Người dân Palestine chờ nhận thực phẩm cứu trợ tại Deir el-Balah, miền Trung Dải Gaza ngày 13/5/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu trực tuyến với các phóng viên, ông Martin Griffiths nói: “Dự trữ thực phẩm đang cạn kiệt. Tôi nghĩ chúng ta đề cập tới việc gần như không còn gì cả. Và vì vậy, hoạt động nhân đạo bị mắc kẹt, hoàn toàn bị mắc kẹt. Chúng tôi không thể làm những gì mình muốn và không thể lập kế hoạch cho hoạt động cứu trợ”.
Cũng theo ông Martin Griffiths, LHQ đang gặp khó khăn trong việc giúp đỡ người dân ở Dải Gaza, trong khi việc vận chuyển hàng viện trợ gần như bị dừng lại ở các khu vực miền Nam và các cuộc giao tranh mới làm tăng thêm thách thức cho hoạt động phân phối.
Khi được hỏi thêm về nguy cơ nạn đói hiện nay, ông Griffiths nói: “Tôi nghĩ đó là mối nguy hiểm ngay lập tức, rõ ràng và hiện hữu vì thực tế cho thấy chúng ta không cần phải là nhà khoa học mới thấy được hậu quả của việc không còn thực phẩm”.
Ông Griffiths, một cựu nhà ngoại giao người Anh và là người từng làm trung gian hòa giải xung đột, sẽ từ chức vào tháng tới vì lý do sức khỏe.Ông đã bày tỏ lo ngại về tương lai do có nhiều xung đột trong cái mà ông mô tả là một "thế giới giận dữ".
Trước đó, các lực lượng của Israel tuyên bố bắt đầu chiến dịch quân sự ở phía Đông thành phố Rafah, mặc dù cộng đồng quốc tế cảnh báo chiến dịch này sẽ đẩy khoảng 1,4 triệu người dân đang tránh trú tại Rafah vào tình cảnh thảm khốc. Israel tuyên bố sẽ đẩy mạnh cuộc chiến cho đến khi đẩy lùi các thành viên Hamas tại thành phố này, trong khi Hamas khẳng định sẽ kiên quyết bảo vệ Rafah.
Theo số liệu của Cơ quan Liên hợp quốc (LHQ) về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA), khoảng 600.000 người đã phải buộc phải rời bỏ nơi trú ẩn tại Rafah khi Israel đẩy mạnh hoạt động quân sự tại đây.