Kiểm soát giết mổ gia súc cần quyết liệt vào cuộc từ các địa phương

Mặc dù các cơ quan chức năng trong tỉnh đã thực hiện kiểm soát giết mổ gia súc, tuy nhiên trong công tác này đã bộc lộ không ít khó khăn, bất cập tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm và phát sinh dịch bệnh trong chăn nuôi.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
gm1.JPG
Người dân mổ gia súc tại các điểm tự phát trong khu dân cư.

Thực trạng việc giết mổ gia súc

Huyện Bát Xát hiện có 28 hộ thường xuyên giết mổ gia súc để cung cấp cho các chợ trên địa bàn, trong đó có 19 hộ tại thị trấn Bát Xát và 9 hộ tại các xã. Phần lớn các hộ giết mổ gia súc hiện nay đều nằm xen kẽ trong khu dân cư. Số lượng giết mổ gia súc bình quân hơn 50 con/ngày. Điều đặc biệt, các cơ sở giết mổ trên địa bàn huyện Bát Xát đều không đạt tiêu chuẩn, điều kiện an toàn vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

Ông Đào Văn Tâm, cán bộ Phụ trách Trạm Thú y huyện Bát Xát cho biết, hiện nay Trạm Thú y huyện Bát Xát chỉ có 5 biên chế, các cán bộ đều tham gia vào nhiều công việc khác nhau. Do đó, việc kiểm soát giết mổ trên địa bàn đang gặp không ít khó khăn, bởi thiếu nhân lực.

Huyện Bảo Thắng có tới 127 hộ giết mổ gia súc thường xuyên, nhưng chỉ có 1 cơ sở giết mổ tập trung tại xã Gia Phú. Là huyện có địa bàn rộng, chăn nuôi lớn và là vùng trọng điểm cung cấp thịt gia súc, gia cầm cho các địa phương khác trong tỉnh, nhưng các điểm giết mổ tại Bảo Thắng lại nhỏ lẻ nằm rải rác, xen kẽ trong các khu dân cư, hoạt động dưới nhiều hình thức như giết mổ tại nhà, tại các hộ chăn nuôi... Ông Vũ Kiều Hưng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng cho biết, hầu hết các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ tại huyện đều tự phát, không có giấy phép đủ điều kiện hoạt động; không được đóng dấu kiểm soát giết mổ theo quy định; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, dụng cụ không đáp ứng điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

gm2.jpg
Cơ sở giết mổ tập trung tại phường Kim Tân không còn đủ điều kiện vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

Thành phố Lào Cai có lò mổ tập trung duy nhất tại phường Kim Tân, nhưng theo ghi nhận của cơ quan quản lý do tốc độ đô thị hóa nhanh, cơ sở vật chất xuống cấp; cơ sở đã không còn đảm bảo điều kiện về an toàn thực phẩm; cơ sở nằm trong khu dân cư đã không còn phù hợp, cần sớm di dời ra khỏi nội thị.

Khó kiểm soát giết mổ gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm

Thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, toàn tỉnh đang có tới 586 cơ sở giết mổ gia súc nhỏ lẻ nằm xen kẽ trong các khu dân cư, phần lớn không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, môi trường và an toàn thực phẩm.

gm3.jpg

Hiện tại, các cơ sở giết mổ gia súc nhỏ lẻ nằm xem kẽ tại các khu dân cư tại nhiều địa bàn khác nhau, gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý về giết mổ. Tại các cơ sở, bình quân mỗi ngày giết mổ 690 con lợn (số giết mổ tại cơ sở tập trung là 125 con chiếm khoảng 18%; số giết mổ tại cơ sở nhỏ lẻ là 565 con chiếm 82%); số lượng giết mổ trâu, bò, ngựa là 35 con/ngày và 100% đều giết mổ nhỏ lẻ trong các khu dân cư.

