LCĐT - Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển của Đảng, Nhà nước ta, trong những năm qua, tỉnh Lào Cai đã quan tâm phát triển mạnh mẽ quan hệ đối ngoại, xem đây là một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển của địa phương. Trong đó, mối quan hệ với tỉnh láng giềng Vân Nam (Trung Quốc) được chú trọng vun đắp, ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu trên nhiều lĩnh vực. Nhân chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa từ ngày 30/10 đến ngày 2/11/2022, phóng viên Báo Lào Cai đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Thanh Quang, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh về nội dung này.
Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong hội đàm trực tuyến với Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam (Trung Quốc) tháng 4/2022. |
Nền móng vững chắc
Phóng viên (PV): Quan hệ đối ngoại giữa tỉnh Lào Cai (Việt Nam) với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) từ thời điểm tái lập tỉnh Lào Cai đến nay như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Thanh Quang: Đầu tháng 11 năm 1991, nhận lời mời của Đảng và Chính phủ Trung Quốc, Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Chính phủ Việt Nam do Tổng Bí thư Đỗ Mười và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã tới thăm chính thức Trung Quốc. Thông cáo chung được công bố sau đó nêu rõ, hai nước Việt Nam và Trung Quốc chính thức “bình thường hóa quan hệ” theo 5 nguyên tắc chung.
Sau sự kiện này, quan hệ ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc phát triển nhanh chóng, toàn diện và sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, ở cấp độ địa phương cũng có những chuyển biến rõ rệt.
Với tỉnh Lào Cai, tuy mới tái lập còn nhiều bộn bề, nhưng đã sớm quan tâm và chủ động trao đổi, nâng cấp mối quan hệ đối ngoại với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), trong đó ưu tiên hàng đầu là đối ngoại về kinh tế - thương mại. Hai bên cùng đề xuất với Chính phủ hai nước nâng cấp cặp Cửa khẩu quốc gia Lào Cai - Hà Khẩu thành cửa khẩu quốc tế; lễ mở lại cửa khẩu được thực hiện vào giữa năm 1993, đáp ứng nhu cầu thông quan hàng hóa cho cư dân hai bên bên giới. Đầu năm 1996, Cửa khẩu quốc tế đường sắt Lào Cai - Hà Khẩu cũng mở lại hoạt động của các đôi tàu liên vận quốc tế Hà Nội - Côn Minh. Sau đó, hai bên còn mở các cặp cửa khẩu quốc gia Mường Khương - Kiều Đầu, các lối mở thông quan hàng hóa cư dân ở dọc tuyến biên giới.
Đồng chí Vương Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam (Trung Quốc) hội đàm với Bí thư Tỉnh ủy 4 tỉnh của Việt Nam là Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, tháng 4/2022. |
Quan hệ đối ngoại, hợp tác hữu nghị giữa tỉnh Lào Cai với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) còn được đẩy mạnh, ngày càng toàn diện trên các lĩnh vực khác. Dấu mốc quan trọng là tháng 4/2004, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Bùi Quang Vinh nhận lời mời phía Chính phủ nhân dân tỉnh Vân Nam đã sang thăm và hội đàm với đồng chí Từ Vinh Khải, Tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam. Tiếp đó, tháng 6/2004, đồng chí Giàng Seo Phử, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai nhận lời mời của Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam đã sang thăm và hội đàm với Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam là đồng chí Bạch Ân Bồi. Cũng trong năm 2004 còn diễn ra sự kiện Tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam là đồng chí Từ Vinh Khải sang thăm và hội đàm với Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Bùi Quang Vinh tại Sa Pa; đoàn đại biểu Chính phủ nhân dân tỉnh Vân Nam hội đàm tại Hà Nội với lãnh đạo các tỉnh trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, trong đó có lãnh đạo tỉnh Lào Cai. Với quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai bên và nhiều nỗ lực của tỉnh Lào Cai, cuối năm 2007, Lào Cai trở thành địa phương đầu tiên trên toàn tuyến biên giới với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc trên thực địa. Đây là một dấu mốc lịch sử.
