Làm sao để thu hút nguồn vốn tư nhân vào phát triển bền vững ngành năng lượng?

Để đảm bảo chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, trong giai đoạn 2021 - 2030, với nguồn lực của nhà nước thông qua đầu tư công là rất hạn chế nên nguồn vốn từ khu vực tư nhân được xác định là "trọng yếu". Trong bối cảnh rất nhiều dự án đầu tư vào năng lượng tái tạo thời gian qua gặp các vướng mắc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, làm sao để thu hút đầu tư tư nhân?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Các chuyên gia, nhà quản lý khuyến nghị: vấn đề cốt yếu vẫn là giải quyết các nút thắt thể chế để khơi thông nguồn lực này.

Dẫn chứng “tổng vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu khí đốt đến năm 2030 khoảng 270.000 tỷ đồng”, ông Phạm Cường Quốc -Vụ Dầu khí và Than, Bộ Công Thương cũng thông tin: việc huy động nguồn lực cũng đã được nhấn mạnh tại Quyết định 861 ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 “chủ yếu từ nguồn vốn ngoài ngân sách, vốn của doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác. Nguồn vốn ngân sách nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ dành riêng cho hạ tầng dự trữ quốc gia”.

Rất nhiều khó khăn có thể gặp phải trong quá trình triển khai Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia nói chung, các phân ngành năng lượng như điện, than, xăng dầu khí đốt.

“Vốn ngân sách nhà nước chỉ đảm bảo để thực hiện những dự án mang tính chất là các dự án dự trữ quốc gia, những dự án mang tầm quốc gia, và việc thu xếp các nguồn vốn ngân sách Nhà nước hiện nay cũng rất là hạn chế. Các khó khăn khác nữa - ví dụ như trong việc đàm phán, ký kết các hợp đồng mua bán điện, khí, rồi các cam kết bao tiêu sản lượng khí, điện đối với các dự án LNG… Rồi các dự án điện khí hiện nay thì nó còn bị cạnh tranh bởi các nguồn điện giá rẻ khác như là thủy điện, điện than, điện mặt trời và các dạng năng lượng khác… rồi là khó khăn về mặt công nghệ, về mặt nguồn nhân lực để triển khai các dự án điện khí thì hiện nay cũng đang gặp nhiều khó khăn” - ông Phạm Cường Quốc nói.

Làm sao để thu hút nguồn vốn tư nhân vào phát triển bền vững ngành năng lượng.

Việt Nam đã bắt đầu phải nhập khẩu than từ năm 2015 và tương lai sẽ tiếp tục phụ thuộc vào nhập khẩu hàng chục triệu tấn than cho sản xuất điện và các ngành kinh tế khác trong bối cảnh các nguồn năng lượng sơ cấp này luôn chịu các biến động bất thường và khó đoán định từ thị trường thế giới, khi giá tăng cao/ nhưng có lúc lại tồn kho lớn… Theo các chuyên gia, để đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững, cần coi trọng tính dự báo gắn với các quyết sách mạnh mẽ, linh hoạt nhưng cũng cần ổn định để tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh vai trò hết sức quan trọng của ngành năng lượng, mang tính quyết định trong thực hiện sứ mệnh “chuyển đổi xanh”, tăng trưởng xanh của Việt Nam gắn với lộ trình tiến đến Net-zero (đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050) - đặc biệt đối với một đất nước còn nhiều hạn chế, cả về nguồn lực vốn, công nghệ và kỹ năng…

Dẫn chứng mỗi năm Việt Nam cần bổ sung thêm ít nhất 14 - 16 tỷ USD để thực hiện bản thiết kế Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 (Quy hoạch Điện VIII), TS. Võ Trí Thành khẳng định vai trò “vô cùng quan trọng” của nguồn lực tư nhân, vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước. Trong 3 thách thức lớn cần tháo gỡ để khơi thông nguồn vốn đầu tư tư nhân.

TS. Võ Trí Thành liên tục nhấn mạnh tới câu chuyện “thể chế”, bao gồm cả thể chế pháp lý và thể chế thực thi: “Thách thức đầu tiên là vấn đề thể chế. Về thể chế thì ở đây nó có hai câu chuyện: Một là môi trường kinh doanh mà đủ hấp dẫn các nhà đầu tư; Khía cạnh thứ hai là thể chế thực thi. Theo tôi được biết, một dự án năng lượng đầu tư mất khoảng 2-3 năm, trong bối cảnh hiện nay thì không ít còn né tránh, sợ sệt, lo ngại thì nó lại càng khó khăn. Thế và còn một điểm nữa cũng rất quan trọng, đặc biệt đối với ngành điện - một vấn đề lớn hiện nay chúng ta đều biết đó là vấn đề giá điện, rồi những vấn đề về thể chế xây dựng một thị trường điện cạnh tranh… bên cạnh một số phân khúc đâu đó vẫn có thể có tính độc quyền ví dụ như vấn đề truyền tải”.

