Dự hội nghị tại Trung ương có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc bộ, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.
Dự hội nghị tại điểm cầu Lào Cai có đồng chí Nguyễn Trọng Hài, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Nội vụ, lãnh đạo các sở ban, ngành của tỉnh, Trưởng phòng Nội vụ các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo tại hội nghị, ngay từ đầu năm, ngành nội vụ luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đặt ra trong chương trình công tác và các nhiệm vụ phát sinh.
Năm 2023, với phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, gương mẫu, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả”, tập trung vào “3 đột phá, 4 trọng tâm”, ngành nội vụ cơ bản hoàn thành khối lượng lớn nhiệm vụ được giao.
Ngành đã chủ động đổi mới hoạt động quản lý công vụ, công chức; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và đổi mới công tác thi tuyển, thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức; kịp thời tham mưu điều chỉnh lương cơ sở tăng lên 20,8%, tham mưu trình Quốc hội thông qua cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27 của Hội nghị Trung ương 7, khóa XII, tổ chức thực hiện từ ngày 1/7/2024.
Trong công tác tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Nội vụ đã tham mưu với Chính phủ ban hành quy định về thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy trong hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm.
Các địa phương đã tập trung triển khai rà soát, sắp xếp tổ chức hành chính, giảm 13 sở và tổ chức hành chính khác thuộc UBND tỉnh; giảm 2.572 tổ chức phòng và tương đương thuộc cơ quan chuyên môn UBND tỉnh, huyện trong cả nước. Từ ngày 1/1 đến ngày 15/12/2023, tổng số đối tượng tinh giản biên chế là 7.151 người (Trung ương giảm 146 người và địa phương giảm 7.005 người).
Công tác cải cách hành chính được thực hiện quyết liệt, tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Công tác thi đua, khen thưởng được các địa phương quan tâm, chủ động, sát sao theo hướng tôn vinh, khen thưởng, biểu dương đối tượng lao động trực tiếp. Công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo được duy trì ổn định, tuân thủ pháp luật. Công tác văn thư, lưu trữ, quản lý hội, quỹ và tổ chức phi chính phủ, công tác thanh niên, thanh tra, pháp chế, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, đào tạo, bồi dưỡng...
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nội vụ thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới, đó là: Công tác triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực nội vụ chưa kịp thời. Người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ; vẫn còn tình trạng một số cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc dẫn đến chậm tiến độ, giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và niềm tin của người dân, doanh nghiệp...
Triển khai nhiệm vụ công tác năm2024, ngành nội vụ thực hiện phương châm hành động “Kỷ cương, gương mẫu, chuyên nghiệp, hiệu quả” nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, ngành nội vụ, trong đó tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ: Ưu tiên toàn diện và tập trung nguồn lực cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực nội vụ, trọng tâm là đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả về tổ chức bộ máy, biên chế; tham mưu trình cấp có thẩm quyền triển khai đồng bộ, thống nhất, toàn diện, hiệu quả thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024 theo Nghị quyết số 27-NQ/TW...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá cao kết quả công tác nội vụ trong năm 2023. Đồng chí nhấn mạnh, năm 2024, toàn ngành phải ưu tiên toàn diện và tập trung nguồn lực vào việc đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, cơ bản hoàn thiện mô hình chế độ công vụ theo vị trí việc làm; hoàn thiện tiêu chuẩn, chức danh công chức và tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý các cấp. Vụ/Ban Tổ chức cán bộ các bộ, ngành, Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tham mưu cấp có thẩm quyền kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế; đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực quản lý. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số góp phần xây dựng nền hành chính dân chủ, pháp quyền, hiện đại, chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả phục vụ Nhân dân...