Ngày 17/11, TAND huyện Bảo Thắng mở phiên tòa xét xử trực tuyến công khai sơ thẩm vụ án hình sự đối với Nguyễn Văn Tầm, trú tại thị trấn Nông trường Phong Hải (huyện Bảo Thắng). Phiên tòa kết nối điểm cầu trung tâm TAND huyện Bảo Thắng với điểm cầu nhà tạm giữ Công an huyện Bảo Thắng. Kết thúc phiên tòa, bị cáo bị tuyên phạt 2 năm 3 tháng tù vì tội cố ý gây thương tích.
Cũng trong ngày 17/11, TAND huyện Bảo Thắng tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến sơ thẩm vụ án hình sự đối với Phạm Mạnh Hào, trú tại tổ 3, phường Cốc Lếu (thành phố Lào Cai). Bị cáo Phạm Mạnh Hào bị tuyên phạt 1 năm tù về tội tàng trữ trái phép chất ma túy.
Các phiên tòa trực tuyến diễn ra đúng theo quy định về tố tụng hình sự. Sau mỗi phiên tòa trực tuyến, TAND huyện Bảo Thắng đều tổ chức họp rút kinh nghiệm công tác phối hợp tổ chức phiên tòa trực tuyến, kỹ năng thực hành quyền công tố và xét xử.
Tháng 2/2022, TAND huyện Bảo Thắng tổ chức phiên tòa trực tuyến đầu tiên. Năm công tác 2022 (từ tháng 9 năm trước đến tháng 9 năm sau), TAND huyện Bảo Thắng đã tổ chức 5 phiên tòa như vậy, vượt chỉ tiêu 3. Năm 2023, TAND huyện Bảo Thắng tổ chức thành công 5 phiên tòa trực tuyến. Riêng tháng 11/2023 (năm công tác 2024 tính từ 1/10/2023), TAND huyện Bảo Thắng đã tổ chức 5 phiên tòa trực tuyến.
Phiên tòa trực tuyến là xét xử diễn ra ở phòng xét xử theo quy định hiện hành, nhưng một số chủ thể (người làm chứng, người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) không đến trực tiếp tại phiên tòa mà có thể tham gia từ các điểm cầu phụ. Phiên tòa vẫn đảm bảo trực tiếp, công khai, minh bạch, có sự giám sát của các bên liên quan.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Liên, Phó Chánh án TAND huyện Bảo Thắng cho biết: Ưu điểm của hình thức xét xử trực tuyến là những người tham gia tố tụng không phải đi xa, không mất nhiều công sức và tiền của, hạn chế ảnh hưởng tâm lý cho bị hại, bị cáo. Ngoài ra, quá trình xét hỏi, đối chất không giáp mặt trực tiếp nên tránh gây xung đột giữa những người có mâu thuẫn về lợi ích.
Thực tế cho thấy, việc xét xử trực tiếp kết nối trực tuyến giữa điểm cầu trung tâm là trụ sở tòa án với các điểm cầu thành phần vẫn cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng. Hình thức này cũng giúp tiết kiệm chi phí trích xuất, dẫn giải bị cáo và bảo vệ an ninh, trật tự phiên tòa.
Toàn bộ quá trình xét xử được ghi âm, ghi hình và lưu giữ, tạo điều kiện cho các cơ quan có thẩm quyền giám sát. Đặc biệt, phiên tòa xét xử theo hình thức trực tuyến không ảnh hưởng đến chất lượng xét xử, mà còn giúp tòa án giải quyết tình trạng hoãn các phiên tòa vì lý do vắng mặt bị cáo và những người tham gia tố tụng vì nhiều lý do khách quan.
Thời gian đầu triển khai chủ trương xét xử trực tuyến, TAND huyện Bảo Thắng gặp không ít khó khăn do hạ tầng lạc hậu, xuống cấp. Để tổ chức thành công phiên tòa trực tuyến đòi hỏi phải có thiết bị hiện đại, kết nối đồng bộ với các điểm cầu thành phần: Viện kiểm sát, nhà tạm giam. Bên cạnh đó, thẩm phán, thư ký phải nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức xét xử. Tận dụng cơ sở vật chất sẵn có, tiết kiệm nguồn kinh phí của đơn vị để trang bị một số thiết bị cơ bản cho phiên tòa xét xử trực tuyến, TAND huyện Bảo Thắng đã vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra về nội dung này.
Năm 2023, UBND huyện Bảo Thắng đã hỗ trợ đầu tư cho TAND huyện một số trang - thiết bị như màn hình, máy tính cố định tại các điểm cầu. Khi tổ chức xét xử trực tuyến, TAND huyện không phải vận chuyển các thiết bị đến điểm cầu, tuy vẫn chưa đủ thiết bị hiện đại nhưng thể hiện sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đối với hoạt động của tòa án. TAND huyện Bảo Thắng đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức các phiên tòa trực tuyến như tập huấn chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số, rút kinh nghiệm sau mỗi phiên tòa. Năm công tác 2023, đơn vị tổ chức 24 phiên họp rút kinh nghiệm, vượt chỉ tiêu 18 vụ.
Song song với đó, TAND huyện Bảo Thắng cũng quan tâm đến công tác cải cách tư pháp. Các hoạt động cải cách tập trung vào việc đổi mới thủ tục tiếp nhận và xử lý công văn, đơn khởi kiện, hồ sơ kháng cáo, kháng nghị, phân công giải quyết vụ án; cấp sao lục bản án, quyết định của tòa án; quản lý số lượng án thụ lý, giải quyết; tiếp công dân... Đơn vị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả các mặt hoạt động, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý án. Từ đó lãnh đạo cơ quan thực hiện giao án và quản lý tiến độ, kết quả giải quyết án trực tiếp trên phần mềm. Nhờ vậy, số liệu báo cáo thống kê và kết quả giải quyết án được tổng hợp nhanh chóng và chính xác. 100% bản án, quyết định được công bố trên cổng thông tin điện tử; 100% thẩm phán sử dụng tương tác phần mềm trợ lý ảo.
Năm công tác 2023, TAND huyện Bảo Thắng đã thụ lý 633 vụ việc, tỷ lệ giải quyết đạt 99,8%. Trong thời gian tới, TAND huyện Bảo Thắng tiếp tục triển khai các phiên tòa xét xử trực tuyến, nâng cao chất lượng các phiên tòa, tạo thuận lợi cho các bên tham gia tố tụng.