Để cụ thể hóa mục tiêu trên, ngay đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ huyện đã xây dựng và ban hành nhiều đề án liên quan đến lĩnh vực kinh tế, như phát triển trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng một phần công nghệ cao; xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc… Mục tiêu đặt ra với những nhiệm vụ nặng nề, ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, UBND huyện đã cụ thể hóa các mục tiêu bằng các chương trình, kế hoạch triển khai trong cả giai đoạn và từng năm, nhằm khai thác tối đa lợi thế so sánh.
Bát Xát có những cánh đồng rộng, đất đai trù phú ở Quang Kim, Sàng Ma Sáo, Mường Vi, A Lù… cùng với khí hậu mát mẻ và những tiểu vùng khí hậu ôn đới, thuận lợi cho phát triển các loại cây đặc hữu. Nhận thức rõ lợi thế này, huyện đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, trọng tâm là đưa cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, với các hình thức liên kết khác nhau.
Ở các xã vùng thấp, như Quang Kim, Bản Qua, nhiều hộ dân tập trung sản xuất rau an toàn có ứng dụng công nghệ cao hoặc một phần công nghệ cao, cho thu nhập lên đến 300 triệu đồng/ha. Cá biệt, ở các xã Trịnh Tường, Y Tý, người dân đã quen với trồng rau trái vụ cho thu nhập bình quân khoảng 150 triệu đồng/ha…
Lĩnh vực nông nghiệp được triển khai lồng gắn với thực hiện Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đề án số 01-ĐA/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bát Xát. Theo đó, trên địa bàn đã hình thành một số vùng cây trồng chủ lực cấp tỉnh, cấp huyện. Huyện đã xác định “10 cây trồng, 2 vật nuôi chủ lực” và chủ động làm việc với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho Nhân dân, xây dựng nhà máy sơ chế sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Hiện, Bát Xát có 24 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh từ 3 sao trở lên và đang có thị trường tiêu thụ ổn định.
Huyện tập trung chỉ đạo hiệu quả các chính sách ưu tiên đầu tư dành cho chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách dành cho huyện nghèo, chính sách ưu tiên nguồn lực cho vùng dân tộc thiểu số để phát triển nông nghiệp và nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Kết quả, tỷ lệ giảm nghèo đều đạt và vượt so với chỉ tiêu kế hoạch tỉnh, huyện xác định; hoạt động thực hiện hỗ trợ 2 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao là Pa Cheo, Dền Thàng được quan tâm triển khai hiệu quả, tỷ lệ giảm nghèo bình quân đều đạt trên 7%.
Hoạt động quảng bá du lịch được huyện quan tâm chỉ đạo có chiến lược trên phạm vi rộng và toàn diện, nhằm thu hút đầu tư, đổi mới các hoạt động du lịch, văn hóa. Nhiều sản phẩm du lịch gắn với thể thao mạo hiểm đã hình thành kết hợp khai thác các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của các dân tộc, tạo thêm các sản phẩm du lịch mới, phong phú, tăng sức hấp dẫn cho hình thức du lịch làng bản, du lịch khám phá, trải nghiệm.
Bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo thực hiện tốt cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho công nghiệp khai thác khoáng sản, thủy điện, sản xuất chế biến nông - lâm sản, vật liệu xây dựng phát triển. Đến nay, đã có 4 dự án công nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư; phối hợp thực hiện lập quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, gồm cụm công nghiệp Bát Xát, khu công nghiệp Bản Qua, đề xuất quy hoạch khu công nghiệp Trịnh Tường - Cốc Mỳ... Đến năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện đạt 8.100 tỷ đồng, đạt 121,3% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII.
Huyện tập trung nhiều giải pháp hỗ trợ và phát triển tiểu thủ công nghiệp với nhiều ngành nghề thế mạnh, khôi phục các làng nghề truyền thống; các hoạt động xúc tiến thương mại được tăng cường, gắn với thúc đẩy phát triển tiểu thủ công nghiệp và phát triển kinh tế du lịch... Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tăng thu ngân sách trên địa bàn, trong đó có việc tạo quỹ đất, đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn. Từ năm 2021 - 2023, tổng số thu từ tiền sử dụng đất hơn 218 tỷ đồng, số thu ngân sách từ đấu giá đất đạt hơn 161 tỷ đồng. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hằng năm đều đạt trên 1.000 tỷ đồng, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện và chỉ tiêu tỉnh giao hằng năm.
Một tín hiệu vui đối với thương mại, dịch vụ, nhất là mậu dịch biên giới của huyện Bát Xát, đó là công trình xây dựng cầu biên giới qua sông Hồng tại khu vực xã Bản Vược đã được hai nước Việt - Trung triển khai. Khi cây cầu đưa vào khai thác, vừa góp phần giảm thiểu ách tắc hàng hóa tại khu vực cửa khẩu Kim Thành, vừa kích thích phát triển dịch vụ, giao thương hàng hóa cho huyện Bát Xát với huyện Hà Khẩu (Trung Quốc).
Bát Xát đang đứng trước cơ hội phát triển mới, nhất là từ khi Tỉnh ủy Lào Cai ban hành Nghị quyết số 36 về định hướng không gian phát triển lĩnh vực kinh tế trọng tâm của huyện Bát Xát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu chung đến năm 2030 hình thành, phát triển hai hành lang kinh tế huyện Bát Xát, đó là: hành lang phía Đông dọc theo trục sông Hồng, tập trung phát triển công nghiệp, đô thị gắn với kinh tế cửa khẩu; hành lang phía Tây tập trung đầu tư phát triển du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao gắn với du lịch sinh thái, nông nghiệp, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tài nguyên thiên nhiên.