Khó khăn lớn của Mỹ trong chấm dứt cuộc chiến Gaza sau cái chết của thủ lĩnh Hamas

Tổng thống Joe Biden có thể sẽ sử dụng vụ Israel tiêu diệt thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar để gây áp lực lên Thủ tướng Benjamin Netanyahu nhằm kết thúc cuộc chiến tại Gaza. Tuy nhiên, trong những tháng cuối nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Mỹ có thể thiếu sức mạnh để buộc nhà lãnh đạo Israel phải tuân theo ý muốn của mình.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng ở Washington DC. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng ở Washington DC. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Theo hãng tin Reuters, cái chết của Yahya Sinwar, người lên kế hoạch vụ tấn công ngày 7/10/2023 vào Israel, đã làm dấy lên hy vọng rằng điều này có thể thúc đẩy nối lại các cuộc đàm phán vốn đã đình trệ từ lâu về thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin ở Gaza mà ông Biden từ lâu đã tìm kiếm.

Tuy nhiên, kết quả này còn xa vời khi ông Biden đang đối mặt với một loạt cuộc khủng hoảng đan xen tại Trung Đông. Nỗ lực của ông để mang lại hòa bình cho Gaza sẽ phức tạp bởi Israel cùng lúc chống Hezbollah tại Liban và chuẩn bị đáp trả Iran.

Ông Jonathan Panikoff, cựu phó sĩ quan tình báo quốc gia Mỹ về Trung Đông, nói: “Cái chết của Yahya Sinwar sẽ mang lại cơ hội mới cho Tổng thống Biden thúc đẩy thực hiện giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận ngừng bắn và gia tăng áp lực lên ông Netanyahu để thực hiện điều đó. Liệu có thể đạt được thỏa thuận ngừng bắn hay không sẽ phụ thuộc vào lãnh đạo mới của Hamas và vào việc ông Netanyahu có sẵn sàng tuyên bố chiến thắng và thực hiện thỏa thuận hay không”.

Khi nhiệm kỳ tổng thống đang dần hết và cuộc bầu cử Mỹ ngày 5/11 đang đến gần, ông Biden có thể gặp khó khăn khi muốn ông Netanyahu lắng nghe những lời kêu gọi của mình. Mặc dù chính quyền của ông Biden tuần này đã nói với Israel rằng nước này phải cải thiện tình hình nhân đạo ở Gaza, nếu không sẽ phải đối mặt với các lệnh cấm viện trợ quân sự, nhưng vẫn chưa rõ Mỹ sẽ hành động mạnh mẽ đến mức nào với lời cảnh báo này.

Theo một số nhà phân tích, ông Netanyahu có thể sẽ chọn chờ hết nhiệm kỳ của ông Biden vào tháng 1/2025 và thử vận may với tổng thống kế tiếp, dù là ứng viên đảng Dân chủ, Phó Tổng thống Kamala Harris, hay đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump.

Ông Jon Alterman tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington, tỏ ra bi quan về khả năng Thủ tướng Netanyahu sẽ đáp ứng áp lực mới từ ông Biden để nối lại các cuộc đàm phán về Gaza do Ai Cập và Qatar làm trung gian.

“Thủ tướng Israel giống như một người đánh bạc đang thắng và trong tâm trí ông, tất cả những rủi ro lớn mà ông đã chấp nhận trong sáu tháng qua, điều mà mọi người nói là điên rồ, đều đã được đền đáp, đặc biệt là việc tiêu diệt Yahya Sinwar”.

Chính quyền của Tổng thống Biden từ lâu đã đổ lỗi cho Yahya Sinwar là trở ngại chính cho việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin giữa Hamas và Israel.

Tuy nhiên, ngay cả khi Mỹ chỉ trích lập trường cứng rắn của Yahya Sinwar, thì một số quan chức Mỹ đã âm thầm chỉ trích ông Netanyahu vì ông thay đổi yêu cầu để xoa dịu các thành viên cực hữu trong liên minh cầm quyền.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: THX/TTXVN
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: THX/TTXVN

Ông Netanyahu ngay lập tức tuyên bố rằng việc tiêu diệt Yahya Sinwar là “thanh toán món nợ”, đồng thời khẳng định rằng cuộc chiến ở Gaza chưa kết thúc và Israel sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến khi con tin Israel được trả tự do.

Trong một tuyên bố đưa ra ngay sau đó, ông Biden ủng hộ quyền của Israel trong việc tiêu diệt ban lãnh đạo Hamas nhưng sau đó đã chuyển hướng sang nói rằng ông sẽ thảo luận với ông Netanyahu về con đường để kết thúc cuộc chiến này một lần và mãi mãi.

Những khác biệt trong lời nói của ông Biden và ông Netanyahu phản ánh một số điểm khác biệt giữa hai người về cách nhà lãnh đạo Israel xử lý cuộc chiến ở Gaza và có thể báo trước những căng thẳng tiếp theo.

Yahya Sinwar được bổ nhiệm làm thủ lĩnh Hamas sau vụ ám sát thủ lĩnh chính trị Ismail Haniyeh ở Tehran vào tháng 7. Sau đó, Israel ám sát thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah tại Beirut vào tháng trước.

