Không thể lơ là phòng, chống đuối nước cho thanh, thiếu nhi

Dù hồi chuông cảnh báo đã gióng lên từ lâu nhưng những vụ đuối nước ở thanh, thiếu nhi vẫn xảy ra tại các địa bàn từ vùng thấp đến vùng cao, nông thôn tới thành thị của Lào Cai, đặc biệt vào mùa hè, để lại nỗi đau khôn cùng cho nhiều gia đình.

Hiểm họa sông nước

Theo thống kê của UBND tỉnh Lào Cai, năm 2023, tại địa phương xảy ra 12 vụ đuối nước làm 14 thiếu nhi. Năm 2024, mặc dù mới chớm hè, song một số địa bàn vùng thấp của Lào Cai xuất hiện nắng nóng gay gắt. Nhiều người tìm đến bể bơi, nơi có thác nước, sông, suối để bơi, lội và tắm giải nhiệt dẫn đến tình trạng gia tăng nguy cơ xảy ra đuối nước.

Mới đây nhất, trên địa bàn xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng xảy ra vụ tử vong do đuối nước tại bể bơi thuộc thôn Hùng Xuân 2. Vụ việc xảy ra vào khoảng 13 giờ 30 phút ngày 29/4. Khi đó, một phụ nữ đưa 3 cháu nhỏ đi tắm tại bể bơi thuộc thôn Hùng Xuân 2, xã Xuân Giao. Đến 13 giờ 40 phút thì phát hiện cháu Nguyễn V. A (sinh năm 2015, trú tại thôn Mường 2, xã Xuân Giao) lặn xuống bể nhưng không thấy nổi lên. Ngay lập tức, chủ bể bơi đưa cháu lên và thực hiện biện pháp sơ cứu rồi đưa đến Phòng khám Đa khoa Tằng Loỏng cấp cứu. Sau đó, cháu bé được đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng. Tuy nhiên, cháu Nguyễn V. A không qua khỏi và tử vong.

Trước đó, tại thành phố Lào Cai, vào khoảng 16 giờ 30 phút ngày 7/4, em Đỗ Văn T. (sinh năm 2007), trú tại phường Bắc Cường cùng bố đi dạo, khi đến khu vực có hố nước sâu thuộc tổ 13, phường Bắc Cường, em T. nhảy xuống nghịch và bị đuối nước. Khi phát hiện con bị đuối nước, người bố tìm mọi cách cứu nhưng không thành công. Đến 18 giờ, thi thể em T. được lực lượng cứu nạn, cứu hộ tìm thấy để bàn giao cho gia đình lo hậu sự.

Đầu giờ chiều 30/3, em Nguyễn Văn Th. (sinh năm 2009, trú tại thôn Làng Bạc, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng) cùng khoảng 9 người bạn đến khu vực cầu Cốc Ly (xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà) chơi và rủ nhau lội nước ở ven bờ sông Chảy. Trong lúc lội nước, em Nguyễn Văn Th. không may bị trượt chân ngã xuống sông. Đến khoảng 16 giờ cùng ngày, lực lượng cứu hộ tìm thấy thi thể nạn nhân trong tình trạng tử vong tại chỗ do đuối nước.

Có thể nói nguy cơ đuối nước luôn rình rập trẻ em và thanh, thiếu niên ở khắp mọi nơi, đặc biệt mùa hè nắng nóng, khi các em được nghỉ học, tham gia nhiều hoạt động vui chơi tự do. Theo cơ quan chức năng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng phần lớn chủ yếu vẫn do sự lơ là, chủ quan của phụ huynh, chưa giám sát chặt chẽ con trẻ hoặc thiếu người trông coi, chăm sóc, để các cháu tự do đi lại. Bên cạnh đó, hệ thống sông, suối, ao, hồ, vũng nước… cũng là môi trường tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm.