Giao lưu hữu nghị đồn - trạm giữa Bộ đội Biên phòng Lào Cai và Công an biên giới tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). |
Định hướng rõ ràng
PV: Còn quan hệ Lào Cai - Vân Nam trong giai đoạn hiện nay như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Thanh Quang: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 14 về “Mở rộng đối ngoại, chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016 - 2020” gồm 4 mục tiêu chính, trong đó mục tiêu đứng đầu là “Coi trọng hợp tác toàn diện, đi vào chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc”.
Tháng 11/2015, tại Hà Nội, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo cấp cao hai nước, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai và Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam đã ký thỏa thuận triển khai giao lưu hữu nghị đảng bộ địa phương giữa Tỉnh ủy Lào Cai và Tỉnh ủy Vân Nam. Tiếp đó, tháng 8/2017, Lào Cai trở thành tỉnh biên giới đầu tiên trong 6 tỉnh trên tuyến biên giới phía Bắc ký thỏa thuận thiết lập quan hệ hữu nghị với tỉnh đối diện là Vân Nam.
Ưu tiên hợp tác toàn diện với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) là định hướng chiến lược đối ngoại của tỉnh Lào Cai trong nhiều năm qua (ảnh: Hội nghị gặp gỡ Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu của Việt Nam và Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam - Trung Quốc, tháng 4/2022). |
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiếp tục xác định: “Củng cố và phát triển hợp tác hữu nghị toàn diện với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)”. Trong 3 năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các cuộc gặp trực tiếp nhằm củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai tỉnh của lãnh đạo Tỉnh ủy, chính quyền và các ngành, địa phương giữa tỉnh Lào Cai với tỉnh Vân Nam phải tạm ngưng, nhưng vẫn duy trì hội đàm và các trao đổi song phương trên nền tảng trực tuyến. Tháng 5/2021 và tháng 4/2022, Bí thư Tỉnh ủy 4 tỉnh của Việt Nam có chung đường biên giới với Vân Nam (Trung Quốc), trong đó có tỉnh Lào Cai đã tổ chức hội đàm trực tuyến với Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam để trao đổi kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, hợp tác phòng, chống dịch bệnh; thiết lập cơ chế giao lưu, hợp tác về nông nghiệp,…
Ở cấp địa phương, đến nay đã có 6 cặp huyện, thành phố của Lào Cai và Vân Nam ký kết thỏa thuận thiết lập quan hệ hữu nghị; 6 cặp thôn, bản và 10 đồn biên phòng của Lào Cai ký kết quan hệ phối hợp, hữu nghị với 19 đơn vị biên phòng của tỉnh Vân Nam.
Hội chợ quốc tế được tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam tổ chức thường niên, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch thương mại 2 chiều. |
Hợp tác toàn diện
PV: Định hướng "hợp tác toàn diện, đi vào chiều sâu” đã được thể hiện như thế nào trên thực tế, thưa ông?
Ông Phạm Thanh Quang: Lào Cai nằm ở vị trí cầu nối của tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, 1 trong 5 hành lang của Tiểu vùng sông Mê Kông (GMS) và cũng là một bộ phận của Chương trình hợp tác “Hai hành lang, một vành đai” giữa Việt Nam và Trung Quốc nên việc đẩy mạnh hợp tác toàn diện giữa Lào Cai với tỉnh Vân Nam còn mang giá trị quốc gia, quốc tế sâu sắc.
Đến nay, hợp tác giữa Lào Cai với tỉnh Vân Nam đã được xác định trên 10 lĩnh vực chính và đang nâng cấp, mở rộng liên tục. Đó là hợp tác về giao lưu hữu nghị với việc thường xuyên trao đổi đoàn các cấp (ngoại trừ thời điểm dịch Covid-19), trong đó có đoàn của Tỉnh ủy, UBND, HĐND và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai với cơ quan đồng cấp phía Vân Nam.