Từ thực tế khó khăn của ngành điện thời gian qua, TS. Võ Trí Thành cho rằng, để có thị trường điện cạnh tranh, câu chuyện vẫn là thể chế, là công cụ chính sách với các nguyên tắc cơ bản của thị trường: “Nguyên tắc đầu tiên là không nên trợ cấp, đặc biệt là trợ cấp quá mức cho những lĩnh vực năng lượng mà sử dụng nhiều tài nguyên - tận khai/truyền thống và có thể dành nguồn lực ấy cho chính sách hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang xanh, năng lượng điện xanh, sạch. Đấy là một trong những nguyên tắc cơ bản. Nguyên tắc thứ hai là nguyên tắc minh bạch. Câu chuyện của các doanh nghiệp nhà nước trong đó có EVN là bên cạnh kinh doanh đơn thuần đầu tư thì anh còn rất nhiều những nhiệm vụ chính trị xã hội khác. Nếu mà nó lằng ngoằng (gọi là như vậy) thì về tính minh bạch rất khó”.

PGS.TS Bùi Xuân Hồi - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng điện lực miền Bắc.

Nhấn mạnh chắc chắn nguồn vốn tư nhân là chủ đạo trong đầu tư vào ngành năng lượng, để thực thi các Quy hoạch năng lượng và các phân ngành điện, xăng dầu, vừa mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, PGS.TS Bùi Xuân Hồi - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng điện lực miền Bắc cho rằng, chỉ khi nào trả lời được câu hỏi “làm thế nào để thu hút được nguồn vốn tư nhân” thì mới có giải pháp hữu hiệu.

“Các nhà tư nhân tham gia vào đầu tư mục đích của họ là gì? Đó là lợi nhuận. Vì vậy, tất cả các câu chuyện về chỉnh sửa các cơ chế, chính sách đi kèm thì tôi nghĩ rằng phải theo hướng đó. Vốn tư nhân là chủ yếu thì phải có những cơ chế, chính sách để các nhà đầu tư tư nhân họ thấy hấp dẫn là một, họ cảm thấy yên tâm là hai, họ cảm thấy ít rủi ro… Chỉ có như thế thì mới thu hút được họ. Tôi cho rằng đấy là cái mấu chốt nhất khi thực hiện các quy hoạch điện” - PGS.TS Bùi Xuân Hồi nói.

Cũng trên cơ sở luận cứ này, cùng với thực tế rủi ro của không ít nhà đầu tư vào năng lượng tái tạo thời gian qua, PGS.TS Bùi Xuân Hồi đưa ra khuyến cáo đối với các nhà đầu tư tư nhân khi tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng: “Chúng ta đừng có quá vội vàng hoặc thực hiện nó mang tính chất chộp giật, nếu như tốt thì không sao nhưng không tốt thì hệ lụy rất lớn. Vì nếu chúng ta đầu tư vào ngành năng lượng mà thất bại thì đấy là câu chuyện của cả trăm tỷ, nghìn tỷ đồng. Cho nên các nhà đầu tư tư nhân cũng cần phải rất thận trọng nghiên cứu kỹ càng chính sách trước khi ra các quy định về đầu tư”.

Câu chuyện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hoàn thiện thể chế để tiến đến thị trường cạnh tranh chính là cơ hội để thu hút nguồn lực đầu tư tư nhân vào hạ tầng năng lượng. Trong đó, cần đặc biệt coi trọng thể chế thực thi, bởi theo các chuyên gia, vấn đề điều tiết chính sách của các bên liên quan phải tương thích với nhau, nếu không thì để có tiền đã rất khó, nhưng có tiền cũng không dễ tiêu được.

VOV

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam sẽ sớm có 5G thương mại trong quý 2?

Việt Nam sẽ sớm có 5G thương mại trong quý 2?

Với việc nhà mạng Viettel vừa đấu giá thành công quyền sử dụng khối băng tần cho mạng 5G, người dùng đang ngóng chờ trải nghiệm những dịch vụ 5G thương mại đầu tiên tại Việt Nam sau một thời gian xài thử nghiệm.

fb yt zl tw