LCĐT - Sáng 9/2, tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị quyết 10-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; việc phát triển kinh tế - xã hội tại 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến 3 cấp tỉnh - huyện - xã.
Quang cảnh hội nghị. |
Dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh có các đồng chí: Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh; Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh; Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh; Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) tỉnh.
Dự hội nghị có các đồng trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, Thường trực UBND tỉnh; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh, Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG của tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan.
Các đại biểu dự hội nghị tại đầu cầu tỉnh. |
Những kết quả nổi bật
Giai đoạn 2021- 2025, có 3 chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện trên địa bàn tỉnh gồm: Giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Năm 2022 là năm đầu tiên triển khai thực hiện các văn bản hướng dẫn của Trung ương về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Để tháo gỡ khó khăn và chủ động trong việc hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn cho giai đoạn tới, UBND tỉnh, Thường trực UBND tỉnh sớm ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện chương trình, đồng thời bổ sung, hoàn thiện các kế hoạch cho phù hợp với các hướng dẫn của Trung ương.
Các địa phương dự hội nghị theo hình thức trực tuyến. |
Đến nay, toàn tỉnh đã có 62/127 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, công nhận được 237 thôn kiểu mẫu, 177 thôn nông thôn mới, trong đó có 20 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới thuộc 11 xã đặc biệt khó khăn miền núi và biên giới. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 6 xã đạt chuẩn nông thôn nâng cao, có thêm 40 thôn nông thôn mới và 16 thôn kiểu mẫu.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đã đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin… Cùng với đó, thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo khác như: Phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm; hỗ trợ về y tế, vay vốn tín dụng ưu đãi, nhà ở, giáo dục… Kết quả, tỷ lệ nghèo giảm 5,82/4,5%, bằng 129,33% kế hoạch giao, tương ứng giảm 9.770 hộ nghèo (số hộ nghèo còn 34.585 hộ/178.586 hộ trên địa bàn, chiếm 19,37 %); tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 0,77%, tương đương giảm 1.071 hộ so năm 2021 (số hộ cận nghèo còn lại 21.733 hộ/178.586 hộ, chiếm tỷ lệ 12,17% so với tổng số hộ trên địa bàn); tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo giảm 7,7/6, bằng 128% kế hoạch tỉnh và Trung ương giao, tương đương giảm 4.191 hộ nghèo (Bắc Hà giảm 8,8%; Si Ma Cai giảm 7,5%; Mường Khương giảm 7,7%; Bát Xát giảm 8,3%).
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chủ trì hội nghị. |
Nghị quyết số 10-NQ/TU được ban hành và triển khai đã khai thác được tiềm năng, lợi thế của Lào Cai, xác định rõ 06 ngành hàng chủ lực (chè, dược liệu, chuối, dứa, quế, chăn nuôi lợn), 2 lĩnh vực là phát triển kinh tế đồi rừng và ngành hàng tiềm năng. Các ngành hàng chủ lực theo Nghị quyết đều có sự phát triển rõ nét. Bước đầu đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Vùng chè đạt 7.346 ha, vùng dược liệu hàng năm 573 ha, vùng sản xuất chuối 3.174 ha, vùng sản xuất dứa 2.060 ha, vùng sản xuất quế tập trung đạt trên 50.000 ha, vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng tập trung phục vụ chế biến đạt 87.100 ha.
Năm 2022 là năm thứ 2 triển khai thực hiện Kế hoạch số 239 ngày 19/5/2021 của UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đối với 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Không chỉ ưu tiên bố trí nguồn nhân lực, gắn trách nhiệm người đứng đầu, tỉnh khuyến khích đẩy mạnh phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và chú trọng đào tạo nghề, tạo việc làm cho người dân tại các xã nghèo... Hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo bình quân các xã là 60,95%, giảm 11,15% (giảm 676 hộ), vượt 23,91% so với mục tiêu kế hoạch.
Tại hội nghị, đại diện các ngành, địa phương thảo luận làm rõ những kết quả trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, việc phát triển kinh tế - xã hội tại 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao; nêu những khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp để triển khai có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Nghị quyết 10 trong năm 2023 và giai đoạn tới.
Những thách thức lớn trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia có hai khó khăn thách thức trong thời gian tới. Một là, thời gian thực hiện ngắn phải hấp thụ nguồn vốn lớn, nếu không quyết liệt trong chỉ đạo điều hành sẽ rất khó khăn. Hai là, mục tiêu đặt ra cao, nhưng mất tới hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 kéo theo các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giảm sâu, để đảm bảo hoàn thành mục tiêu cả giai đoạn thì đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn.
Đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh khai mạc hội nghị. |
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề cập đến 3 khó khăn trong quá trình triển khai triển khai đầu tư xây dựng các công trình thuộc các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia. Một là, tiến độ chuẩn bị đầu tư hiện đang chậm, điều này kéo theo việc thực hiện giao vốn, đấu thầu, tổ chức triển khai thực hiện chậm. Hai là, công tác giải phóng mặt bằng cũng còn khó khăn, hiện đang thực hiện theo hai cơ chế, giao thông nông thôn thì nhân dân hiến đất làm đường, các công trình đầu tư xây dựng cơ bản thực hiện thu hồi đất giải phóng mặt bằng thuộc ngân sách cấp huyện điều này cũng gây sức ép đối với ngân sách cấp huyện. Ba là, công tác quản lý chất lượng công trình khi phân cấp rất mạnh, các chương trình mục tiêu quốc gia đều do cấp huyện quản lý, vẫn con người đó nhưng khối lượng công việc lớn hơn rất nhiều.
Nhận diện nguyên nhân để có giải pháp đột phá
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy, đánh giá cao kết quả toàn diện mà các địa phương, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, cùng toàn thể nhân dân các dân tộc đã đạt được trong năm 2022, nhất là trong công tác giảm nghèo bền vững.
Đồng chí Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị. |
Tuy nhiên, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa và phát triển kinh tế - xã hội tại 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao vẫn còn một số khó khăn, tồn tại.
Đồng chí Bí thư bày tỏ trăn trở nếu tăng trưởng kinh tế của tỉnh cao mà nhiều nơi đồng bào vẫn nghèo thì thật đáng suy nghĩ. Vậy nguyên nhân là do đâu, phải đánh giá thật kỹ, nhất là nguyên nhân chủ quan, khó khăn, vướng mắc như vậy, chủ trương đã đúng, trúng chưa? Cách làm, cách thức triển khai ở một số cơ quan, đơn vị còn nhiều việc đáng bàn. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành có nơi thiếu chặt chẽ; vẫn còn có hiện tượng chậm trễ trong triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư, bố trí và giải ngân vốn. Nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa nắm bắt, chưa thuộc hết nguyên tắc, tiêu chí, trình tự nên khi triển khai còn lúng túng. Sự trùng xuống; tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm, không muốn làm ở một số địa phương, đơn vị; trình độ sản xuất của người dân còn hạn chế, ý thức của một bộ phận nhân dân vẫn còn tư tưởng ỷ lại trông chờ vào việc hỗ trợ của nhà nước...
Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hôi, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục xác định: “Phát triển nông nghiệp hàng hoá, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số” là những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, toàn diện, lâu dài. Việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các nghị quyết của Tỉnh ủy có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở vùng nông thôn.
Tiếp tục huy động nguồn lực, nhất là nguồn ngoài ngân sách để thực hiện các mục tiêu của các chương trình mục tiêu quốc gia; huy động tối đa các nguồn lực cho giảm nghèo, các xã nghèo, nhất là các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung lãnh chỉ đạo, kịp thời nhận diện, phân tích các nguyên nhân của những tồn tại hạn chế của từng địa phương để có giải pháp phù hợp với từng nơi, từng đối tượng.
Ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông, tạo động lực, tạo ra các mối liên kết thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng các mối liên kết bền vững trong sản xuất nông nghiệp, giữa nông dân với hợp tác xã, doanh nghiệp.
Thống nhất từ nhận thức đến hành động, nghiêm túc thực hiện chủ đề của năm 2023 "Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Hành động - Phát triển" trong quá trình triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia và Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Có cơ chế đánh giá, khảo sát, lấy ý kiến nhân dân gắn với kiểm tra, giám sát định kỳ, kịp thời chấn chỉnh những vấn đề còn tồn tại; gắn kiểm tra với hướng dẫn, tháo gỡ để đạt được hiệu quả cao nhất. Có cơ chế bảo vệ người dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung, nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo.
Cũng tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã phát động phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành toàn diện và vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch của 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 và Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa...
Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP. |
Nhiều tập thể, cá nhân được khen thưởng trong phong trào thi đua thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Cụ thể: Tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 7 tập thể và 17 hộ gia đình có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua thực hiện Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai năm 2022. Tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 5 tập thể và 4 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2022. Tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 2 tập thể có nhiều thành tích đóng góp, ủng hộ thực hiện công tác giảm nghèo bền vững năm 2022. Tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 5 tập thể và 7 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác giảm nghèo bền vững năm 2022. Tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 7 tập thể và 28 cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới năm 2022. Tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 20 tập thể và 45 cá nhân có nhiều thành tích đóng góp, ủng hộ trong xây dựng nông thôn mới năm 2022.
Trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 7 tập thể và 17 hộ gia đình có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua thực hiện Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. |
Trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác giảm nghèo bền vững năm 2022. |
Trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 5 tập thể và 4 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2022. |
. |
Trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể và cá nhân có nhiều thành tích trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo. |