Sáng 23/7, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố các luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7.
Thông tin tại họp báo, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) số 41 được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025, nhằm từng bước mở rộng diện bao phủ, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, để BHXH thực sự là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội.
Theo bà Hà, luật vừa được Quốc hội thông qua, gồm 11 chương, 141 điều, trong đó có 14 điểm mới cơ bản. Cụ thể, luật đã bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng.
Đây là loại hình BHXH do ngân sách nhà nước đảm bảo, được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển một phần từ quy định về trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng.
Trong đó, giảm độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội xuống 75 tuổi (hiện hành là 80 tuổi). Riêng với người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo thì đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Cùng với đó, lần sửa đổi này cũng bổ sung quy định nhằm gia tăng sự liên kết giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội và BHXH cơ bản; mở rộng đối tượng được tham gia và thụ hưởng đầy đủ các chế độ BHXH bằng việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh.
Điểm mới đáng chú ý khác là việc gia tăng cơ hội được hưởng lương hưu của người tham gia BHXH thông qua giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.
Luật sửa đổi cũng bổ sung quy định nhằm gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần.
Ngoài ra, luật cũng bổ sung một chương quy định về bảo hiểm hưu trí bổ sung, trong đó quy định về đối tượng, nguyên tắc, quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung và chính sách của Nhà nước đối với bảo hiểm hưu trí bổ sung, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm sự lựa chọn tham gia đóng góp để hưởng mức lương hưu cao hơn.
Cũng theo bà Hà, luật lần này cũng quy định cụ thể về mức tham chiếu thay cho mức lương cơ sở. Cụ thể, luật quy định mức tham chiếu dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ BHXH; khi chưa bãi bỏ mức lương cơ sở thì mức tham chiếu bằng mức lương cơ sở.
“Mức tham chiếu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ BHXH", bà Hà nêu.
Trao đổi với phóng viên tại họp báo về việc rút BHXH một lần, ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐTB&XH lý giải, đây là vấn đề nhận được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội, dư luận xã hội, và Quốc hội cũng đã biểu quyết riêng về nội dung này.
Đại diện Bộ LĐTB&XH nhấn mạnh rằng, việc rút một lần vẫn được áp dụng để bảo đảm quyền lợi, tuy nhiên, khuyến khích người lao động bảo lưu để hưởng lương hưu thay vì rút một lần.
“Không có chuyện cấm hoặc dừng hưởng BHXH một lần từ năm 2025”, ông Giang khẳng định, đồng thời cho biết, nếu bảo lưu hưu để hưởng lương hưu, thì người lao động sẽ được hưởng nhiều quyền lợi cơ bản, như trợ cấp hằng tháng, y tế và chính sách về tín dụng.