Sau những vụ việc thương tâm trên cộng với trải nghiệm của bản thân, nhiều bậc phụ huynh tại Lào Cai quan tâm, để ý đến con hơn. Anh Mai Đức Nam, trú tại phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai cho biết, vừa rồi, anh cho con đi bơi ở một bể bơi tư nhân, cũng chỉ vài phút lơ đễnh nghe điện thoại mà con anh bị sặc nước, may mắn xung quanh có nhiều người phát hiện sơ cứu kịp thời. Từ lần đó, anh Nam rất hoảng sợ, mỗi khi cho con đi bơi, anh để ý đến con nhiều hơn.

Thực tế cho thấy, biết bơi thôi chưa đủ mà cần trang bị kỹ năng cứu người đuối nước cho cả người lớn và trẻ em. Chính vì vậy, điều cần nhất vẫn là sự quan tâm, nhắc nhở thường xuyên từ phía gia đình, sự phối hợp đồng bộ từ nhà trường và xã hội. Các em cần được người lớn chỉ dẫn vui chơi ở đâu, chơi như thế nào, sơ cấp cứu ra sao... để đảm bảo an toàn.

Trách nhiệm của toàn xã hội

Lào Cai đặt mục tiêu năm 2024 có 94% trẻ em trong và ngoài trường học được hướng dẫn, biết kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, đặc biệt là phòng, chống tai nạn đuối nước; tăng dần tỷ lệ trẻ em được học bơi, biết bơi, có kỹ năng tự cứu đuối. Ngoài ra, có 94% gia đình, nhà trường, cộng đồng và trẻ em được tuyên truyền nâng cao kiến thức, kỹ năng cơ bản về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước.

Để thực hiện mục tiêu này, các ngành, đơn vị, lực lượng của tỉnh triển khai nhiều phần việc thiết thực. Điển hình, đầu năm 2024, Đồn Biên phòng Bản Lầu, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai khánh thành bể bơi huấn luyện phòng, chống đuối nước cho trẻ em vùng biên giới. Công trình có diện tích khoảng 1.000 m2 trong khuôn viên Đồn Biên phòng Bản Lầu, được thiết kế theo mẫu, với tổng kinh phí gần 940 triệu đồng từ nguồn đóng góp của cán bộ, chiến sĩ đơn vị và các nhà hảo tâm. Đại diện đơn vị cho biết, thời gian tới, Đồn Biên phòng Bản Lầu phối hợp với các nhà trường xây dựng kế hoạch học ngoại khóa và cử giáo viên thể dục, giáo dục thể chất có nghiệp vụ của các trường về dạy bơi cho học sinh trên địa bàn.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường, cần xác định công tác phòng, chống đuối nước đối với học sinh, sinh viên, trẻ em là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Từ đó, tập trung chỉ đạo và tạo điều kiện đẩy mạnh công tác cứu nạn, cứu hộ tại địa phương, nhất là trong công tác phòng, chống đuối nước. Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; phân công nhiệm vụ cụ thể thực hiện hiệu quả và đưa vào đánh giá thi đua hằng năm đối với đơn vị, cá nhân liên quan.

Để tăng cường công tác phòng, chống đuối nước, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể và chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục kỹ năng, kiến thức về phòng, chống đuối nước học sinh, sinh viên và trẻ em; phối hợp tổ chức lớp dạy bơi, kỹ năng phòng, tránh đuối nước miễn phí cho trẻ em, nhất là vào dịp hè... Đặc biệt, các cơ sở giáo dục, trường học thường xuyên đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên giáo dục thể chất, dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho học sinh, mở lớp dạy bơi (miễn phí) vào dịp hè cho các em.

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lào Cai và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức tập huấn bơi an toàn, sơ cấp cứu, kỹ thuật cứu đuối cho cán bộ Đoàn, Hội, Đội và giáo viên về phòng, chống đuối nước trẻ em tại cộng đồng gắn với phong trào “Trẻ em toàn xã biết bơi”. Hằng năm, tổ chức giải bơi thiếu nhi “Đường đua xanh” cho cán bộ Đoàn, Hội, Đội và học sinh.

