Lần đầu tiên sách tiếng Việt được đưa vào thư viện lớn nhất ở thủ đô Brussels

Bộ sách tiếng Việt do Tổng Hội người Việt Nam ở Bỉ tặng thư viện Muntpunt, với kỳ vọng tạo một “góc Việt” thực sự, nơi trẻ em có thể đọc sách, chơi trò chơi dân gian, nói tiếng mẹ đẻ tự nhiên.

Tủ sách Việt tại một nhà hàng ở Bỉ.
Tủ sách Việt tại một nhà hàng ở Bỉ.

Tháng Tư về, Brussels vẫn nhộn nhịp với nhịp sống châu Âu hiện đại. Nhưng ở một góc nhỏ trong thư viện Muntpunt, thư viện lớn nhất ở thủ đô Brussels của Bỉ nơi lặng lẽ nuôi dưỡng tình yêu sách cho bao thế hệ, một làn gió mới vừa thổi qua.

Lần đầu tiên, trên kệ sách của thư viện này, tiếng Việt - thứ ngôn ngữ giàu âm điệu và chan chứa hồn dân tộc - chính thức hiện diện như một phần không thể thiếu trong bức tranh văn hóa đa sắc màu của Brussels.

Đây không chỉ đơn thuần là những cuốn truyện mà còn là cầu nối những đứa trẻ xa quê với cội nguồn văn hóa của cha ông.

Bộ sách do Tổng Hội người Việt Nam tại Bỉ (UGVB) trao tặng cho thư viện Muntpunt hướng đến đối tượng trẻ em từ 0-6 tuổi, những mầm non đang lớn lên giữa hai nền văn hóa. Trong số đó, có những câu chuyện dân gian như "Cây tre trăm đốt," những tập thơ thiếu nhi ngọt ngào hay những cuốn truyện tranh sống động.

Mỗi trang sách không chỉ mang thông điệp giáo dục mà còn là nhịp cầu nối con trẻ với cội nguồn.

Giữa muôn vàn ngôn ngữ phổ biến ở Bỉ như tiếng Pháp, Hà Lan, Đức, Anh..., tiếng Việt giờ đây cũng có chỗ đứng, dù khiêm tốn nhưng đầy kiêu hãnh, ngay tại nơi biểu tượng của tri thức và hội nhập.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Brussels, chị Brenda - người phụ trách mảng thiếu nhi tại thư viện Muntpunt - cho biết thư viện luôn nỗ lực hỗ trợ các cộng đồng nhập cư, trong đó có người Việt, để gìn giữ ngôn ngữ mẹ đẻ và tạo nền tảng đọc sách bền vững cho trẻ em.

Việc những em nhỏ được tiếp xúc với sách tiếng Việt, không phải ở nhà mà tại chính một không gian văn hóa công cộng, là điều "vô cùng quý giá."

Bà Nguyễn Chung Thủy, phụ trách Ban Văn hóa-Xã hội của UGVB, cho biết không chỉ đơn thuần mang sách đến thư viện, UGVB kỳ vọng tạo dựng một “góc Việt” thực sự, nơi trẻ em có thể đọc sách, nghe thơ, chơi trò chơi dân gian và nói tiếng mẹ đẻ một cách tự nhiên, vui thích.

Tại lễ trao tặng sách, thư viện Muntpunt khoác diện mạo mới đầy màu sắc Việt Nam.

Một góc nhỏ rộn ràng tiếng cười trẻ thơ khi các em cùng nhau chơi ô ăn quan, trò chơi dân gian tưởng như đã bị bỏ quên giữa thời đại công nghệ.

Những viên sỏi, cái ô, cái quan… được chính các bậc cha mẹ giới thiệu lại cho con em mình như một lát cắt ký ức của quê nhà.

Trong số các bạn nhỏ tham gia sự kiện, cháu Vũ Hồng Ngân, 13 tuổi, cho biết khi cầm sách có cảm giác như đang được ở Việt Nam và đọc sách với ông bà ngoại ở quê nhà.

Nhờ Tủ sách tiếng Việt, Hồng Ngân có cơ hội duy trì đọc và viết tiếng Việt dù đang sống ở nước ngoài.

Một ấn tượng đặc biệt khác đến từ cháu Lisa, sắp bước sang tuổi thứ 9. Sinh ra và lớn lên ở Bỉ, Lisa khiến không ít người xúc động khi đọc trôi chảy một tập thơ thiếu nhi bằng tiếng Việt. Bé bảo rằng mẹ thường xuyên hát ru, đọc thơ và kể chuyện cổ tích bằng tiếng Việt.

Với Lisa, viết chính tả tiếng Việt vẫn là một “môn khó” vì có nhiều dấu và thanh nhưng cô bé quyết tâm sẽ học dần. Điều làm Lisa thích nhất chính là được tự mình đọc sách tiếng Việt và biết thêm được nhiều điều về Việt Nam qua những cuốn truyện sinh động.

Nhân dịp này, nhà văn-nhà báo Kiều Bích Hương, một người con xa xứ nhiều năm sống tại Bỉ, đã gửi tặng thư viện Muntpunt bộ truyện tranh “Mật hiệu OGO,” một tác phẩm phản ánh sinh động cuộc sống của trẻ em trong các gia đình đa văn hóa, nơi các em thường xuyên phải đối mặt với những tình huống "dở khóc, dở cười" khi đi giữa hai thế giới: bản sắc và hội nhập.

