Những năm gần đây, nuôi thủy sản trên địa bàn xã Tả Phời phát triển ổn định, ngày càng thu hút nhiều hộ tham gia.
Gia đình ông Nguyễn Văn Sơn, thôn Đá Đinh 1 là hộ tiên phong nuôi thủy sản thâm canh tại xã Tả Phời. Hiện gia đình có 2 ha mặt nước nuôi thủy sản, được chia thành 6 ao nuôi. Ông Sơn áp dụng phương pháp nuôi ghép các loại cá sống ở những tầng nước khác nhau (cá trắm, chép, rô phi đơn tính…) để tận dụng thức ăn dư thừa, hạn chế phát sinh dịch bệnh. Xác định nuôi cá là nguồn sinh kế chính của gia đình, ông đã tự đầu tư xây dựng hệ thống mương dẫn nước từ suối về các ao nhằm chủ động nguồn nước chăn nuôi.
Để giảm công lao động và tăng hiệu quả chăn nuôi, gia đình đầu tư mua máy sục khí, máy bắn cám thông minh, camera giám sát có kết nối với điện thoại di động để bật - tắt, điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp, theo dõi diễn biến ao nuôi ở bất cứ đâu, thời gian nào trong ngày.
Ông Sơn cho biết: Tận dụng lợi thế nguồn nước sạch dồi dào quanh năm tại địa phương, tôi đã chọn hướng phát triển kinh tế từ nuôi thủy sản. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong nuôi cá đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trung bình mỗi năm, gia đình thu hoạch hơn 80 tấn cá, thu hơn 3 tỷ đồng, trừ chi phí thu lãi hơn 500 triệu đồng.
Gia đình ông Bạch Văn Tẩn, thôn Đá Đinh 2 hiện có 0,5 ha mặt nước với 3 ao nuôi cá. Trước đây, tại diện tích ao này, gia đình ông cấy lúa nhưng kém hiệu quả nên quyết định chuyển sang đào ao nuôi cá. Với 3 ao nuôi gối lứa, trung bình mỗi năm ông Tẩn xuất bán hơn 20 tấn cá, thu lãi gần 200 triệu đồng.
Xã Tả Phời hiện có trên 26,5 ha mặt nước nuôi thủy sản, với hơn 200 hộ nuôi, tập trung tại các thôn Đá Đinh 1, Đá Đinh 2, Phời 2, Phời 3, Cóc 2, Cuống, trong đó 85 hộ nuôi thâm canh với diện tích ao nuôi từ 1 ha trở lên, sản lượng cá toàn xã ước đạt 530 tấn/năm, doanh thu hơn 21 tỷ đồng. Tại các thôn vùng cao như Phìn Hồ, Làng Mới, Ú Sì Sung, Pèng... có khí hậu mát mẻ, nguồn nước phù hợp với nuôi cá nước lạnh, một số hộ đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá tầm, bước đầu cho hiệu quả kinh tế. Nhiều hộ chuyển từ nuôi cá theo phương pháp quảng canh, bán thâm canh sang hình thức nuôi thâm canh; đầu tư cải tạo, xây dựng, sửa chữa hệ thống ao nuôi, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất... đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Để giúp người dân phát triển kinh tế từ nuôi thủy sản, xã đã phối hợp với các ngành chuyên môn mở lớp dạy nghề nuôi cá; tập huấn, hướng dẫn các phương pháp lựa chọn giống, kỹ thuật chăm sóc, phòng, trừ dịch bệnh cho đàn cá; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho người dân vay vốn mở rộng quy mô nuôi.
Tuy nhiên, hiện nay, việc phát triển thủy sản trên địa bàn xã Tả Phời còn gặp một số khó khăn, như chưa có cơ sở ương nuôi cá giống nên không kiểm soát được chất lượng và giá thành con giống; diện tích nuôi tích thủy sản nhỏ lẻ, không tập trung; chưa hình thành được chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đầu ra chủ yếu phụ thuộc vào thương lái nên giá bán không ổn định.
Xác định nuôi thủy sản là hướng đi mũi nhọn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương, Tả Phời sẽ rà soát các điều kiện về nguồn nước, quỹ đất của từng thôn để quy hoạch vùng nuôi thủy sản phù hợp, từ đó có kế hoạch tuyên truyền, khuyến khích các hộ chuyển đổi những ruộng cấy lúa kém hiệu quả sang đào ao nuôi cá. Xã khuyến khích và tạo điều kiện để các hộ thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi thủy sản nhằm hỗ trợ kiến thức, kinh nghiệm nuôi và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.