Các địa phương chỉ đạo rà soát khu vực, địa điểm nguy cơ xảy ra đuối nước và số lượng điểm cần lắp rào chắn, cắm biển cấm, biển cảnh báo...; kiểm tra, kiên quyết xử lý vi phạm về bảo đảm điều kiện an toàn phòng ngừa sự cố, tai nạn đuối nước ở cơ sở vui chơi, giải trí có hồ, bể bơi trên địa bàn.

baomoi.com

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Chấm dứt dạy thêm, học thêm trở thành mệnh lệnh: Phụ huynh vẫn tranh cãi gay gắt

Chấm dứt dạy thêm, học thêm trở thành mệnh lệnh: Phụ huynh vẫn tranh cãi gay gắt

Sau gần 2 tháng thực hiện Thông tư 29 về tăng cường quản lý dạy thêm học thêm, Bộ GD&ĐT khẳng định, chấm dứt dạy thêm học thêm tràn lan không còn là dự lệnh mà trở thành mệnh lệnh của toàn ngành. Trong khi thực tế, phụ huynh vẫn còn những ý kiến tranh cãi gay gắt trên các diễn đàn. 

Thẩm định công nhận được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh

Thẩm định công nhận được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh

Ngày 2/4, hai đoàn công tác của Bộ Y tế do đồng chí Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám - chữa bệnh; đồng chí Đinh Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Bà mẹ và Trẻ em làm trưởng đoàn đã tiến hành thẩm định cấp điều chỉnh giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và thẩm định công nhận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Lào Cai.

Động đất tại Myanmar: Cứu hộ quân đội Việt Nam quyết tìm kiếm toàn bộ nạn nhân ở Oattara Thiri

Động đất tại Myanmar: Cứu hộ quân đội Việt Nam quyết tìm kiếm toàn bộ nạn nhân ở Oattara Thiri

Hiện tại, điều kiện thời tiết đang rất bất lợi cho hoạt động cứu hộ, tuy nhiên đoàn vẫn quyết tâm trong chiều và tối nay sẽ đưa toàn bộ nạn nhân mắc kẹt tại bệnh viện Oattara Thiri về với thân nhân của mình. Tính đến sáng 2/4, tổng số nạn nhân được tìm thấy đã nâng lên thành 7 người.

Đề xuất gỡ vướng trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh trên tài sản được tài trợ

Đề xuất gỡ vướng trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh trên tài sản được tài trợ

Nghị quyết số 30/NQ-CP của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế đã cho phép các cơ sở y tế được sử dụng các trang thiết bị y tế đã được cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ (bao gồm các trang thiết bị y tế liên doanh, liên kết đã hết thời hạn hợp đồng) nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân để khám bệnh, chữa bệnh.

Hội thảo "Hành trình khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo từ trung học phổ thông"

Hội thảo "Hành trình khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo từ trung học phổ thông"

Chiều 1/4, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo "Hành trình khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo từ trung học phổ thông". Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh kết hợp trực tuyến tới các cơ sở giáo dục THPT trên địa bàn tỉnh thông qua nền tảng Zoom.

Hiệu quả bước đầu của việc ứng dụng học bạ số

Hiệu quả bước đầu của việc ứng dụng học bạ số

Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ của ngành giáo dục, việc triển khai học bạ điện tử đã mang lại những hiệu quả rõ rệt, đặc biệt trong công tác giảng dạy và quản lý trường học. Tại tỉnh Lào Cai, nhiều trường học đã áp dụng hình thức học bạ số, giúp giảm tải áp lực cho giáo viên, nâng cao tính chính xác, minh bạch trong đánh giá học sinh và cải thiện hiệu quả quản lý dữ liệu.

fb yt zl tw