Ông Ngô Tiến Dũng, Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho rằng, hiện nay một số địa phương chưa thực sự quan tâm triển khai xây dựng cơ sở giết mổ. Chưa rà soát lựa chọn vị trí đất đảm bảo các tiêu chí chuyên ngành để xây dựng cơ sở giết mổ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Nên khi tổ chức, cá nhân xin chủ trương đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ địa phương không bố trí được quỹ đất. Có địa phương đã lựa chọn vị trí đất đảm bảo tiêu chí chuyên ngành đưa vào quy hoạch nhưng kinh phí giải phóng mặt bằng quá cao không thực hiện được.

mm4.jpg

Việc khó kiểm soát được hoạt động giết mổ tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ đang là nguy cơ làm phát sinh dịch bệnh lây lan trong chăn nuôi, thêm vào đó các phương tiện vận chuyển sản phẩm động vật từ nơi giết mổ đến các chợ, điểm bày bán hiện nay phần lớn bằng xe máy, sản phẩm động vật không được che chắn khiến nguy cơ nhiễm vi khuẩn, tạp chất, nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm rất cao.

sua.jpg

Địa phương cần quyết liệt vào cuộc để kiểm soát giết mổ

Hiện tại, cả tỉnh chỉ có 4 cơ sở giết mổ tập trung đảm bảo điều kiện hoạt động tại các huyện Bảo Thắng, Mường Khương, Si Ma Cai và thị xã Sa Pa; lượng giết mổ tại các cơ sở tập trung được kiểm soát rất thấp, chỉ chiếm 18%.

gm6.JPG
Cán bộ thú y huyện Mường Khương kiểm soát và đóng dấu tại cơ sở giết mổ tập trung.

Theo Luật Thú y quy định việc giết mổ động vật phải được thực hiện tại cơ sở giết mổ tập trung hoặc cơ sở giết mổ nhỏ lẻ (đối với vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế khó khăn) phải đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y. Như vậy để kiểm soát tốt công tác giết mổ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và tránh phát sinh dịch bệnh thì các địa phương trong tỉnh cần sớm vào cuộc kiểm tra, rà soát lại các cơ sở giết mổ theo đúng quy định; đồng thời quan tâm kêu gọi đầu tư cho các cơ sở giết mổ tập trung đủ điều kiện để quản lý.

Trước nhiều bất cập trong việc kiểm soát giết mổ, mới đây UBND tỉnh đã có văn bản 2681/UBND-NLN về việc tăng công tác quản lý kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ động vật, bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát quỹ đất, giới thiệu vị trí địa điểm cụ thể và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở giết mổ động vật tập trung công nghiệp, hiện đại hoặc cơ sở giết mổ tập trung quy mô nhỏ theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trong thời gian chưa xây dựng được cơ sở giết mổ tập trung tiến hành xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện việc quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn; rà soát, sắp xếp những hộ, điểm giết mổ nhỏ lẻ tại các cụm xã, trung tâm thị trấn để thực hiện nâng cấp, cải tạo hoặc xây dựng mới cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, cơ bản đảm bảo yêu cầu, tiêu chí theo quy định; cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và có kiểm soát của chính quyền địa phương, cơ quan thú y...

Cùng với việc vào cuộc kiểm soát cơ sở giết mổ của cơ quan chức năng; thiết nghĩ các địa phương cũng cần tuyên truyền cho tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh, buôn bán, giết mổ nâng cao ý thức, trách nhiệm chấp hành các quy định của pháp luật về giết mổ động vật, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và nguồn gốc, chất lượng sản phẩm động vật góp phần bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng. Người tiêu dùng cũng nên có nhận thức đúng đắn trong việc lựa chọn thực phẩm là thịt gia súc, gia cầm phải có nguồn gốc, có dấu kiểm soát giết mổ hoặc tem vệ sinh thú y do cơ quan có thẩm quyền đã thẩm định và cấp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và xã hội.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Xây dựng Quốc lộ 4D thành tuyến đường kiểu mẫu

Xây dựng Quốc lộ 4D thành tuyến đường kiểu mẫu

Trồng cây xanh, các loại hoa và lắp đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời… là những hạng mục đang được Sở Giao thông vận tải Lào Cai triển khai, dần đưa Quốc lộ 4D, đoạn từ thành phố Lào Cai đi thị xã Sa Pa trở thành tuyến đường kiểu mẫu sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn giao thông.

Huyện Bảo Yên chú trọng phân luồng học sinh

Huyện Bảo Yên chú trọng phân luồng học sinh

Trong những năm qua, công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh trong trường phổ thông trên địa bàn huyện Bảo Yên được các cấp ủy đảng, chính quyền, quản lý giáo dục chỉ đạo thường xuyên. Đặc biệt, ngành giáo dục đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, góp phần nâng cao chất lượng phân luồng học sinh.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vừa có văn bản số 07/MTTQ - BTT gửi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm về việc kêu gọi vận động ủng hộ Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2025.

fb yt zl tw