Một số nhà phân tích cho rằng cái chết của Yahya Sinwar có thể mang lại cho ông Netanyahu lợi thế chính trị để đàm phán linh hoạt hơn. Tuy nhiên, bất kỳ động thái nào nhằm đạt được thỏa thuận với Hamas có khả năng sẽ vấp phải phản đối mạnh mẽ từ các thành viên trong nội các cực hữu, vốn đã phản đối các điều khoản của thỏa thuận trước đây.

Ngoài ra, triển vọng hồi sinh nỗ lực hòa bình ở Gaza còn tùy vào người sẽ thay thế Yahya Sinwar – người có tầm ảnh hưởng khó ai sánh bằng trong Hamas.

Theo truyền thông tại Trung Đông, ông Khaled Mashal đã trở thành thủ lĩnh mới của lực lượng Hamas, thay thế ông Yahya Sinwar. Ông Mashal đã đảm nhận vị trí quyền thủ lĩnh Hamas và đang phụ trách liên lạc với các bên chính tham gia đàm phán về trả tự do cho con tin người Israel. Ban lãnh đạo lực lượng Hamas nhấn mạnh rằng sau cái chết của ông Sinwar, các cuộc đàm phán về trao đổi tù nhân và chấm dứt xung đột sẽ ngày càng khó khăn hơn.

Ông Brian Katulis, thành viên cấp cao tại Viện Trung Đông ở Washington, nhận định: “Trên thực tế, việc làm thế nào để thực hiện hoặc đạt được lệnh ngừng bắn khi cấu trúc chỉ huy và kiểm soát của Hamas đang hỗn loạn thực sự là một thách thức”.

Từ quan điểm của Israel, một số nhà phân tích cho rằng, hiện tại có thể là thời điểm để đánh mạnh vào Hamas thay vì rút lui, khiến nguy cơ cuộc chiến có thể leo thang.

Bà Laura Blumenfeld, nhà phân tích Trung Đông tại Đại học Johns Hopkins, nói:“Khi mà Israel vẫn đang chuẩn bị đáp trả Iran và rocket của các lực lượng thân Iran vẫn đang rơi xuống Tel Aviv, sẽ rất khó để Thủ tướng Netanyahu chuyển hướng sang hòa bình”.

Theo baotintuc.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Truyền thông Mexico đánh giá cao vai trò của Việt Nam trên các diễn đàn đa phương

Truyền thông Mexico đánh giá cao vai trò của Việt Nam trên các diễn đàn đa phương

Những sáng kiến và đóng góp hiệu quả của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế quan trọng như Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Hội nghị thượng đỉnh của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) một lần nữa khẳng định uy tín và vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trên trường quốc tế.

APEC kêu gọi tăng cường hợp tác đa phương, cải cách WTO

APEC kêu gọi tăng cường hợp tác đa phương, cải cách WTO

Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ngày 17/11 ra tuyên bố chung kêu gọi hợp tác đa phương hiệu quả để đối phó với nhiều thách thức trong các lĩnh vực thương mại và đầu tư, môi trường, an ninh lương thực, an ninh năng lượng.

Số ca mắc sởi trên toàn cầu tăng tới 20%

Số ca mắc sởi trên toàn cầu tăng tới 20%

Số ca mắc bệnh sởi trên thế giới trong năm 2023 đã tăng 20% so với năm trước đó lên 10,3 triệu ca, cho thấy khoảng trống đáng báo động trong việc bao phủ vaccine ngừa bệnh. Đây là kết quả của một nghiên cứu, được đưa ra trong báo cáo chung của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, công bố ngày 14/11.

AFD đánh giá cao Việt Nam trong lồng ghép mục tiêu kinh tế và phát triển bền vững

AFD đánh giá cao Việt Nam trong lồng ghép mục tiêu kinh tế và phát triển bền vững

Ngày 12/11 tại cuộc tọa đàm ở trụ sở Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) ở thủ đô Paris, các chuyên gia nhận định rằng Việt Nam có sự ổn định chính trị-xã hội cao, cùng với sự thận trọng trong việc điều hành các công cụ chính sách, trong đó có ngân sách và tiền tệ. Do vậy, nền kinh tế Việt Nam được đánh giá có sức hút và triển vọng đạt tốc độ tăng trưởng vững chắc.

Thách thức với Thủ tướng Nhật Bản trong nhiệm kỳ mới

Thách thức với Thủ tướng Nhật Bản trong nhiệm kỳ mới

Ông Ishiba Shigeru đã tái đắc cử chức Thủ tướng Nhật Bản trong cuộc bỏ phiếu của Quốc hội ngày 11/11 và sẽ thành lập một chính phủ thiểu số. Trước cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội, nội các của ông Ishiba đã từ chức, mở đường cho việc thành lập chính phủ mới.

Qatar tuyên bố tạm ngừng vai trò trung gian đàm phán về Gaza

Qatar tuyên bố tạm ngừng vai trò trung gian đàm phán về Gaza

Ngày 9/11 (giờ địa phương), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Qatar, Majed Al Ansari, tuyên bố nước này tạm ngừng vai trò trung gian đàm phán về một lệnh ngừng bắn và trao trả con tin tại Dải Gaza cho tới khi Hamas và Israel chứng minh được “thái độ nghiêm túc” trong đối thoại.

fbytzltw