Vi phạm pháp luật khi dừng xe chụp ảnh
Sau vụ đoàn rước dâu bằng xe sang dừng đỗ trên tuyến đường ở Hải Dương để chụp ảnh, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Gia Lộc đã khởi tố Phạm Đức Hải (tức Hải 'Idol', sinh năm 1996) và 3 bị can khác về tội Gây rối trật tự công cộng.
Theo cáo buộc, nhóm này đã xếp đội hình gồm 4 xe ô tô hạng sang dừng, đỗ giữa đường tại Km 1+500 đường trục Bắc - Nam, thuộc địa phận xã Toàn Thắng, huyện Gia Lộc để dàn cảnh chụp ảnh. Sau đó, nhóm này di chuyển trên đường để phát livestream câu like, tăng tương tác.
Ngoài vụ việc trên, ngày 20/5, Công an TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng vừa mời làm việc đối với nữ tài xế tên N.T.B.D (41 tuổi, trú TP Đà Lạt) sau khi xác định bà D là người cầm lái xe ô tô màu đen dừng giữa đường Hoa Phượng Tím trong khu du lịch hồ Tuyền Lâm trưa 17/5.
Sau đó, những người đi cùng xe với bà D đã xuống tập thể dục trước đầu xe, ngay trên làn đường có nhiều phương tiện đang lưu thông.
Theo dõi các vụ việc nêu trên, luật sư Hà Thị Khuyên (Văn phòng Luật sư Nhân Chính, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích, gây rối trật tự công cộng là hành vi làm náo động trật tự ở nơi công cộng. Người thực hiện hành vi này thông qua các phương thức khác nhau như: Tập trung đông người ở nơi công cộng mà gây náo động làm mất trật tự công cộng, sử dụng phương tiện hỗ trợ gây náo loạn khu vực công cộng.
Thời gian gần đây, một số vụ dừng phương tiện trên đường giao thông không những gây cản trở giao thông đường bộ mà còn ảnh hưởng đến các quy tắc ứng xử của công dân khi thực hiện các hoạt động thường ngày tại nơi công cộng.
"Họ hoàn toàn nhận thức được rằng không được phép tụ tập đông người và dừng, đỗ xe cản trở giao thông, không được gây náo loạn khu vực công cộng như vậy, nhưng họ vẫn cố ý thực hiện hành vi nhằm thỏa mãn mục đích của bản thân", luật sư nhấn mạnh.
Vì thế, những người thực hiện hành vi với tính chất cố ý, ngang nhiên vi phạm pháp luật nên việc cơ quan công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội gây rối trật tự công cộng trong một số vụ án, như vụ ở Gia Lộc là có căn cứ.
Theo luật sư Khuyên, trước khi ai đó muốn thực hiện hành vi gì ở nơi công cộng, họ cần phải hiểu khu vực đó có đông người lưu thông qua lại (gồm cả khu vực đường giao thông) hay không? Bởi lẽ, hành vi gây rối trật tự công cộng nếu xảy ra tại khu vực đường giao thông thì sẽ trực tiếp xâm phạm đến an toàn công cộng, đến các quy tắc xử sự, sinh hoạt, đi lại ở nơi công cộng.
Đáng chú ý, hành vi đó nếu được xác định là gây ảnh hưởng xấu tới an ninh trật tự, gây ùn tắc giao thông và thậm chí còn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông, thì tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả mà người vi phạm gây ra, cơ quan công an xem xét dấu hiệu tội phạm để khởi tố.
Dừng xe thế nào để đảm bảo an toàn?
Theo khuyến cáo của Cục Cảnh sát giao thông, dừng đỗ xe trên đường bộ phải tuân thủ một số nguyên tắc để đảm bảo an toàn và đúng luật.
Cụ thể, người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải có tín hiệu cảnh báo; Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; Trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải.
Ở những đoạn đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó. Nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau.
Còn trên đường phố, người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe phải cho xe dừng, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; Không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông.
Trường hợp đường phố hẹp thì phải dừng xe, đỗ xe ở vị trí cách xe ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20m.
Tuyệt đối không được dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước. Không được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định.