vọng đây sẽ là những “liều thuốc” đặc trị căn bệnh chạy chức chạy quyền gây nhức nhối trong xã hội.
Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã ký ban hành Quy định 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Quy định mới thay thế Quy định số 7-QĐi/TW năm 2018 của Bộ Chính trị khóa XII về xử lý tổ chức đảng vi phạm và Quy định số 102 năm 2017 của Bộ Chính trị khóa XII về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.
Quy định gồm 4 chương, 58 điều được hệ thống và đặt trong một Quy định thống nhất, đồng bộ để soi chiếu, xác định mức độ vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên. Trong đó, Quy định bổ sung nhiều nội dung, quy định mới nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn, đồng thời cụ thể hóa các hình thức kỷ luật đối với những vi phạm mà thời gian vừa qua nổi lên như một xu hướng, một mối đe dọa, một thách thức nguy hiểm.
Cụ thể, Quy định 69 nêu rõ, về nguyên tắc xử lý kỷ luật: Tất cả tổ chức đảng và đảng viên bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Tổ chức đảng và đảng viên vi phạm chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đều phải xem xét thi hành kỷ luật công minh, chính xác, kịp thời.
Đặc biệt, Quy định 69 ra đời đánh dấu việc, đây là lần đầu tiên có văn bản về xử lý kỷ luật đảng đề cập đến mức kỷ luật khi đảng viên chạy chức chạy quyền. Trước đây, hành vi chạy chức của đảng viên chỉ là một hành vi bị xử lý kỷ luật trong vi phạm công tác tổ chức, cán bộ mà thôi. Hơn nữa các văn bản hướng dẫn thi hành quy định kỷ luật đảng viên cũng không hướng dẫn nhiều về hành vi chạy chức này. Tuy nhiên, theo Quy định 69/QĐ-TW năm 2022 đã mang hành vi chạy chức, chạy quyền thành một Điều kỷ luật riêng. Cụ thế, tại Điều 30 đã tách hành vi chạy chức, chạy quyền của đảng viên thành một hành vi bị kỷ luật riêng biệt. Đây là điểm mới so với trước đây.
Theo đó, đảng viên vi phạm tùy từng mức độ sẽ bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, cách chức (nếu có chức vụ), khai trừ ra khỏi Đảng. Quy định cũng nêu rõ, nếu không chỉ đạo xem xét, xử lý kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội về hành vi tiêu cực trong công tác cán bộ hoặc bao che, tiếp tay cho hành vi tiêu cực, cũng sẽ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có).
Chưa hết, kỷ luật với tổ chức đảng phải xem xét rõ trách nhiệm của tổ chức, đồng thời xem xét trách nhiệm của từng cá nhân liên quan, nhất là trách nhiệm người đứng đầu. Với cá nhân, trong thời gian đảng viên đang bị xem xét xử lý kỷ luật thì không điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm; không phong, tặng, công nhận các danh hiệu của Đảng, Nhà nước với đảng viên đó.
Hay Điều 39 cũng quy định rất rõ kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng nếu: Mở tài khoản chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài; mua, bán tài sản ở nước ngoài trái quy định; tổ chức, tham gia hoạt động rửa tiền dưới mọi hình thức; chủ trì, tham mưu, đề xuất, tham gia ban hành chế độ, chính sách, quy trình, thủ tục.. trái quy định, tạo lợi ích nhóm hoặc lợi ích cục bộ... nhằm mục đích trục lợi; tẩu tán tài sản nhằm trốn tránh việc kê khai tài sản, thu nhập; đối phó, cản trở việc kiểm tra, giám sát, xác minh tài sản, thu nhập….
Có thể nói, với vấn nạn chạy chức, chạy quyền, lần này quy định của Đảng là rất rõ ràng khi chỉ ra từng hành vi cụ thể. Đây cũng được xem là một trong những vấn đề mấu chốt của công tác cán bộ, nhằm chặn đứng ngay từ đầu những phần tử cơ hội không thể “chui” vào hàng ngũ để có thể “leo cao, luồn sâu”.
Chưa hết, Quy định 69 còn bổ sung hàng loạt những trường hợp đảng viên có thể vi phạm trong các lĩnh vực như quản lý, sử dụng đất đai, nhà ở; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ, và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…
Quy định cũng nhấn mạnh hơn tới khía cạnh đạo đức, lối sống khi bổ sung các hành vi vi phạm về tu dưỡng, rèn luyện; hay cá nhân đảng viên, cũng như vợ, chồng, con cái có lối sống xa hoa, lãng phí, gây dư luận xấu trong xã hội…
Một điểm nhấn quan trọng không thể không nhắc đến trong Quy định 69 là là bên cạnh các hình thức kỷ luật, Quy định cũng nhấn mạnh việc bảo vệ cán bộ, đảng viên dám nghĩ dám làm, vì lợi ích chung mà thực hiện đổi mới, sáng tạo (theo Kết luận số 14 của Bộ Chính trị). Theo đó, nếu cán bộ thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng vì lợi ích chung thì miễn kỷ luật hoặc giảm nhẹ trách nhiệm. Vấn đề này chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ vào việc khích lệ đổi mới tư duy, đột phá, sáng tạo trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo; khắc phục tư tưởng sợ sai, sợ bị kỷ luật, sợ bị xử lý bằng pháp luật dẫn đến né tránh những đổi mới, đột phá chưa có tiền lệ, thậm chí là đùn đẩy, công việc, “đá bóng” trách nhiệm cho người khác…
Với 58 điều quy định rất cụ thể, rõ ràng, có thể nói, Quy định 69 của Bộ Chính trị một lần nữa cho thấy sự nghiêm minh của Đảng, không dung túng cho bất cứ sai phạm nào của mỗi đảng viên cũng như tổ chức đảng và cũng để các cơ quan chức năng, người dân có công cụ để giám sát các hành vi vi phạm.
Những quy định mới, với tính răn đe mạnh mẽ, được kỳ vọng đóng vai trò như một chốt chặn, khiến cán bộ, đảng viên nhìn thấy mà chùn tay, không thể, không dám, không muốn vi phạm, những phần tử cơ hội biết sợ; vừa là “lá chắn” bảo vệ những cán bộ, đảng viên, dám nghĩ dám làm, biết đặt quyền lợi của Đảng, của dân, của nước lên trên hết, trước hết. Từ đó tạo nên những dấu mốc mới trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, cũng như công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, tạo niềm tin vững chắc của Nhân dân đối với Đảng, với chế độ.