Tác giả Nguyễn Khắc Cường, cây bút từng giành giải B Giải thưởng sách quốc gia với Joni mặt tịt và đồng bọn tinh nghịch, vừa ra mắt truyện dài Nụ hôn dưới vòm cây.
Một lần nữa, anh bắc cầu nối giữa những thế hệ khác nhau như đã từng làm trong Kho báu trong thành phố, cuốn sách vào chung khảo Giải thưởng Dế Mèn 2024.
Gạch nối giữa hiện tại và quá khứ oai hùng
Cuốn Nụ hôn dưới vòm cây nói về phóng viên Hải Đường đang làm việc cho một tờ báo tuổi teen.
Sau khi ngoại mất, anh tình cờ phát hiện cuốn sổ ghi chép cũ có danh sách những người đồng đội của bà trong lực lượng biệt động Sài Gòn.
Sự tình cờ này mang đến cho Hải Đường cuộc gặp gỡ với những người đặc biệt.
Đó là những người bạn cũ, cũng là đồng đội của Năm Thường, bà ngoại Hải Đường trong lực lượng biệt động Sài Gòn. Rồi Hải Đường còn gặp Sương Mai, cháu của ông Trầm Tú, người đồng đội cũ của bà Năm Thường. Hải Đường rủ Sương Mai viết báo.
Dưới vòm cây Sài Gòn đến với bạn đọc tuổi teen như một hồ sơ đặc biệt kỷ niệm ngày truyền thống học sinh sinh viên. Và bài báo cũng gây xúc động vì mối tình lãng mạn bừng nở giữa đạn bom nhưng cũng vì đạn bom mà chưa trọn vẹn.
Để viết Nụ hôn dưới vòm cây, tác giả Nguyễn Khắc Cường đã tham khảo các tư liệu thực tế, trong đó có cuốn sách Đội thanh niên cận vệ Sài Gòn (Nhà xuất bản Trẻ, 2012) khi xây dựng những nhân vật một thời: ông Tú, bà Mai, bà Năm Thường. Anh cũng sử dụng những trải nghiệm của mình làm cảm hứng cho những sự kiện mà Hải Đường và Sương Mai gặp phải.
Nếu người trẻ trân trọng quá khứ
Tác giả Nguyễn Khắc Cường nhiều lần khắc họa chi tiết những cảnh chiến đấu khiến người đọc hồi hộp đến nghẹt thở theo những tiếng đạn rơi, bom nổ:
"Với nhóm biệt động thành như Tú, cây súng là tài sản lớn. Tài sản đó không tính bằng tiền mà bằng sự mưu trí, quả cảm của các chị, các dì, các má.
Họ bất chấp hiểm nguy, vượt qua bao nhiêu vòng vây kẽm gai dày đặc xét hỏi của địch để vận chuyển vũ khí từ trong căn cứ ở Củ Chi vô nội thành cho các anh hoạt động".
Tác giả Nguyễn Khắc Cường bảo: "Nhiều năm trước tôi đã đọc đâu đó câu ngạn ngữ này: Nếu không có hạt sương rơi thì hoa hải đường sẽ không tự nở.
Cặp quan hệ từ "nếu... thì..." hay gợi cho tôi những suy ngẫm. Tôi thích cách đặt vấn đề "Nếu người trẻ trân trọng quá khứ..." hơn là "Nếu những hy sinh của cha ông mình bị lãng quên..."".
Tâm sự với Tuổi Trẻ, tác giả Nguyễn Khắc Cường chia sẻ: "Tôi đã viết báo cho thiếu nhi và tuổi mới lớn hơn 30 năm.
Với cuốn truyện này, có thể nói tôi viết với tâm thế của một người làm báo. Một câu chuyện lịch sử được kể trong bối cảnh đời sống hiện đại của những người trẻ.
Ở đó có những rung động đầu đời, có những băn khoăn, sai lầm, nông nổi; có cả tinh thần nhiệt huyết và những dấn thân hồn nhiên...
Tất cả những sắc màu đó đều hướng đến mục tiêu làm cho độc giả cảm thấy những gì tôi kể gần gũi với họ, hy vọng từ đó họ hào hứng đọc sách".