Về hợp tác về thương mại, ngay sau khi Việt Nam và Trung Quốc “bình thường hóa quan hệ”, hoạt động giao lưu buôn bán, trao đổi thương mại hai chiều giữa Lào Cai và Vân Nam hết sức sôi động với sự tạo điều kiện tốt nhất của hai tỉnh. Cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu từ lâu đã trở thành điểm thông thương hàng hóa của cả nước và các nước ASEAN với tỉnh Vân Nam và vùng Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc. Từ năm 2001 đến nay, hai tỉnh đã duy trì việc tổ chức luân phiên thành công các kỳ hội chợ thương mại biên giới với quy mô, chất lượng ngày càng tăng (ngoại trừ những năm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp).
Kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa 2 chiều giữa Lào Cai với Vân Nam (Trung Quốc) ngày càng tăng (ngoại trừ thời điểm dịch Covid-19). (Ảnh: Hàng hóa thông quan tại Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai). |
Về hợp tác đầu tư, trên địa bàn Lào Cai hiện đang có 12 dự án FDI từ Trung Quốc còn hiệu lực, với tổng mức đầu tư 388 triệu USD (chiếm hơn 70% vốn FDI của tỉnh), trong đó vốn từ các doanh nghiệp tỉnh Vân Nam chiếm 97,3%; điển hình như dự án Nhà máy Gang thép Việt Trung, Nhà máy thủy điện Séo Choong Hô. Về giao thông, tỉnh Lào Cai và Vân Nam đã đẩy mạnh kết nối cả về đường sắt, đường bộ và đường thủy.
Ngoài ra, hai tỉnh Lào Cai và Vân Nam còn đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực du lịch, y tế - giáo dục - thể thao, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp - vận chuyển - tiêu thụ nông sản, hợp tác trong công tác quản lý biên giới và quản lý cửa khẩu, hợp tác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và hợp tác trong bảo vệ môi trường.
Kỳ vọng tương lai
PV: Ông kỳ vọng như thế nào về phát triển quan hệ hợp tác Lào Cai - Vân Nam sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc lần này?
Ông Phạm Thanh Quang: Tôi cho rằng chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc là thể hiện tình hữu nghị truyền thống của Đảng, Nhà nước và Nhân dân hai nước. Thông qua chuyến thăm, quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ tiếp tục được nâng lên, tạo điều kiện tốt hơn cho củng cố quan hệ đối ngoại chủ động và tích cực giữa các địa phương trên tuyến biên giới.
Thực hiện Nghị quyết 11 - NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Lào Cai đã xác định phấn đấu thực hiện tốt vai trò là cực tăng trưởng vùng và vị trí cầu nối trên tuyến hàng lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và trục kết nối ngang giữa các tỉnh Đông Bắc và Tây Bắc Bộ.
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong ký biên bản trao đổi kinh nghiệm công tác xây dựng Đảng với Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam (Trung Quốc) tháng 4/2022. |
Đồng chí Vũ Văn Cài, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh ký biên bản hợp tác với người đồng cấp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) vào tháng 4/2022. |
Năm 2021, kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa qua cặp Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu đạt 3,5 tỷ USD nhưng trong 9 tháng của năm 2022, con số này mới đạt gần 1,7 tỷ USD, do ảnh hưởng bởi chính sách thắt chặt của Trung Quốc để phòng chống dịch Covid-19. Tôi mong rằng trong thời gian tới, phía Trung Quốc sẽ sớm mở cửa, nới lỏng chính sách kiểm soát dịch Covid-19, tạo điều kiện cho hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa qua các cặp cửa khẩu, trong đó có cặp Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu trở lại bình thường.
Về lâu dài, hợp tác toàn diện, đi vào chiều sâu giữa tỉnh Lào Cai với tỉnh Vân Nam sẽ tiếp tục được nâng lên, bởi đó không chỉ là nhu cầu của cả hai bên mà còn là xu thế tất yếu của hội nhập kinh tế quốc tế.
PV: Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!