Nhà báo chia sẻ việc đọc sách bằng ngôn ngữ mẹ đẻ không chỉ giúp trẻ em hiểu được bản sắc dân tộc mà còn giúp cha mẹ, những người sống trong môi trường đa ngôn ngữ, có thêm cầu nối gần gũi với con cái.

Việc duy trì tiếng Việt trong gia đình đa văn hoá không thể thiếu vai trò của các bậc phụ huynh. Từ những buổi tối kể chuyện bằng tiếng Việt, những bài hát ru của mẹ, đến những lần kiên nhẫn uốn từng dấu hỏi, ngã, sắc, huyền..., đó là hành trình thầm lặng nhưng mạnh mẽ để gieo giữ một ngôn ngữ vào trái tim non nớt.

Nhiều cha mẹ người Việt tại Bỉ đã hình thành những nhóm nhỏ, nơi họ cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm dạy tiếng Việt cho con, cùng động viên nhau gìn giữ ngôn ngữ gốc trong cuộc sống bộn bề.

Bởi với họ, tiếng “mẹ đẻ” không chỉ là phương tiện giao tiếp mà còn là sợi dây ràng buộc tinh thần, là cánh cửa mở ra một thế giới đầy yêu thương và ký ức.

Sự kiện trao tặng sách tiếng Việt cho thư viện Muntpunt không đơn thuần là hoạt động cộng đồng mà còn mang đầy cảm xúc: tiếng Việt xứng đáng được có mặt giữa lòng châu Âu, nơi hội tụ của hàng trăm ngôn ngữ và nền văn hóa.

Những cuốn sách nhỏ bé, viết bằng ngôn ngữ của một đất nước cách Brussels hơn 9.000km, giờ đây đã ở đó, trên kệ sách, trong tay trẻ nhỏ, và trong những giấc mơ tuổi thơ có hình bóng quê hương.

Theo vietnamplus.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Kỷ niệm 140 năm ngày vua Hàm Nghi ban Chiếu Cần Vương

Kỷ niệm 140 năm ngày vua Hàm Nghi ban Chiếu Cần Vương

Ngày 13/7, tại Đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương, thuộc Di tích lịch sử quốc gia Thành Tân Sở ở xã Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, Ủy ban nhân dân xã Cam Lộ tổ chức Lễ kỷ niệm 140 năm ngày vua Hàm Nghi ban Chiếu Cần Vương 13/7 (1885-2025), mở đầu cho phong trào Cần vương chống thực dân Pháp.

UNESCO ghi danh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn-Kiếp Bạc vào danh mục Di sản thế giới

UNESCO ghi danh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn-Kiếp Bạc vào danh mục Di sản thế giới

Theo thông tin từ Cục Di sản văn hóa, chiều 12/7 (giờ Paris), tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO), Giáo sư Nikolay Nenov (Bulgaria), Chủ tịch Kỳ họp đã chính thức gõ búa ghi danh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản văn hóa thế giới.

Cung đàn tròn người Pa Dí

Cung đàn tròn người Pa Dí

“Mường Khương xanh rất xanh…/Biên giới ơi yêu lắm một cung đàn/Một cung đàn tròn dân tôi người pa dí/Một cung đàn tròn như ánh trăng rằm/Một cung đàn tròn như mặt trời nắng mai rực rỡ”… đó là những câu thơ trong bài thơ “Đất nước tôi xanh một cung đàn tròn” của nhà thơ Pờ Sảo Mìn.

Tuồng, Chèo, Cải lương về một nhà: Tạo ra bộ máy tinh - gọn - mạnh

Tuồng, Chèo, Cải lương về một nhà: Tạo ra bộ máy tinh - gọn - mạnh

Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam và Nhà hát Tuồng Việt Nam hợp nhất thành Nhà hát Sân khấu truyền thống quốc gia Việt Nam, hoàn thành trước ngày 1/8. Lãnh đạo các nhà hát khẳng định điều này giúp bộ máy quản lý trở nên tinh, gọn, mạnh, mở ra cơ hội mới cho sân khấu truyền thống. 

Hàn Quốc, Việt Nam bắt tay làm nhạc kịch về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Hàn Quốc, Việt Nam bắt tay làm nhạc kịch về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhà hát Kịch Việt Nam đồng thời khởi công chương trình nghệ thuật “Bác Hồ một tình yêu bao la” và vở nhạc kịch “Cafe bánh mì”, hướng tới kỷ niệm 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2/9. Đặc biệt vở nhạc kịch "Cafe bánh mì" đánh dấu sự hợp tác của Nhà hát Kịch Việt Nam và ê-kíp sáng tạo đến từ Hàn Quốc. 

Khởi công hai tác phẩm sân khấu kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9

Khởi công hai tác phẩm sân khấu kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9

Ngày 9/7, tại Hà Nội, Nhà hát Kịch Việt Nam khởi công chương trình nghệ thuật “Bác Hồ một tình yêu bao la” và vở nhạc kịch “Café bánh mì” có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ Hàn Quốc. Đây là hai tác phẩm đặc biệt được dàn dựng và công diễn nhân kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 – 19/8/2025) và Quốc khánh 2/9.

Gìn giữ nét đẹp văn hóa Then Giáy

Gìn giữ nét đẹp văn hóa Then Giáy

Trong đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc Giáy ở Bát Xát, cúng Then, làm Then là một nghi thức quan trọng nhằm hóa giải những điều không may mắn, cầu mong thần linh phù hộ cho con người luôn khỏe mạnh, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tuy nhiên, chỉ những người có duyên, am hiểu sâu sắc về văn hóa, thuộc nhiều bài cúng mới có thể làm Thầy Then và đi hành lễ.

fb yt zl tw